Singerday – Ngày ca sĩ đã bước sang mùa thứ 4. Sự kiện gây được chú ý bởi là nơi quy tụ được đông đảo nhất các nghệ sĩ, ca sĩ tham gia từ trước đến nay – hơn 200 người. Nhưng, mặt khác, người ta cũng quan tâm và đặt câu hỏi: Hội ca sĩ Việt Nam bao giờ thành lập?

 

Chương trình Nối vòng tay lớn, một hoạt động từ thiện của các ca sĩ trong nước.

Nếu như đúng với những gì nhạc sĩ Lê Quang nói: Singerday là một dịp cho anh em ca sĩ gặp gỡ sau một năm bận rộn và làm từ thiện thì đây đúng là mục đích rất đáng hoan nghênh, mang tính hướng đến cộng đồng. Duy trì sự kiện này là một điều cần thiết. Nhưng việc duy trì đều đặn sự kiện này hằng năm và để năm nào cũng thú vị, hào hứng lại là một điều không dễ. Bước sang năm thứ 4 cũng đã là một sự cố gắng lớn của Ban tổ chức.

Một vấn đề của Singerday mà đông đảo mọi người quan tâm là việc thành lập Hiệp hội ca sĩ. Rõ ràng là một hội mang tính chất nghề nghiệp thì bất cứ ngành nghề nào cũng cần, nhưng với ca sĩ thì đặc biệt hơn bởi tính chất đặc thù nghề nghiệp. Những câu hỏi như hội nếu được thành lập sẽ hoạt động như thế nào, sẽ có vai trò gì trong việc định hướng và phát triển âm nhạc trẻ Việt hay thậm chí là những vấn đề nhạy cảm như giá cát-sê ca sĩ, chống phá giá…, sẽ được đặt ra và liệu có được giải quyết rốt ráo? Nhưng để quản lý được những hội viên từ đó quy ra trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của từng hội viên sẽ rất khó bởi tính chất của nghề này là "tự do".

Đừng để đầu voi đuôi chuột

Còn nhớ, sự kiện thành lập Hiệp hội người mẫu Việt Nam và việc cấp thẻ hành nghề người mẫu đã rầm rĩ trên báo chí một thời gian dài để rồi sau đó mọi thứ… rơi tự do. Chuyện bắt đầu ầm ĩ, hào hứng và kết thúc buồn tẻ, nhạt nhẽo không phải chuyện hiếm, nhưng với những ngành nghề mang tính công chúng cao như người mẫu, ca sĩ, diễn viên thì điều đó cho thấy khâu tổ chức, quản lý là điều rất khó. Mỗi lần đọc được những thông tin liên quan đến chuyện ca sĩ bị xù show, bị mượn tên kinh doanh bán vé, bị sử dụng nhạc kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ trái phép… không biết các ca sĩ có mơ ước đến một ngày có một đơn vị sẽ thay mặt mình giải quyết những khúc mắc đó để yên tâm làm việc?

 

Nếu có Hiệp hội, nhiều vấn đề của ca sĩ khi hành nghề có thể được hội đứng ra giải quyết.

Không vọng ngoại quá nhiều nhưng cái gì hay thì chúng ta nên học. Ví dụ như sự kiện các nhà biên kịch trên toàn nước Mỹ đình công dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội kịch bản Hoa Kỳ đã được báo chí trên khắp thế giới đưa tin. Qua sự kiện này, Hollywood, mà cụ thể là các hãng phim đã phải giật mình nhìn lại "sức mạnh" của một Hiệp hội để từ đó đưa ra những cân nhắc, tính toán mới trọn vẹn đôi bên. Cái lợi của Hiệp hội chính là ở chỗ đó, tiếng nói tập thể bao giờ cũng có uy tín và trọng lượng hơn là một cá nhân.

Ca nhạc hay ca sĩ đã và sẽ luôn là những thành phần không thể thiếu trong ngành giải trí. Có thể không còn sớm nhưng cũng chưa quá muộn cho một Hiệp hội ca sĩ như vậy. Vấn đề cốt lõi là người trong cuộc có muốn và có ý thức được tầm quan trọng vai trò của hiệp hội hay không mà thôi. Đừng đánh trống bỏ dùi như những Singerday trước, hội thảo nghề nghiệp thì nhiều nhưng áp dụng những điều từ hội thảo vào đời sống âm nhạc lại không được mấy.

Theo suckhoedoisong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *