Alice Munro của Canada là nhà văn nữ thứ 13 trong tổng số 110 giải thưởng Nobel văn học từ trước tới nay.

Alice Munro sinh năm 1931. Trong lời công bố giải thưởng hôm 10/10, Viện hàn lâm Thụy Điển đánh giá bà là "bậc thầy truyện ngắn đương đại".

Herta Müller của Đức đoạt Nobel năm 2009. Theo đánh giá của Viện hàn lâm Thụy Điển, Herta Müller là "người, với sự cô đọng trong thơ và sự bộc trực trong văn xuôi, đã miêu tả phong cảnh của mảnh đất bị tước quyền sở hữu". Herta Müller sinh năm 1953 trong một gia đình nông dân tại Timiş, Romania. Bà cùng chồng sang Đức và định cư ở đó từ năm 1987.

Nhà văn Anh Doris Lessing đoạt Nobel Văn học 2007. Viện hàn lâm Thụy Điển đánh giá Doris Lessing là "tác giả của những trang viết giàu tính sử thi về trải nghiệm của nữ giới, người đã khai phá kỹ lưỡng một nền văn minh chia cắt bằng sức mạnh của cái nhìn hoài nghi, nồng nhiệt nhưng có tầm bao quát xa rộng". Doris Lessing sinh ngày 22/10/1919 tại Iran trong một gia đình có bố mẹ đều là người Anh. Bà từng trải qua một tuổi thơ khốn khó và điều đó giúp bà có được nhiều trải nghiệm từ quá trình tự học.

Năm 2004, Elfriede Jelinek được trao giải thưởng Nobel Văn học "dành cho dòng chảy âm nhạc trong giọng điệu và những giọng nói đối nghịch trong các tiểu thuyết và vở kịch, mà bằng nỗi say đắm lạ lùng về ngôn ngữ, các tác phẩm đã phơi bày sự phi lý của những khuôn sáo xã hội và thứ quyền lực chế ngự chúng". Bà nổi tiếng với những trang viết gắt gao, táo bạo, đặc biệt những vấn đề tính dục nữ được thể hiện một cách đậm đặc trong tác phẩm. Elfriede Jelinek là người Áo đầu tiên nhận giải thưởng này.

Wislawa Szymborska đoạt Nobel năm 1996 nhờ những tác phẩm thơ tái hiện chân thực thế giới trong đó có cả thiện và ác, với lối viết đầy châm biếm, mỉa mai, sâu cay. Tác giả sinh năm 1923 ở Tây Ban Nha. Những tuyển tập thơ của bà đã được dịch ra 16 thứ tiếng trên thế giới.

Toni Morrison là nhà văn Mỹ đoạt Nobel năm 1993. Bà là người da đen đầu tiên nhận giải thưởng của Viện hàn lâm Thụy Điển. Tiểu thuyết gia người Mỹ này cũng đã giành giải Pulitzer và giải của Hiệp hội Phê bình sách quốc gia. Bà đọc Lev Tolstoy, Dostoevsky và Jane Austen trong những năm đầu sự nghiệp của mình. Những trang viết của Toni Morrison đầy ắp những miêu tả giàu chất thơ về cuộc sống của người da đen ở Mỹ.

Nadine Gordimer – nữ nhà văn Nam Phi – đoạt Nobel năm 1991. Những tiểu thuyết của bà bao gồm “A Guest of Honour”, “The Conservationist”, “July's People”, “The Pickup”, “None to Accompany Me” và “Get a Life”. Nghiên cứu sâu sát tình hình chính trị Nam Phi, những trang viết của Nadine Gordimer thể hiện những vấn đề phức tạp trên đất nước mình.

Nữ nhà thơ Đức Nelly Sachs giành giải thưởng năm 1966. Sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Berlin, Đức năm 1891, bà tìm cách thoát khỏi chế độ Đức quốc xã và tới Thụy Điển vào năm 1940. Thơ của bà khám phá trên quy mô lớn sự đau khổ của người Do Thái. “Những trang viết đầy kịch tính và trữ tình xuất sắc, giải thích số phận của Israel với sức mạnh lay động”, Viện hàn lâm đánh giá.

Nhà thơ Gabriela Mistral được trao giải Nobel năm 1945 cho “những vần thơ trữ tình xuất phát từ xúc cảm mạnh mẽ, đã đưa tên tuổi bà trở thành một biểu tượng cho khát vọng lý tưởng của thế giới Mỹ Latin”. Bà là nhà văn Mỹ Latin đầu tiên thắng giải Nobel Văn học, được đánh giá là hộ vệ trung thành của dân chủ, quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và người nghèo.

Pearl Buck được trao Nobel năm 1938 giành cho "những bản bùng ca chân thực và phong phú về cuộc sống nông thôn ở Trung Quốc và những kiệt tác tiểu sử của bà". Sinh ở Mỹ nhưng lớn lên ở Trung Quốc, tác phẩm của Pearl Buck giàu các yếu tố văn hóa phương Đông kết hợp phương Tây. Tiểu thuyết “The Good Earth” – một câu chuyện toàn diện về cuộc sống Trung Quốc dưới thời hoàng đế cuối cùng – từng giành giải Pulitzer và là sách bán chạy nhất ở Mỹ.

Nhà văn Nauy Sigrid Undset giành Nobel năm 1928. Bà là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử và tôn giáo. Bản thân bà cũng từng trốn chạy khỏi Đức quốc xã, di chuyển sang Mỹ trong Thế chiến hai.

Tác giả người Italy Grazia Deledda thắng giải năm 1926. Bà sinh năm 1871 ở Sardinia, Italy. Bằng những trang viết miêu tả rõ nét cuộc sống trên hòn đảo quê hương, với chiều sâu và sự cảm thông trước những vấn đề chung của con người, bà được mệnh danh là "Tiếng nói của người Sardinia".

Tác giả người Thụy Điển Selma Ottilia Lovisa Lagerlöf là nhà văn nữ đầu tiên đoạt Nobel văn học vào năm 1909. Bà sinh năm 1858, được vinh danh bởi những tiểu thuyết lịch sử và cuốn sách viết cho thiếu nhi nổi tiếng "Những cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils". Viện hàn lâm nhận định, "lý tưởng cao cả, trí tưởng tượng sinh động và nhận thức về tâm linh" là những đặc trưng tiểu thuyết của bà. Bà từng nhận sự hỗ trợ tài chính từ gia đình Hoàng gia Thụy Điển và Viện hàn lâm để bỏ nghề dạy học, tập trung toàn phần vào viết lách.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *