104 phim câm siêu ngắn (có độ dài trung bình 10 – 15 giây, phim dài nhất là 29 giây) của 14 nghệ sĩ đã được trình chiếu trên 22 máy chiếu, với gần 500m dây giắc cắm, tạo thành một cơn bão với hơn 16.000 hình ảnh không lời. Đó là Dự án đa phương tiện mang tên X – giây vừa được trình chiếu tại Viện Goethe (56-58 Nguyễn Thái Học, HN).

Được làm trong 7 tháng (từ tháng 5 đến tháng 12/2009) bởi nhóm nghệ sĩ HanoiLink, dự án đã được quay tại nhiều địa điểm ở VN như: Huế, TP.HCM, Hà Nội, đảo Phú Quốc, làng Thổ Hà, làng An Bằng… Ngoài yếu tố rất ngắn, tất cả 104 phim đều không có điểm gì chung, thống nhất. Rất nhiều phim, từ hình thức thể hiện đến kỹ thuật, nội dung… đều khác nhau. Có những phim đơn giản không dùng kỹ xảo, có những phim lại dày đặc kỹ xảo, có những phim rất riêng tư, có những phim rất công cộng… Những người làm phim tin rằng, những phim siêu ngắn này tượng trưng cho cuộc sống mà chúng ta đang trải nghiệm: giữa tất thảy đều quan trọng đáng chú ý và tất thảy đều vụt qua ngắn ngủi.

 

Một hình ảnh hiếm hoi đọng lại trong cơn bão 16.000 hình ảnh

Tác giả Nguyễn Thanh Hoa – thành viên sáng lập nhóm HanoiLink cho biết: – Có nhiều người lần đầu tham gia dự án này, cho nên việc cố gắng làm phim kéo dài 10 giây thật sự là rất khó. Hơn nữa, âm thanh lại bị triệt tiêu, chỉ còn lại hình ảnh. Vì vậy, khi bắt tay vào làm, nhiều người mới thấy rằng có rất nhiều ý tưởng cứ nghĩ rằng hay nhưng lại không thể làm được.

Về phía tác giả, mỗi người đều có những lý do riêng khi chọn đề tài làm trong 10 – 30 giây, người làm cảnh rộng, người làm phim từ ảnh, thậm chí có người tự dùng mình làm nhân vật trong phim… Nhưng khi trình chiếu, các phim sẽ trộn lại với nhau, mỗi phim của một tác giả chỉ là một nhân tố trong một không gian chung.

* Hình như tất cả những khoảng thời gian trong loạt phim này đều được thu ngắn. Tại sao lại có dự án này và tiêu chí chung của nhóm là gì?

– Dự án này mong muốn mỗi người tự nói lên tiếng nói cá nhân của mình. Trong cuộc sống của chúng ta, đôi khi có những hình ảnh thoáng qua, ta cứ lưu luyến mãi… Với thời lượng rất ngắn, người xem sẽ có cảm giác không đầu, không cuối khi xem những bộ phim này, nhưng sẽ có những hình ảnh mà người xem sẽ thích thú và ghi lại.

 

Nguyễn Thanh Hoa (thứ ba từ trái sang) cùng nhóm HanoiLink giới thiệu tác phẩm tại Viện Goethe

* Vậy đây là phim hay là video-art hay chỉ là một dấu cộng giữa những hình ảnh được ghi lại từ những máy quay nghiệp dư?

– Đôi lúc người ta nghĩ rất dễ dãi cho việc làm bộ phim 10 giây như thế này. Họ nghĩ một ngày có thể làm luôn được vài chục phim như vậy, cộng với khả năng diễn giải tốt là xong. Nhưng không phải như thế. Phim siêu ngắn thì cũng phải có mở đầu, có diễn tiến, có kết thúc nữa. Cũng như câu chuyện, có truyện ngắn, truyện dài… Phim cũng vậy, có phim ngắn, phim dài, phim truyền hình nhiều tập… và bây giờ phim siêu ngắn cũng chỉ là một tên gọi chung để mọi người dễ nhận ra và định hình nó thôi.

* Khi nói về một bộ phim, người ta thường nghĩ đến một chỉnh thể, có ý tứ, có câu chuyện ở trong đó? Còn ở đây…

– Tất cả các phim đều có câu chuyện ở bên trong, ví dụ tất cả các phim của tôi, còn có những câu chuyện rất dài là đằng khác, không phải chỉ đơn thuần là 15, 16 hay 28 giây hình ảnh.

Hôm khai mạc, rất nhiều người hỏi tôi: Có phải chị làm phim về một người tay chân múa loắng ngoắng và có một cái tên rất kinh là Cây đa bóp cổ không? Đúng, nhưng đây là một câu chuyện rất dài về một người đàn ông được dồn nén trong mấy chục giây phim. Người đàn ông này tên là Đông – người coi rừng Cúc Phương, 1 trong 500 thanh niên miền Bắc vào coi rừng này từ những năm 1960, sau đó sống ở đây. Một lần vô tình, tôi cùng chồng đã đến rừng Cúc Phương và gặp ông. Qua trao đổi tôi có hỏi ông rằng: Bác đã ở rừng rất lâu, rừng thì rất hay và cây cối cũng hiền hòa, cháu cũng rất thích cuộc sống trong rừng. Nhưng ông nói: Không, cây thì không hiền, mà cây có thể giết nhau được. Và tôi đã ghi hình ông kể chuyện cây đa bóp cổ – một loại thực vật có thể giết chết các cây khác trong 3 tiếng. Nhưng để kể chuyện này bằng 10 – 15 giây cho mọi người thì làm sao có thể kể được. Kết quả chỉ là hình ảnh bác ấy làm những điệu bộ rất tức cười mà không ai hiểu đó là chuyện gì hết. Vì đôi khi có những cái đặt ra là như vậy, nhưng để kể chuyện thì không làm được.

Theo thethaovanhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *