Vắc xin ngừa não mô cầu nhóm B thế hệ mới vừa được triển khai trên toàn quốc tại Hệ thống tiêm chủng VNVC, giúp trẻ em và người lớn Việt Nam có thêm “vũ khí” lợi hại trước bệnh gây tử vong cao, tàn tật lớn.
Trong buổi livestream có chủ đề: “Giới thiệu vắc xin phòng viêm màng não mô cầu B và tiêm chủng trở lại sau Tết”, bác sĩ Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC đã cho biết ngay trong ngày 23/02, các mũi vắc xin ngừa não mô cầu nhóm B thế hệ mới đã được tiêm cho hàng nghìn trẻ em và người lớn trên toàn quốc.
Các thắc mắc về đối tượng sử dụng, phác đồ, cách chăm sóc sau tiêm của loại vắc xin mới đã được bác sĩ Chính và bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM giải đáp. Bạn đọc quan tâm, xem lại buổi tư vấn tại đây
Buổi tư vấn về vắc xin não mô cầu nhóm B thế hệ mới
Mở đầu buổi livestream, bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết từ ngày 23/02, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cùng Tập đoàn dược phẩm GSK (Anh) chính thức ra mắt và triển khai tiêm vắc xin thế hệ mới phòng viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu nhóm B (Neisseria meningitidis B) gây ra.
Là đối tác chiến lược của GSK trong nhiều năm, VNVC là trung tâm tiêm chủng đầu tiên tại Việt Nam có vắc xin này. Đây là sự kiện ý nghĩa trong bối cảnh vắc xin phòng viêm màng não mô cầu B, C của Cuba đang khan hiếm trên thị trường khiến nhiều trẻ em chưa được tiêm vắc xin này theo phác đồ.
Theo bác sĩ Chính, viêm màng não mô cầu có 12 nhóm gây bệnh, trong đó 5 nhóm thường gặp nhất là A, B, C, Y, W. Chủng não mô cầu nhóm B khá đa dạng. Vắc xin não mô cầu nhóm B mới có công nghệ sản xuất hiện đại, bao gồm 4 thành phần kháng nguyên nên có khả năng phòng bệnh bao phủ rộng hơn so với vắc xin cũ chỉ có một thành phần kháng nguyên.
Vắc xin não mô cầu nhóm B có lịch tiêm đơn giản, dễ nhớ, giúp người tiêm thuận lợi khi tiêm chủng. Theo phác đồ, trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 2 tuổi cần tiêm 2 mũi cơ bản và 1 mũi nhắc lại. Trẻ từ 2 tuổi và người lớn đến 50 tuổi chỉ cần tiêm 2 mũi có hiệu quả bảo vệ lâu dài. Vắc xin được chứng minh có hiệu quả đến 94% đối với chủng B não mô cầu.
Đối với thắc mắc “người đã tiêm vắc xin não mô cầu nhóm ACYW có cần tiêm thêm vắc xin não mô cầu nhóm B không?”, bác sĩ Chính giải đáp mỗi vắc xin sẽ có hiệu quả phòng đúng nhóm vi khuẩn gây bệnh, không tạo miễn dịch chéo. Vì vậy để có kháng thể toàn diện trước các chủng não mô cầu nguy hiểm, cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ và đúng lịch.
Có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết bệnh viêm màng não được mô tả là “bệnh tử 24 giờ” vì có thể gây tử vong chỉ trong vòng 24 giờ kể từ khi phát bệnh với hai thể nguy hiểm là viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết. 20% người qua khỏi phải sống với các di chứng suốt đời như điếc, liệt, đoạn chi, thiểu năng trí tuệ…
“Khác với các bệnh mạn tính có thời gian tiến triển dài, viêm màng não mô cầu có thể khởi phát rất đột ngột với các triệu chứng như sốt, xuất hiện ban đỏ hay còn gọi là tử ban sau đó lan ra nhanh chóng, lúc này tính mạng của người bệnh chỉ còn tính bằng giờ. Bệnh làm cho người nhà và phụ huynh rất sốc vì đứa trẻ mới ngày hôm qua, hôm kia còn bình thường. Với trường hợp nặng, trẻ có thể bị cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng. Đây là thiệt thòi cho bệnh nhi và cũng là “cú sốc tinh thần” rất lớn cho gia đình bệnh nhi”, bác sĩ Khanh phân tích và cho biết chi phí điều trị một ca bệnh do não mô cầu cũng rất tốn kém, phải huy động nhiều thiết bị, nhân lực, chi phí, chưa kể gánh nặng chăm sóc về sau. Do đó, việc bỏ ra chi phí cho việc tiêm vắc xin hiện nay không đáng kể so với chi phí điều trị và phát sinh khi mắc bệnh.
BS Trương Hữu Khanh tại buổi tư vấn trực tuyến tối 23/02.
Các chuyên gia lưu ý trước đây viêm màng não xảy ra tập trung ở mùa hè nhưng với thời tiết thường xuyên thay đổi thất thường như từ lạnh sang nóng và nóng sang lạnh, bệnh có thể xuất hiện quanh năm. Nếu như trước đây, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ nhỏ thì nay số trẻ lớn và người lớn mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng.
Vi khuẩn não mô cầu tồn tại ở vùng hầu họng, lây lan cho những người xung quanh hoặc khi có hệ miễn dịch suy yếu, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính như suy thận, phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường… Tỷ lệ người lành mang vi khuẩn cao, từ 10-20% và lên đến 50% khi có dịch là nguồn lây khó kiểm soát trong cộng đồng. Hiện vắc xin viêm màng não mô cầu chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ tiêm chưa cao dẫn đến số người có miễn dịch phòng bệnh rất thấp. Vì vậy, không chỉ trẻ nhỏ mà thanh thiếu niên, người lớn, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch cần được tiêm vắc xin não mô cầu để bảo vệ bản thân và tránh trở thành nguồn lây cho cộng đồng.
Bác sĩ Bạch Thị Chính tư vấn về hiệu quả và tính an toàn của vắc xin não mô cầu nhóm B mới.
Bác sĩ Chính cho biết vắc xin mới có hướng dẫn theo dõi sau tiêm như các loại vắc xin thông thường khác. Sau khi tiêm, trẻ em và người lớn cần theo dõi tại trung tâm tiêm chủng tối thiểu 30 phút nhằm xử trí kịp thời nếu có các dấu hiệu bất thường như nôn trớ, thở nhanh hoặc ngắt quãng, khò khè, da mẩn đỏ. Nếu không có phản ứng bất thường, nhân viên y tế sẽ kiểm tra thân nhiệt, xem vết tiêm và hỏi phản ứng trước khi gia đình đưa trẻ về.
Tại nhà, gia đình tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ trong 24-48 giờ, gồm: thân nhiệt, nhịp thở; sự tỉnh táo (chơi đùa), ăn, ngủ; quan sát da toàn thân và vùng tiêm (sưng, mẩn đỏ, phát ban). Nếu có dấu hiệu bất thường, gia đình đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.