Với diễn viên, người đã băng qua nhiều số phận với những xúc cảm và suy nghĩ khác nhau, liệu họ có cách cân bằng cuộc sống đặc biệt? Có nhiều chi tiết hé lộ trong cuộc chuyện trò với Lê Khánh.
Ấn tượng đầu tiên của Lê Khánh chính là sự đúng giờ. Mà dường như với cô, lịch thời gian được sắp đặt hết sức chặt chẽ. Vừa tham gia phim Trúng số, thường xuyên đóng kịch ở sân khấu Idecaf, rồi lồng tiếng cho phim,… cô tâm sự về chuyện nghề và cuộc sống.
Đã từng vào các vai có số phận bi thảm, có bao giờ bạn rớt vào trường hợp bị trầm cảm ngoài đời thật?
May mắn là cuộc đời của tôi chưa bao giờ bi thương như nhân vật, vào tình huống mình bị trầm cảm nặng như thế. Cũng có lúc buồn, trong công việc, trong cuộc sống, nhưng như nhân vật Tiên Yên thì chưa.
Như vậy khi buồn trong công việc, đời sống bạn có sự giải tỏa như thế nào?
Phản ứng đầu tiên của tôi có lẽ là … khóc. Buồn quá thì khóc cho vơi bớt nỗi buồn. Rồi tìm vui bằng những nguồn giải trí khác, chẳng hạn như hát karaoke, nghe nhạc, hoặc đọc sách, xem ti vi hoặc cũng có thể là trò chuyện với người khác với những đề tài không liên quan đến nỗi buồn của mình, để mình có thể tự giải tỏa. Đôi khi tôi tâm sự với bạn thân của mình để tìm được lời khuyên hữu ích, lời động viên cần thiết.
Cũng có những nỗi buồn không thể quên được?…
Tất nhiên không thể một sáng một chiều mà có thể quên ngay được nỗi buồn thế nhưng tốt nhất là bản thân mình có được cảm giác thanh thản hơn, đỡ dằn vặt đau khổ hơn.
Có bao giờ sự giải tỏa của bản thân lại là gánh nặng cho người khác?
Không. Tôi không thể trút gánh nặng của bản thân cho người khác, để người ấy gánh giùm, như thế thật là ích kỷ. Tôi không thể cho phép bản thân mình như thế. Khi quyết định tâm sự chia sẻ nỗi lòng của mình với một người thân, tôi đều phải cân nhắc kỹ càng. Có đôi khi sự nhạy cảm khiến nỗi buồn lây lan nhanh chóng và tội lỗi chính là ở người khởi nguồn.
Bạn theo đạo Phật? Có nhiều người dựa vào tôn giáo để tạo ra sự cân bằng trong cuộc sống. Với bạn thì như thế nào?
Nhiều khi gặp chuyện buồn, không may, rủi ro, đầu tiên tôi nghĩ ngay là cái số của mình, cái số của mỗi người. Mỗi người có một thời điểm nhất định nào đó, không phải ai cũng gặp may mắn hoài, không phải ai cũng có cơ hội thuận lợi hoài, có những lúc ta sẽ gặp phải khó khăn.
Mặt khác, có thử thách mình mới lớn lên được. Chính vì vậy, tôi nghĩ đó là những điều mình chắc chắn phải trải qua, không thể né tránh được. Nếu buồn cũng chẳng giải quyết được gì cả, mình phải chấp nhận và vượt qua nó. Chính tin tưởng vào số phận vào duyên số khiến tôi mạnh mẽ hơn khi đối diện với nỗi buồn.
Niềm tin đó có khiến mình có cảm giác hoàn hảo?
Không. Chẳng ai hoàn hảo hết. Nhân vô thập toàn. Bản thân mỗi người cần phải biết được sẽ có lúc mình bị lầm lỗi, sẽ có lúc mình thất bại. đó là điều tất nhiên. Chỉ có thánh nhân mới là người hoàn hảo.
Nếu thế khi nhìn lại bản thân mình bạn còn điều gì không hài lòng?
Đến bây giờ, nhìn lại công việc và đời sống của mình, tôi cảm thấy khá hài lòng với bản thân mình. Tôi được làm công việc mình yêu thích, tôi đủ sống với công việc đó, tôi cảm thấy hạnh phúc.
Nếu xét về quá khứ, tôi chỉ không hài lòng một điểm là có thời gian đã làm cho mẹ buồn. Lúc đó tôi chỉ 10 tuổi, không đủ suy nghĩ đến cảm xúc riêng của mẹ. Hạnh phúc riêng của mẹ mà mình ngăn trở, là điều tôi hối tiếc đến bây giờ.
Nếu có cơ hội để làm lại…
Tôi sẽ có suy nghĩ khác và hành động khác.
Những vai kịch có tác động gì đến đời sống của bạn?
Có tác động tích cực chẳng hạn những nhân vật không chỉ ở kịch hay phim đã giúp cho tôi có ít nhiều kinh nghiệm sống. Khi hóa thân vào vai diễn, tôi đã sống cùng nhân vật, gặp phải khó khăn như thế nào, vượt qua ra sao? Cách xử sự với người đối diện. Tôi đã mượn được vốn sống của nhân vật cho chính đời sống mình. Khi gặp phải tình huống tương tự trong đời thật, tôi sẽ lường trước được những hậu quả có thể xảy ra và có những phản ứng thích hợp.
Phải chăng đây cũng là một cách tự điều chỉnh bản thân của bạn với những đổi thay xung quanh?
Tôi chỉ nghĩ đơn giản là không ai giúp được mình tốt nhất bằng chính bản thân mình. Nên khi gặp phải đau khổ, sự cố, một cú sốc nào đó, thì tự chính mình sẽ là người vượt qua. Tôi có một người bạn, khi cô ấy có chuyện buồn, đã có nhiều người khuyên bảo, động viên cô ta, nhưng bản thân cô ấy không chịu vượt qua, nên câu chuyện trở nên tệ hại hơn nữa. Là diễn viên, là người của công chúng, việc điều tiết cảm xúc của mình hết sức quan trọng.
Có bao giờ sự tự điều chỉnh đó tạo ra đối chọi với cá tính của mình? Có bao giờ bạn sống trong đời thực bằng vai mình vừa diễn tối qua?
Không. Tất cả diễn viên đều cần xác định đó là nghề nghiệp là công việc của mình. Sau công việc hóa thân vào nhân vật, tôi cần trở về với đời thật đúng với những tính cách của tôi. Nếu không được như thế thì “tẩu hỏa nhập ma” mất (cười).
Hình như việc trở về đời thật như vậy không phải lúc nào cũng dễ dàng? Cách của bạn như thế nào?
Phải công nhận có những nhân vật “ám” mình, mình rất khó để mà thoát ra. Thời gian đầu khi bắt đầu vào nghề, tôi chưa quen điều tiết cảm xúc của mình, mình cứ sống với những tâm lý của nhân vật. Rất mệt mỏi cho bản thân. Khi quen với công việc rồi, xác định đây là nghề của mình, cũng giống như người công nhân làm việc cật lực 8 tiếng đồng hồ, họ trở về với cuộc sống riêng của họ, họ làm những gì họ thích… để có được sự thư giãn, thảnh thơi, thì người diễn viên cũng vậy thôi.
Khi không đi quay phim, đóng kịch, lồng tiếng, người ta phải trở về với cuộc đời của mình, với sự thanh thản. Khi màn nhung khép lại, ánh đèn tắt đi, tôi trở về với bản thân tôi, một Lê Khánh rất bình thường như bao người khác.
Vai nào đã từng “ám” bạn nặng nề nhất?
Nhân vật người đàn bà không ngủ là nhân vật bi đầu tiên của tôi ở sân khấu Idecaf. Tâm, cô gái 16 tuổi nhưng đã trải qua nhiều đau khổ tột cùng. Nhân vật không nói nhiều, chỉ thể hiện những cảm xúc của mình. Sau khi tập, phúc khảo rồi diễn, từ từ nhân vật đi vào con người mình. Hết xuất diễn đầu tiên, tôi vẫn cứ bần thần, không thoát ra được cảm xúc của nhân vật. Rất đau đầu. Thế là cứ hết xuất diễn tôi phải đi uống nước, hoặc chạy vòng vòng quanh thành phố để quên đi nhân vật… Cứ diễn vở đó là ngày nào tôi cũng về nhà trễ (cười).
Lúc đầu phải mất hơn 40 phút tôi mới thoát ra khỏi nhân vật, dần dà, từ từ thời gian đó rút ngắn lại. Cuối cùng là chỉ 10 phút tôi bỏ ngay được áp lực của công việc. Vai sau đó là Kay của Một cuộc đời bị đánh cắp, đã trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều vì tôi đã qua được những trải nghiệm quý báu đó.
Cảm giác khi biết được mình vừa ra khỏi nhân vật như thế nào?
Thông thường khi hết vai, khi màn khép lại, tôi có cảm giác nhức đầu kinh khủng, mắt cứ muốn nhắm lại, cơ thể mệt mỏi. Rồi sau đó, cái đầu trở nên nhẹ lại, tôi đã có thể nói chuyện, cười với mọi người, đó là lúc tôi biết mình đã thoát khỏi nhân vật.
Kế hoạch cho gia đình?
Khi rảnh rỗi tôi ở nhà, vui đùa với gia đình. Nếu có thời gian nhiều hơn thì đi du lịch.
Bạn thích du lịch đến đâu?
Nếu ở trong nước thì là Đà Nẵng. Tôi đã có lần tới đây rồi và thích không khí cũng như cảnh vật nơi đây: đẹp, sạch, thoáng đãng. Còn nếu nước ngoài, tôi sẽ chọn Thái Lan có nhiều cảnh đẹp và mua sắm nhiều trang phục cũng như món đạo cụ cần thiết cho mình.
Theo Thời trang trẻ, tintuconline