Cứ vào dịp Tết Độc lập, nhà quay phim quân đội năm xưa lại nhớ về Bác Hồ với những hình ảnh, thước phim sâu lắng không thể nào quên. Đúng 46 năm về trước, khi Bác trút hơi thở cuối cùng trong vô vàn thương tiếc của dân tộc, ông là người hiếm hoi có mặt để làm nhiệm vụ đặc biệt là ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng về Người.

Trung tá Nguyễn Thanh Xuân hồi trẻ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

 

Ông chính là Trung tá Nguyễn Thanh Xuân (84 tuổi), trú tại xóm Liên Sơn 1, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An – một trong 2 người quay phim duy nhất được ghi lại những thước phim cuối cùng về Bác Hồ. Đấy cũng là thước phim tư liệu vô giá về vị lãnh tụ của dân tộc.

Cơ duyên với điện ảnh

Giữa những ngày cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 2/9, tôi tìm về “làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha” gặp ông Xuân để nghe kể lại cơ duyên đến với điện ảnh và những giờ phút thiêng liêng khi ông được giao nhiệm vụ ghi lại những thước phim cuối cùng về vị lãnh tụ của dân tộc.

Trong câu chuyện với phóng viên VietnamPlus, nhà quay phim quân đội năm xưa kể, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nên năm 21 tuổi chàng trai trẻ đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đơn vị công binh 151 thuộc Sư đoàn pháo binh 351 là nơi ông làm nhiệm vụ mở đường cho những trận chiến quyết tử.

Vốn được tiếp xúc nhiều loại vũ khí, khói lửa, năm 1959, Nguyễn Thanh Xuân đã được Cục tuyên huấn (thuộc Tổng cục Chính trị) điều về làm nhiệm vụ tạo khói lửa để đóng một đoạn ngắn trong bộ phim mang tên “Giữ cờ quyết thắng” nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây cũng là bộ phim nhựa đen trắng đầu tiên của ngành điện ảnh Quân đội.

“Sau khi hoàn thành cảnh quay, đoàn làm phim thấy tui có năng khiếu và đam mê điện ảnh nên mời về công tác tại xưởng phim quân đội. Công việc chính của tui lúc ấy là phục vụ thuốc nổ, súng đạn và tạo khói lửa cho những cảnh quay trong phim,” ông Xuân nhớ lại.

Sau gần 6 năm công tác tại xưởng phim quân đội, niềm đam mê điện ảnh càng thôi thúc ông Xuân mày mò học hỏi và tiếp cận với những chiếc máy quay. Qua nhiều lần đi cùng tổ làm phim, “học mót” về kỹ thuật quay, dần dần “tay nghề” của chàng lính trẻ đã được nâng lên rõ rệt.

“Sau một thời gian rèn giũa tay nghề, cuối năm 1965, tui nhận được lệnh từ Tổng cục chính trị vào Thành cổ Quảng Trị làm nhiệm vụ quay phim chiến trường. Từ đây, tôi trở thành phóng viên chiến trường chủ chốt của Xưởng phim quân đội tham gia ghi lại những tiến công của quân dân ta ở khắp các mặt trận,” ông Xuân phấn khởi kể.

Cũng từ khi được giao quay phim chính với chiếc máy quay Convat của Nga số hiệu 67083, ông Xuân đã xử lý thành công bộ phim đầu tiên mang tên “Nhằm thẳng quân thù mà bắn,” với nội dung ca ngợi Tiểu đoàn anh hùng Nguyễn Viết Xuân.

Sau bộ phim trên, ông Xuân còn làm được phân công quay nhiều bộ phim nổi tiếng khác như “Cánh đồng bông Thuận Hải” (nói về bộ đội đi làm kinh tế), “Trung đoàn xe tăng H66,” “Đại thắng mùa xuân năm 1975.” Đặc biệt là bộ phim “Những giờ phút cuối cùng về Bác” được phát vào ngày 2/9/1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.

Thước phim tư liệu đi vào lịch sử

Trải qua hơn 30 năm cầm máy, thực hiện không ít bộ phim lịch sử có tiếng, nhưng điều mà ông Xuân tự hào nhất là được quay những thước phim về Bác Hồ từ lúc Người còn sống đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Những hình ảnh Bác Hồ đội mũ sắt ra thăm trận địa pháo cao xạ tại cầu Long Biên, đến thăm các chiến sĩ hải quân,… đều được ông Xuân ghi lại với những dấu ấn quan trọng của lịch sử.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, người quay bộ phim “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ông Xuân kể, ngày 25/8/1969, ông nhận được lệnh của Tổng cục Chính trị là chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Chưa bao giờ, ông rơi vào tâm trạng hồi hộp như vậy. Những lần đi quay phim trước, ông đều biết trước mục đích của chuyến đi. Còn lần này thì không, lãnh đạo của xưởng phim chỉ thông báo ngắn gọn là chuẩn bị máy móc sẵn sàng, khi nào có lệnh thì xuất phát để đi làm phim tư liệu.

“Khoảng 2 giờ sáng, đang chuẩn bị đồ cho chuyến công tác thì có tiếng gõ cửa thông báo chuẩn bị tất cả đồ đạc lên xe đi công tác ngay. Tôi hỏi đi đâu, làm nhiệm vụ gì thì chỉ được đáp lại ngắn gọn ‘Các đồng chí đi thẳng đến cổng phía sau của Phủ Chủ tịch sẽ có người đón.’ Thế rồi, chẳng ai bảo ai, chúng tôi vội vàng lên xe,” ông Xuân nhớ lại.

Sau mấy ngày sống trong tư thế sẵn sàng, đến đêm 29/8, đoàn làm phim gồm ông Xuân và đồng chí Trần Anh Trà và một lái xe đến và ngủ tại văn phòng của Tổng cục Chính trị để chuẩn bị chờ lệnh. Một lát sau, đồng chí Vũ Kỳ – thư ký riêng của Bác thông báo “Bác hiện nay đang ốm nặng, cấp trên cho các đồng chí vào đây để làm nhiệm vụ. Các đồng chí về nằm nghỉ một lúc, khi nào cần sẽ có người gọi.”

Lúc này, ông Xuân và các thành viên đoàn làm phim mới biết được nhiệm vụ của mình cho chuyến đi này là hết sức quan trọng. Rạng sáng 30/8, đồng chí Vũ Kỳ thông báo là các bác sỹ đang cố gắng chăm sóc sức kh​ỏe Bác để đến ngày 2/9, Bác ra đón tết Độc lập với đồng bào.

Thế nhưng, đến 9 giờ 47 phút ngày 2/9, lúc Bộ Chính trị đang họp thì có người chạy lên báo cáo với đồng chí Lê Duẩn rằng, Bác đã trút hơi thở cuối cùng. “Đến lúc này, tui và anh Trà mới nhận được lệnh từ đồng chí Vũ Kỳ rằng Bác đã ra đi, các đồng chí nhanh chóng vào ghi lại những hình ảnh cuối cùng về Bác,” người chiến sỹ năm xưa kể lại.

“Thấy Người, tui cố nén đau thương để ghi lại những thước phim này. Lúc đó, dù cố gắng không khóc nhưng nước mắt cứ giàn giụa, che mờ cả máy quay phim. Tôi sử dụng 2 chiếc máy quay liên tục, cứ hết phim máy này lại chuyển sang máy kia,” ông Xuân nhớ lại giây phút đau thương bên Bác.

Cũng theo lời ông Xuân, gần 11 giờ trưa 2/9, sau khi quay xong phim, Bộ Chính trị họp tiếp công tác tổ chức. Lúc này, ông Xuân được đưa đến Viện 108 để quay cảnh các bác sỹ người Nga đang bôi thuốc bảo vệ thi thể Bác Hồ. Sau khi quay xong những thước phim lịch sử đó, toàn bộ tư liệu về Người được giao cho xưởng phim để quản lý và bảo mật.

Sáng 2/9/1969, cuộc mít tinh chào mừng Quốc khánh vẫn diễn ra bình thường trước sự hân hoan của hàng vạn người dân ở Thủ đô. Chỉ có điều, không ai được nhìn thấy Bác trên khán đài nữa.

Những năm sau đó, mặc dù là người quay phim nhưng ông và đồng nghiệp Trần Văn Trà chưa một lần được xem lại những hình ảnh do chính mình quay.

Mãi đến năn năm 1990, bất ngờ đạo diễn Phạm Quốc Vinh thông báo cho ông Xuân rằng những thước phim tư liệu quay về giây phút Bác Hồ trút hơi thở cuối cùng sẽ được sử dụng trong bộ phim tư liệu có tên “Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ”. Cũng vào năm đó, ông Xuân được xem trực tiếp bộ phim này tại Xưởng phim quân đội./.

Nguồn: HÙNG VÕ (VIETNAM+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *