Vĩnh Long quán triệt nghị quyết trung ương 6 – Đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai
18/03/2013Trong 2 ngày 5 và 6 tháng 3, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Long đã tổ chức Hội nghị triển khai quán triệt nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khoá XI cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và cấp huyện – thị – thành phố của tỉnh.
Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khoá XI đã thông qua hai nghị quyết và ba kết luật quan trọng. Trong đó có nghị quyết số 19 về “ tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại ”.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ thứ 7, Ban chấp hành Trung ương khoá IX về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng, cả nước nói chung đã đạt được những kết quả quan trọng. Nguồn lực đất đai đã được phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng, an ninh lương thực quốc gia. Hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai từng bước được tăng cường. Các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được Nhà nước bảo đảm. Thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất đã được hình thành và phát triển nhanh.
Bên cạnh kết quả đạt được, Nghị quyết 19, Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khoá XI cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực quản lý đất đai, với nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra. Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được đảm bảo tương xứng. Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai còn lớn. Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai còn diễn biến phức tạp.
Công tác quản lý Nhà nước về đất đai còn hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và các thủ tục hành chính về đất đai. Thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch ngầm về đất đai còn khá phổ biến.
Nghị quyết 19, Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khoá XI khẳng định : Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu, được xác định cụ thể phù hợp với từng loại đất, từng đối tượng và hình thức giao đất, cho thuê đất. Nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất, quyết định giá đất, quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng – an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế – xã hội theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn và có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tùy theo từng loại đất và nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng đất có nghĩa vụ phải đăng ký quyền sử dụng đất, sử dụng đất đúng mục đích, tuân thủ quy hoạch, trả lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, chấp hành pháp luật về đất đai. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai. Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân, nhưng Nhà nước có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được người trực tiếp sản xuất với hiệu quả cao nhất.
Thực hiện Nghị quyết 19, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khoá XI về “ Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai” và căn cứ vào kết quả thực hiện Luật đất đai năm 2003, vừa qua Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Dự thảo Luật đất đai sửa đổi và ban hành nghị quyết số 563 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo này.
Mục đích sửa đổi Luật đất đai, là nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế – xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai. Cải cách thủ tục hành chính về đất đai, vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất, vừa bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất, thực hiện các quyền và giám sát việc thực hiện của các cơ quan nhà nước nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai. Giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, giảm các khiếu kiện về đất đai.
Dự thảo Luật đất đai sửa đổi gồm 14 chương, 206 điều quy định về quyền hạn và trách nhiệm của nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. So với Luật đất đai hiện hành thì Dự thảo luật đất đai sửa đổi lần này có nhiều điểm mới phù hợp với xu thế phát triển và tình hình đất nước.
Để góp phần đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, trong những ngày đầu tháng 3 này, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của toàn dân về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Theo nhận định của Ban chỉ đạo tỉnh, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của các tầng lớp nhân dân. Hầu hết các ý kiến của đều cho rằng : Dự thảo có nhiều điểm mới, cụ thể là đã bổ sung quy định về căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, quy định về nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất, bổ sung các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.Đặc biệt là Dự thảo đã mở rộng hạn mức giao đất nông nghiệp tạo điều kiện cho nông dân đầu tư sản xuất hàng hoá lớn.
Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, là nguồn sống của nhân dân. Quản lý và sử dụng đất đai là vấn đề rộng lớn, phức tạp, hệ trọng, liên quan đến việc giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị, xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững. Tỉnh Vĩnh Long đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân góp ý vào Dự thảo Luật đất đai sửa đổi nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân về luật đất đai, góp phần đổi mới hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai.
Ngoài việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân góp ý về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, hiện nay các cấp uỷ Đảng trong tỉnh Vĩnh Long đang triển khai quán triệt nội dung Nghị quyết 19, Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương khoá XI về “ Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” cho toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Với quyết tâm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và mỗi người dân, nhằm tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai./.
Trần Tiến