Dù chưa từng gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng nhà điêu khắc 35 tuổi Trần Văn Thức đã tạc tượng của Đại tướng bằng chất liệu silicon giống y như thật.

Hầu như ai bước vào căn phòng nhỏ tại Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam đều giật mình bởi họ bắt gặp một dáng vẻ thân quen, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang cần mẫn trên bàn làm việc của mình. Nhiều người òa khóc khi họ vẫn cảm thấy Đại tướng hiện diện đâu đây, nhiều năm về trước.

Đó là tác phẩm điêu khắc bằng silicon của nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Thức (sinh năm 1980). “Nhà văn dùng ngòi bút viết lên những câu chuyện về hiện thực. Còn tôi, tôi dùng đôi tay nhào nặn làm ra những tác phẩm, để kể những câu chuyện đời thường của tôi. Kể về những cảm xúc của tôi với những con người mà tôi tôn kính”, anh chia sẻ.

 

Ý tưởng tạc tượng về Đại tướng có từ lúc Đại tướng vẫn còn sống nhưng Trần Văn Thức lại loay hoay chưa biết làm cách nào để tiếp cận được với ông.

Rồi cơ duyên tới, anh gặp một người bạn thân quen khi biết anh có ý định tạc tượng Đại tướng, người bạn đã giới thiệu anh với gia đình Đại tướng và ý tưởng của anh được cả gia đình đồng thuận.

Chưa kịp gặp Đại tướng, tin ông ra đi làm anh đau nhói. Điều này càng thôi thúc Trần Văn Thức phải làm cho kỳ được tác phẩm về Người, dù có khó khăn đến mấy.

Để hoàn thành tác phẩm này, tác giả đã dựa trên rất nhiều tư liệu ảnh Đại tướng lúc sinh thời, tham gia các hoạt động tưởng niệm ông. Trong quá trình đi về quê Đại tướng, những câu chuyện kể làm tăng nguồn năng lượng trong anh. Anh gặp người thân, những người từng may mắn được làm việc với Đại tướng. Lắng nghe tất cả, anh miệt mài chỉnh sửa, chắt chiu từng chi tiết cho tới khi hoàn thành tác phẩm.

Quá trình làm tác phẩm, anh không phải làm đi làm lại nhiều lần mà làm một lèo theo cảm xúc của mình. Anh mừng vì tác phẩm cũng thể hiện được điều mình muốn – đó là lột tả làm sao được tinh thần của Đại tướng.

“Ban đầu tôi dùng đất sét để tạo hình cho nó giống thật. Khi chuyển khuôn, tôi kết hợp với các vật liệu khác như nhựa cứng để trợ lực. Còn bề mặt tượng, tôi dùng silicon để tạo sự mềm mại”, tác giả chia sẻ.

 

Để làm được tác phẩm giống y như thật này, vợ và bạn bè của Trần Văn Thức phải làm suốt đêm để cấy từng sợi tóc thật lên đầu bức tượng Đại tướng. Những đường gân xanh nổi trên tay Đại tướng, tác giả cũng phải rất tỷ mỉ, vẽ nhiều lớp rồi mới phủ silicon.

“Cũng có người nói mắt Đại tướng nhìn gần, kỹ thì hiền quá. Lúc dựng chân dung Đại tướng, tôi muốn chỉnh ánh mắt sắc lên cho khỏe mạnh, thể hiện hào khí của một vị tướng. Rất ít người ủng hộ vì ngoài đời Cụ rất hiền. Mình tin vào trực giác qua xem các ảnh tư liệu thấy tinh thần Cụ rất khỏe. Như một nhà báo nước ngoài có nói, Đại tướng luôn có lửa ngầm bên trong” , Trần Văn Thức chia sẻ.

Nhà điêu khắc Trần Văn Thức bên tác phẩm của mình

 

Hỏi về kinh phí dành cho tác phẩm này, tác giả xin không công bố. Anh chỉ nói rằng, mình làm tất cả là vì tấm lòng tôn kính với Đại tướng. Là người may mắn được tham gia lễ tang và công tác chuẩn bị cùng với gia đình ngay từ khi Đại tướng từ trần, hơn ai hết, anh thấu hiểu được hết vì sao nhân dân lại dành tình cảm đặc biệt cho Đại tướng đến như vậy.

Tác phẩm lần này như một lời cảm ơn chân thành tới những gì tốt đẹp mà Đại tướng đã làm cho dân tộc, như một lời tri ân tới tất cả tấm lòng của nhân dân trong những ngày Đại tướng về với đất mẹ. Nhưng nếu có ai ngỏ ý mua tác phẩm và đặt nó ở nơi trang trọng, anh cũng sẽ bán. Bởi anh muốn có kinh phí để làm nhiều hơn nữa những tác phẩm về Đại tướng.

Nguồn: T. Lê ( Vietnamnet )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *