Phụ nữ chuẩn bị và đang mang thai tiêm vắc xin là cách phòng bệnh quan trọng, giúp bảo vệ cả mẹ và bé trong thai kỳ và sau khi sinh.

Thời gian gần đây, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp. Đến ngày 28/3, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 78 ca mắc sởi và nghi sốt phát ban do sởi; 10 ca mắc rubella; 70 ca mắc ho gà; hàng trăm ca mắc thủy đậu và một ca tử vong; một ca tử vong do cúm A/H5N1…

Các chuyên gia cảnh báo các yếu tố thời tiết như nắng nóng ở miền Nam, giao mùa nóng – lạnh ở khu vực phía Bắc đang làm tăng khả năng phát triển của các bệnh truyền nhiễm. Phụ nữ mang thai với hệ miễn dịch suy yếu tự nhiên cần chủ động phòng bệnh bằng tiêm chủng vắc xin.

Trong buổi livestream tối 29/3 chủ đề: “Tiêm vaccine cho phụ nữ chuẩn bị và đang mang thai”, các chuyên gia đầu ngành truyền nhiễm và phụ khoa đã thông tin chi tiết lợi ích của việc tiêm ngừa trước, trong mang thai và lịch tiêm phòng cụ thể.

Chương trình tư vấn tối 29/3 chủ đề “Tiêm vaccine cho phụ nữ chuẩn bị và đang mang thai”.

Chương trình có sự tham gia của BS.CKI Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS Nguyễn Văn Quảng, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS Nguyễn Thị Lương, bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội. Bạn đọc quan tâm xem lại chương trình tại đây

Mở đầu chương trình, BS Nguyễn Thị Lương cho biết phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng nguy cơ cao, dễ mắc và gặp biến chứng khi mắc các bệnh truyền nhiễm. Nguyên do là khi mang thai, hệ miễn dịch của người phụ nữ sẽ suy yếu một cách tự nhiên và có nhiều thay đổi về nội tiết, quá trình trao đổi chất… để đảm bảo nguồn cung dinh dưỡng cho thai nhi và bảo vệ bào thai trong tử cung.

Điển hình như người khỏe mạnh mắc cúm có thể khỏi sau 4-7 ngày nhưng ở thai phụ, bệnh thường lâu khỏi hơn. Thai phụ mắc cúm còn làm tăng nguy cơ dọa sảy thai, sảy thai, sinh non. Đặc biệt, mắc cúm vào 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi có thể bị dị tật như hở hàm ếch, tim bẩm sinh.

Quai bị có thể gây viêm nhiễm buồng trứng, phá hủy tế bào trứng gây dị tật bẩm sinh, sinh non và thai chết lưu. Thai phụ mắc bệnh thủy đậu tăng nguy cơ viêm phổi và tử vong, con có thể bị thủy đậu bẩm sinh với các dị tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển tâm thần,… hoặc bị thủy đậu sơ sinh gây tổn thương đa cơ quan, tử vong cao.

BS Nguyễn Thị Lương tại chương trình tư vấn tối 29/3.

Mẹ mắc viêm gan B trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể tăng nguy cơ sinh non. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm viêm gan B từ mẹ, khoảng 90% trẻ tiến triển thành bệnh mãn tính và 25% có nguy cơ bị xơ gan và ung thư gan.

Để bảo vệ cả mẹ và bé trong thai kỳ, BS Nguyễn Văn Quảng khuyến cáo tiêm ngừa là cách phòng bệnh chủ động, tạo kháng thể truyền từ mẹ sang thai nhi và qua sữa mẹ, bảo vệ thai kỳ khỏe mạnh và trẻ sinh ra trong các tháng đầu đời khi chưa đến tuổi tiêm chủng.

BS Nguyễn Văn Quảng tại chương trình tư vấn tối 29/3.

BS Quảng thông tin hiện có 2 nhóm vắc xin được khuyến cáo tiêm trước và trong thai kỳ. Cụ thể, vắc xin cúm và vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván được tiêm trong thai kỳ. Các vắc xin sống giảm độc lực như sởi – quai bị – rubella, thủy đậu cần tiêm cách thời điểm mang thai ít nhất 3 tháng. Ngoài ra, cũng có nhiều loại vắc xin quan trọng khác như phế cầu, viêm gan B, HPV, viêm gan B có thể ảnh hưởng sức khỏe và thai kỳ, cần hoàn thành trước khi mang thai tốt nhất một tháng.

Về lịch tiêm, vắc xin cúm có thể tiêm trước khi mang thai hoặc tiêm vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Với vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván, nếu là thai kỳ đầu tiên, thai phụ cần tiêm 2 mũi vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván vào tuần thứ 27 đến 36, trước khi sinh ít nhất một tháng, sau đó tiêm nhắc 1 mũi vào các thai kỳ tiếp theo.

BS.CKI Nguyễn Lê Nga lưu ý thêm không chỉ phụ nữ có kế hoạch và mang thai mới cần tiêm vắc xin, tất cả thành viên trong gia đình như chồng, ông bà cũng cần tiêm vắc xin đầy đủ để tránh mắc bệnh, trở thành người lành mang trùng lây lan cho mẹ và bé trong giai đoạn non nớt đầu đời.

BS.CKI Nguyễn Lê Nga tại chương trình tư vấn tối 29/3

Nếu phát hiện mang thai ngay sau khi tiêm vắc xin, BS Nga khuyên thai phụ cần hết sức bình tĩnh. “Phát hiện mang thai ngay sau khi tiêm ngừa không thuộc các trường hợp cần đình chỉ thai. Trong trường hợp này, thai phụ tiếp tục theo dõi thai kỳ, thăm khám ở bác sĩ chuyên khoa để được chăm sóc và tư vấn tốt nhất”, BS Nga nói.

Hiện Hệ thống tiêm chủng VNVC đã có gần 170 trung tâm tại hơn 50 tỉnh thành trên cả nước, sẵn sàng hơn 40 loại vắc xin phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm ở trẻ em và người lớn. Trong đó có các gói vắc xin cho phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai với nhiều ưu đãi được cập nhật mỗi tháng. VNVC đang áp dụng nhiều chương trình tiêm gói vắc xin trước, trả chi phí sau hỗ trợ người lớn và trẻ em được tiêm vắc xin đầy đủ. Đồng thời, hệ thống có tổng đài, mobile app VNVC hỗ trợ nhắc lịch, cập nhật lịch sử tiêm chủng và các mũi tiêm kế tiếp, tránh tình trạng người dân quên lịch tiêm.

Tất cả vắc xin tại VNVC đều được bảo quản trong hệ thống kho lạnh, dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP và GDP, đảm bảo an toàn, chất lượng cao khi tiêm ngừa.

Tấn Ngọc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *