Trên đời có người sinh ra để người ta thương như Lam Trường, Siu Black, Xuân Lan; có người sinh ra để làm nhà vô địch như Lý Đức, Phạm Văn Mách; có người sinh ra để làm MC như Trấn Thành, Thanh Bạch; có người sinh ra để bị ghét như Lê Hoàng. Riêng Hữu Châu, anh sinh ra để đóng kịch.
Trong làng kịch Sài Gòn hiện nay, Hữu Châu như một cây đa. Mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng hiểu cây đa gồm có bốn yếu tố: to lớn, vững chắc, nhiều dây leo và… có ma.
Độ to lớn của Hữu Châu thì khỏi phải bàn. Anh cao lừng lững, vai vuông, mắt sáng, lông mày rậm và đặc biệt là giọng nói sang sảng. Sang sảng đến mức, khi Hữu Châu cất tiếng, chim chóc ngừng bay, khán giả nín thở, cụ già say mê, em bé khiếp vía, thiếu nữ bàng hoàng. Truyền thuyết kể rằng có lần Hữu Châu độc thoại một đoạn dài trên sân khấu, thạch sùng trên trần nhà tê dại lắng nghe, đến mức nhiều con rơi bịch xuống sàn.
Nếu điện ảnh hay sân khấu Việt Nam làm phim "Kiều" mà đạo diễn không chọn Hữu Châu đóng vai Từ Hải, tôi thề sẽ không xem vì như thế tác phẩm đã thất bại ngay từ lúc chưa ra đời.
Về phần dây leo thì khỏi nói. Nhiều lúc Hữu Châu vừa xuất hiện ở hậu trường, các diễn viên trẻ đã hô vang “Ông ngoại tới” – hô rầm rập, hô đồng loạt và hô với lòng kính yêu, cảm mến, ngưỡng mộ tới điên cuồng. Nếu bạn tới sân khấu kịch Idecaf và hỏi một nghệ sĩ đang làm gì thì họ thường bảo: “Đang tập vở Thành Lộc” hoặc “Đang tập vở Hữu Châu”. Nghĩa là cái tên vở không quan trọng, vở nói gì không quan trọng, quan trọng là có "ông ngoại" hay "ông nội" là được rồi.
Hữu Châu lừng lững che chở, che phủ đám đàn em một cách vừa dễ thương vừa gần gũi. Nhưng trên tất cả, mọi cử chỉ của anh đều toát ra vẻ sang trọng khiến thiên hạ phải thành kính rất lạ lùng.
Rất khó tả vẻ sang trọng của Hữu Châu nhưng theo Lê Hoàng, đó là điểm nổi bật nhất của anh. Điều kỳ diệu ở chỗ anh không đi giày đánh bóng, không thắt cà vạt, không bước xuống từ xe hơi đắt tiền, không đeo nhẫn kim cương, càng không cắp cặp da. Vẻ sang trọng của anh toát ra từ lời nói, cử chỉ và kiểu đứng, kiểu ngồi, kiểu ăn.
Nếu Hữu Châu cầm một củ khoai lang lên và bóc, ta thấy giống một ông vua cầm thỏi vàng. Cũng là hộp cơm, có kẻ ăn như ăn vụng, còn Hữu Châu ăn như đang ngự dụng rất tài tình. Cái hay của Hữu Châu là anh luôn toát lên cái “thần” của một nghệ sĩ lớn, mang trong mình đầy đủ truyền thống và hiện đại. Anh rành rẽ các bộ môn nghệ thuật, quen biết tất cả giới nghệ sĩ cổ kim, hiểu sâu sắc tính cách Nam bộ. Anh địa phương tới tận cùng và toàn quốc tới chân răng.
Thêm một ưu điểm nữa của Hữu Châu là anh kín đáo như két sắt nhưng không phải két trống không mà là két chứa đầy vàng. Anh hầu như không trả lời phỏng vấn, không kể đang yêu ai, đang ghét ai hoặc sắp giết ai. Hữu Châu ở đâu, ở khách sạn năm sao hay căn hộ cao cấp, Hữu Châu đi xe đạp hay đi máy bay, sắp cưới ai và ly dị ai là những câu hỏi thời đại không khi nào được giải đáp.
Khả năng diễn xuất của Hữu Châu cũng kỳ lạ. Anh làm tất cả một cách từ tốn, thấm thía, ngọt ngào. Với dáng vẻ khoan thai, cử chỉ chọn lọc, tác phong đĩnh đạc, hành động mạnh mẽ, Hữu Châu có thể làm cho sàn diễn nghiêng từ từ rồi đổ sập khi người xem đang nước mắt lưng tròng.
Khi còn là một diễn viên trẻ, Hữu Châu cực kỳ dễ thương cho nên lúc trưởng thành, vẻ uy nghi của anh làm toàn bộ dân Sài Gòn kinh ngạc và khiến toàn bộ dân Hà Nội kinh hãi.
Có thể nói, chỉ anh mới khiến cho sự nho nhã, uyển chuyển có dáng vẻ đường bệ và cao quý, vô tiền khoáng hậu.
Tôi nghe nói bên Anh quốc, những người đàn ông có nhiều đóng góp cho xã hội được nữ hoàng phong hiệp sĩ và gọi là “Ngài”. Nếu nữ hoàng có dịp sang Việt Nam, chắc bà sẽ vội vã phong cho Hữu Châu chức ấy và hân hạnh được vịn vào tay anh vì vẻ oai hùng của Hữu Châu đã từ lâu trở thành huyền thoại.
Gọi anh là ngài chưa đủ, phải gọi “quý ngài” mới may ra!
Lê Hoàng
Theo PNOL