Đối với quân đội, cụm từ "Bộ đội Cụ Hồ" là lời khen thưởng cao quý nhất của nhân dân trao tặng, đó cũng là giá trị tinh thần quý giá của thế hệ đi trước để lại cho các thế hệ sĩ quan và chiến sĩ đang đứng dưới quân kỳ, chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay.
Trung tướng Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. |
Đó là khẳng định của Trung tướng Hồng Cư trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về giá trị của ngày 22/12, của danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” trong suốt chiều dài lịch sử đất nước và quân đội.
Việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử quân đội ta. Xin Trung tướng phân tích ý nghĩa đặc biệt này?
Trung tướng Hồng Cư: Ngày 22/12 đi vào lịch sử như một sự kiện quan trọng mở đầu cho cả một chương lịch sử chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, cũng là một chương lịch sử mới của dân tộc ở thế kỷ 20, trong thời đại Hồ Chí Minh. Việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử quân đội ta. Quân đội ấy đã trưởng thành từ không đến có, từ yếu đến mạnh và cùng với toàn dân lập nên một kỳ tích của thế kỷ 20, một huyền thoại khi một dân tộc nhỏ đánh thắng hai đế quốc to, đưa nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam lên hàng ngũ những dân tộc đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, đánh đổ chủ nghĩa thực dân. Ngày mở đầu này đã mở ra trang sử vẻ vang mới trong lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam ta có một nền văn hóa mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước, chính sức mạnh của nền văn hóa ấy khiến 1.000 năm Bắc thuộc chúng ta cũng không bị đồng hóa, 1.000 năm độc lập thì hết Tống, Nguyên, Minh, Thanh liên tục mang quân sang xâm chiếm nhưng đều thất bại, đến thế kỷ 20 phải đương đầu cả với chủ nghĩa thực dân cũ và mới nhưng chúng ta vẫn đứng vững. Trước những kẻ thù mạnh hơn ta, dân tộc ta đã phát huy nghệ thuật độc đáo: Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy trí nhân thay cường bạo, lấy đại nghĩa thắng hung tàn. Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại vẻ vang trong lịch sử dân tộc, đưa Việt Nam và Hồ Chí Minh vào ngôn ngữ của các dân tộc, đồng nghĩa với “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Cho nên ngày 22/12 đi vào lịch sử dân tộc, cũng như lịch sử Quân đội, là trang mở đầu, nhưng bây giờ Trung ương Đảng ta, Nhà nước ta, Quân đội ta còn trao cho ngày 22/12 hai ý nghĩa rất quan trọng nữa.
Thứ nhất, 22/12 là ngày Quốc phòng toàn dân. Sau khi đi vào giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đi đôi với việc xây dựng nền kinh tế ngày càng phát triển thì phải xây dựng một nền Quốc phòng toàn dân hùng mạnh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự là chiến tranh toàn dân và khởi nghĩa toàn dân, động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, nền quốc phòng cũng là nền quốc phòng toàn dân. Hiện nay quân đội ta đang cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cho nên ngày 22/12 đồng thời cũng là ngày Quốc phòng toàn dân.
Ý nghĩa thứ hai về ngày 22/12 mà bây giờ mới nhiều người nhắc đến là Quân ủy Trung ương quyết định lấy ngày này làm ngày truyền thống của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. Như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bức thư gửi cho Tổng cục Chính trị lần đầu tiên kỷ niệm ngày truyền thống vào 22/12/2000 rằng: “Việc này có ý nghĩa, có quân đội là có ngay sự lãnh đạo của Đảng, có quân đội là có hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị”. Công tác chính trị thực chất là công tác Đảng, cho nên Tổng cục Chính trị là cơ quan tham mưu chiến lược giúp cho Quân ủy Trung ương và Trung ương Đảng, Bộ Chính trị xây dựng quân đội về chính trị. Đó là một nguyên tắc của xây dựng quân đội, lấy xây dựng chính trị để phát huy tất cả các mặt xây dựng khác: Hậu cần, kỹ thuật, quân sự, tạo sức mạnh tổng hợp và khả năng chiến đấu, có thể làm tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao cho Quân đội. Vì vậy, ngày 22/12 đồng thời là ngày truyền thống của Tổng cục Chính trị và các cơ quan chính trị toàn quân.
Trong thời kỳ lịch sử nào, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng phát huy tốt truyền thống và bản chất tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ”, luôn làm đúng chức năng của một đội quân chiến đấu, một đội quân công tác, một đội quân sản xuất, luôn giữ vững mối quan hệ máu thịt với nhân dân, gắn bó với nhân dân. Khi chiến tranh đã lùi xa 40 năm, mối quan hệ giữa quân đội và nhân dân hiện nay như thế nào, thưa Trung tướng?
Trung tướng Hồng Cư: Trải qua quá trình hình thành và phát triển 70 năm từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cho đến Quân giải phóng trước thời kỳ khởi nghĩa, đến Quân đội quốc gia, Vệ quốc đoàn thời kỳ lập nước, cho đến QĐND, đến Quân giải phóng Miền Nam trong hai cuộc chiến tranh, đến Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào và Campuchia, quân đội ta đã xây dựng nên, tích lũy được một phẩm chất mà nhân dân ta gọi là "Bộ đội Cụ Hồ", nhân dân nước bạn gọi là "Bộ đội nhà Phật". Đó là những danh hiệu vinh dự, không phải do Nhà nước phong mà do nhân dân khen tặng. Đó là danh hiệu của lòng dân. Nhân dân ta đã xác định rằng đúng bộ đội là của dân, do dân, vì dân, thực sự là quân đội của nhân dân.
Nói đến "Bộ đội Cụ Hồ" là nói đến bản chất và truyền thống của Quân đội ta suốt 70 năm qua. "Bộ đội Cụ Hồ" không những là một danh hiệu vinh dự mà còn là một giá trị văn hóa, là một tài sản tinh thần, là hình ảnh đẹp nhất của quân đội đã được truyền đi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các thế hệ Việt Nam từ đời cha đến đời con đi đánh giặc cứu nước, dưới sự giáo dục của Đảng và Bác Hồ đã hình thành nên phẩm chất vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh. Có thể nói đó là thành công lớn của Đảng ta trong việc xây dựng quân đội về chính trị, lấy xây dựng chính trị làm gốc để xây dựng quân đội mạnh về mọi mặt. Quân đội là một lực lượng chính trị tin cậy, sắc bén để cùng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, như trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Nếu như ngày xưa, Bộ đội Cụ Hồ là những chiến sĩ hiền như đất nhưng khi xung trận lại “khí mạnh nuốt ngưu đẩu” như lời ví của Bác Hồ, thì nay đó là những chiến sĩ ngày đêm canh giữ bầu trời, biên giới, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống lao động hòa bình của nhân dân. Cùng với nhân dân, với tư cách là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất, quân đội tham gia xây dựng Tổ quốc. Những anh bộ đội mang trái tim Cụ Hồ luôn đến với nhân dân trong những thời điểm khó khăn, quyết liệt của thiên tai, bão lụt, tại những vùng sâu, vùng xa, cùng với nhân dân xóa đói giảm nghèo và cùng với nhân dân đẩy lùi bệnh tật.
Đối với quân đội, "Bộ đội Cụ Hồ" là một lời khen thưởng cao quý nhất của nhân dân trao tặng, đó cũng là giá trị tinh thần quý giá của thế hệ đi trước để lại cho các thế hệ sĩ quan và chiến sĩ đang đứng dưới quốc kỳ, chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc ngày hôm nay.
Nhân ngày lễ trọng của Quân đội, quân và dân cả nước lại nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cảm xúc của Trung tướng giờ đây như thế nào?
Trung tướng Hồng Cư: Nhớ đến Bác nghĩa là nhớ đến người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang, Bác ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực, cũng hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự, về tổ chức lực lượng vũ trang 3 thứ quân, đó cũng là tín hiệu để toàn dân bước vào thời kỳ đấu tranh vũ trang. Bác Hồ là người Cha, người Thầy của quân đội, từng bước trưởng thành của lực lượng vũ trang đều có sự dạy dỗ của Bác. Ngay từ khi đầu, Bác đã dạy Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là tuyên truyền trọng hơn tác chiến, chính trị trọng hơn quân sự. Đó là những chỉ thị để xác định nhiệm vụ của quân đội lúc bấy giờ. Đi vào cuộc kháng chiến toàn quốc, ngoài lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, đối với Trung đoàn Thủ đô, Bác có mấy lời rất xúc động: Các em là đội cảm tử, các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh! Những lời đó đi vào lịch sử, đi vào lòng người và các thế hệ mang trong trái tim mình những lời dạy của Bác.
Tôi còn nhớ ngày 22/12/1964, khi đó tôi là Cục phó Cục Tuyên huấn được tham dự mít tinh kỷ niệm thành lập quân đội của Bộ Quốc phòng, tham dự còn có nhiều đoàn khách quốc tế. Tất cả chờ đợi một thông điệp của Bác Hồ hoặc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước tình hình chiến sự căng thẳng lúc đó. Nhưng hôm ấy Bác nói rất ngắn gọn, chỉ có 12 câu, trong đó 9 câu dành cho quân đội, và tuyên bố quan trọng mà mọi người chờ đợi được Bác nói bằng một câu cuối cùng: “Thắng lợi nhất định sẽ về ta!”. Lời tiên đoán ấy 10 năm sau trở thành sự thật. Lời Bác dặn quân đội ta trong ngày hôm ấy là: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc vì Chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Câu này có thể nói là lời khái quát, cô đọng nhất về bản chất và truyền thống quân đội, là lời khen ngợi xứng đáng nhất với QĐND Việt Nam.
Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng vừa đi xa, để lại trong chúng tôi bao nhiêu là nhớ tiếc. Quân đội ta có rất nhiều tướng lĩnh tài ba đã xây dựng, chỉ đạo, lãnh đạo quân đội, đó đều là những người chúng tôi gọi bằng “Anh”. Nhưng trên hết, có người “Anh Cả”, có “Anh Văn”, đó là vị Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy. Đó là người trực tiếp thành lập quân đội và chỉ huy quân đội, tổng tư lệnh của 2 cuộc kháng chiến, là người xây dựng quân đội về mọi mặt: Cả về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật. Đại tướng là người trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn, không chỉ trận đánh đầu tiên ở Phai Khắt-Nà Ngần, đặt thành truyền thống "đã ra quân là đánh thắng", mà còn một loạt các chiến dịch lớn của hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là các trận quyết chiến, có tính chất quyết định. Đó là trận Điện Biên Phủ, trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, là cuộc tổng tiến công năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người kiến tạo nên học thuyết quân sự của thời đại Hồ Chí Minh, là người cụ thể hóa tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, là người xây dựng học thuyết quân sự phát huy truyền thống quân sự của ông cha – học thuyết Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân. Đại tướng từng kể cho tôi rằng Đại tướng nhớ rất rõ trong một đêm đông lạnh ở rừng Pắc Bó, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nằm trên một phiến đá lạnh lẽo lót lá cây, trong câu chuyện Bác dặn Đại tướng: “Chú Văn ạ, làm cách mạng thì phải Dĩ công vi thượng” (nghĩa là cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước vì dân, đặt lợi ích của dân, của nước, của Ðảng lên trên hết). Đại tướng nói với tôi: Bác chỉ dặn có mấy chữ thôi mà mình nhớ suốt đời. Đại tướng đúng là một con người Dĩ công vi thượng và theo lời dặn của Bác là Nhân, Lễ Nghĩa, Trí, Tín, Đại tướng cũng toàn vẹn.
Đại tướng được toàn dân yêu mến, toàn quân yêu mến. Khi Đại tướng qua đời, hàng triệu trái tim nức nở, hàng triệu giọt nước mắt thương tiếc và nhân dân gọi ông là "Đại tướng của nhân dân". Thế giới đánh giá Đại tướng là một trong những vị thống soái vĩ đại của mọi thời đại. Tôi đã đọc một cuốn sách do một nhà sử học người Anh viết rằng: “Ở đầu thế kỷ 20, ở làng An Xá nghèo nàn heo hút phía Bắc vĩ tuyến 17 đã sinh ra một con người và đó là một trong những người hiếm trên thế giới này đã làm thay đổi dòng chảy của lịch sử”.
Bác Hồ, Anh Văn mãi mãi là Người Cha thân yêu, người Anh Cả, sống mãi trong lòng quân, trong lòng dân, sống mãi trong sử sách, sống mãi với đồng bào.
Trân trọng cảm ơn Trung tướng!
Theo (Chinhphu.vn)