Việt Nam là nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan cao, tỷ lệ mắc ung thư gan chiếm nhiều nhất trong các loại ung thư, gây ra hơn 25.000 trường hợp tử vong mỗi năm.

Tối ngày 13/07/2023, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã phối hợp cùng Đài truyền hình Vĩnh Long thực hiện chương trình tư vấn trực tuyến: “Viêm gan virus – Điều trị sớm và Phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng”. Chương trình được thực hiện nhằm giúp người dân hiểu rõ về bệnh lý viêm gan, dấu hiệu nhận biết bệnh ở giai đoạn sớm, điều trị bệnh toàn diện theo phương pháp hiện đại, tránh những biến chứng thường gặp và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia, bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực tiêu hóa như: TTƯT.TS.BS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội; ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM; TS.BS Phạm Công Khánh,  Trưởng khoa Gan – Mật – Tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây

ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân (trái) và TS.BS Phạm Công Khánh (giữa) chia sẻ những vấn đề cần lưu ý về bệnh lý viêm gan. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Trong 120 phút diễn ra chương trình, các bác sĩ đã trả lời rất nhiều thắc mắc của người xem liên quan đến bệnh viêm gan. Trong đó, “đã mắc bệnh viêm gan thì có cần tiêm vacxin không?” là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm. ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân cho biết, khi một người mắc viêm gan và đang điều trị, nồng độ virus viêm gan trong máu sẽ giảm dần đến mức âm tính. Điều đó chứng tỏ người bệnh đã đáp ứng với phác đồ điều trị của bác sĩ, tuy nhiên, bệnh chưa khỏi hẳn mà virus chỉ đang “ngủ” trong gan. Nếu người bệnh ngừng thuốc, virus sẽ hoạt động lại, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Trong khi đó, vacxin chỉ có tác dụng giúp người chưa mắc viêm gan phòng ngừa bệnh. Vì vậy, người đã mắc bệnh viêm gan không cần tiêm vacxin, thay vào đó, người bệnh cần duy trì dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tiến hành xét nghiệm lại mỗi 3 – 6 tháng.

“Uống bia rượu đến mức nào sẽ mắc bệnh viêm gan, xơ gan?” cũng là một vấn đề nóng trong chương trình. Giải đáp thắc mắc này, theo TTƯT.TS.BS Vũ Trường Khanh, ngày nay, việc loại bỏ hoàn toàn các loại thức uống có cồn ra khỏi cuộc sống là một điều khó khăn. Vì vậy, để hạn chế tối đa những tổn thương cho gan, bạn chỉ nên tiêu thụ thức uống này ở mức an toàn. Cụ thể: đối với nam giới có sức khỏe bình thường và dưới 65 tuổi, không nên uống quá 14 đơn vị cồn/tuần, phụ nữ không uống quá 7 đơn vị. Trong đó, một đơn vị cồn chứa 14g cồn, tương đương với 350ml bia (độ cồn 5%), 147ml rượu (độ cồn 12%), 40ml rượu mạnh (độ cồn 40%) (tức khoảng 3/4 lon bia ở Việt Nam, một ly rượu vang hoặc một ly nhỏ rượu mạnh).

TTƯT.TS.BS Vũ Trường Khanh trả lời thắc mắc của người xem. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Việt Nam là 1 trong 11 quốc gia chịu gần 50% gánh nặng viêm gan mạn tính toàn cầu và đứng thứ 4 thế giới về tỷ lệ mắc mới ung thư gan. Do đó, theo TS.BS Phạm Công Khánh, việc kiểm tra sức khỏe gan cũng như tầm soát ung thư gan định kỳ đóng vai trò rất quan trọng, giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Việc tầm soát sức khỏe đặc biệt cần thiết đối với những đối tượng có người thân mắc các bệnh lý về gan.

                                                                                                                                                                           Phi Hồng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *