Hiện ở vùng ĐBSCL và tỉnh Vĩnh long đang vào mùa thu hoạch rộ vụ lúa hè thu năm 2013. Mặc dù năm nay lúa trúng mùa, năng suất đạt khá hơn mọi năm, nhưng do thu hoạch rơi vào thời điểm thời tiết mưa nhiều, lúa bị đổ ngã… nên nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hoạch, phơi sấy và bảo quản.
Thêm vào đó giá lúa trên thị trường giảm mạnh, nên lợi nhuận mang lại cho người trồng lúa rất thấp, thậm chí có hộ chỉ huề vốn. Tuy nhiên ở một số địa phương thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, có sự liên kết hỗ trợ sản xuất và thực hiện hợp đồng thu mua lúa thương phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân, nên việc tiêu thụ lúa hàng hóa vẫn diễn ra khá thuận lợi, với giá cả hợp lý, giúp bà con an tâm và phấn khởi.
Vụ lúa hè thu năm 2013 toàn tỉnh Vĩnh Long gieo sạ hơn 60000 ha. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, vụ lúa hè thu năm nay sản xuất trong điều kiện cũng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch hại xảy ra liên tiếp ở đầu vụ…. nhưng với sự nỗ lực lớn của bà con nông dân, cùng với việc áp dụng qui trình kỹ thuật canh tác tiến bộ, nên cây lúa phát triển tốt. Đến nay vụ hè thu đang vào thời điểm thu hoạch rộ, với năng suất đạt khá, bình quân khoảng 5,5 đến 6 tấn/ha. Cá biệt có nơi đạt trên 6 tấn/ ha. Nông dân rất phấn khởi vì được mùa.
Dù lúa trúng mùa, nhưng nông dân vẫn gặp phải không ít khó khăn, bởi mức đầu tư cho sản xuất khá cao. Theo nhiều bà con thì trong vụ lúa hè thu này chi phí tăng hơn so với vụ đông xuân khoảng 500 ngàn đồng/ công. Do giá cả nhiều loại vật tư nông nghiệp, công lao động, dịch vụ thu hoạch lúa đều tăng, đẩy giá thành sản xuất 1 kg lúa lên đến gần 4000 đồng/ kg. Tính chung sản xuất 1 công lúa hè thu, bà con nông dân phải tiêu tốn từ 1,8 đến 2 triệu đồng.
Ngoài ra, một khó khăn khác là vào thời điểm thu hoạch lúa hè thu lại gặp thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều làm cho hạt lúa bị lem lép và đổ ngã, không chỉ gây thất thoát, hao hụt, mà còn làm cho chất lượng hạt lúa bị giảm và tăng thêm chi phí thu hoạch …
Trong khi đó giá lúa trên thị trường rất thấp. Mặc dù mấy ngày qua có nhích lên đôi chút, khoảng 200 đến 300 đồng/ kg so với 2 tuần trước đó, nhưng so với vụ hè thu năm ngoái thì vẫn thấp hơn khoảng 300 đồng đến 400 đồng/ kg. Hiện thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng chỉ với giá từ 4100 đồng đến 4200 đồng/ kg. Với giá lúa này, bà con nông dân chỉ còn lời khoảng 200 đồng/ kg. Đã vậy mà trong nhiều trường hợp thương lái còn từ chối, không mua, khiến cho việc tiêu thụ lúa hàng hóa của bà con gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy vậy, nhưng tại những nơi sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn như ở Tam Bình, Vũng Liêm, việc tiêu thụ sản phẩm của bà con vẫn diễn ra một cách khá thuận buồm xuôi gió, nhờ có sự liên kết với doanh nghiệp, mà cụ thể là Cty CP BVTV An Giang, trong việc hỗ trợ nông dân trồng lúa, và thực hiện hợp đồng thu mua sản phẩm khi thu hoạch.
Ngay từ đầu vụ Công ty đã ký kết hợp đồng với chính quyền địa phương và nông dân, hỗ trợ qui trình trồng lúa tiến bộ, sử dụng giống lúa có chất lượng cao – cấp xác nhận, phù hợp với nhu cầu của thị trường, do công ty đưa xuống. Đến khi thu hoạch Công ty sẽ tổ chức thu mua hết sản lượng lúa đã có hợp đồng, với mức giá được thỏa thuận hợp lý, đảm bảo cao hơn giá lúa do thương lái thu mua, giúp cholợi nhuận của bà con nông dân trồng lúa trong mô hình cánh đồng mẫu lớn được nâng lên cao hơn so với những hộ sản xuất riêng lẻ.
Tại cánh đồng mẫu lớn ở huyện Tam Bình, trong suốt thời gian nông dân thu hoạch lúa, Công ty CP bảo vệ thực vật An giang đã tổ chức một tổ thu mua đến tận ruộng để mua lúa của bà con. Sau khi lúa tươi đã qua khâu kiểm tra độ ẩm, sẽ tiến hành cân và chuyển về phơi sấy ngay. Hầu như tất cả số lượng lúa có ký hợp đồng đều được thu mua hết, với giá bình quân cao hơn giá thị trường khoảng từ 200 đến 300 đồng/ kg.
Nhờ vậy những người trồng lúa có ký kết hợp đồng với doanh nghiệp rất phấn khởi. Bởi, đầu ra của hạt lúa được đảm bảo, không còn cảnh tồn đọng như trước đây. Nhiều nông dân ở xã Mỹ Lộc- Tam Bình cho biết, việc sản xuất lúa trong cánh đồng mẫu lớn không chỉ giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu tư; mà còn được bao tiêu sản phẩm, nên thấy an tâm hơn và phấn khởi hơn.
Trong bối cảnh thị trường lúa gạo có nhiều bất lợi cho nông dân, việc doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua lúa hàng hóa của nông dân với giá hợp lý,đã mở ra một hướng đi bền vững cho hoạt động sản xuất lúa. Vì nó vừa tạo ra được vùng nguyên liệu lúa gạo tập trung, có chất lượng cao để cung cấp cho thị trường, vừa giúp bà con nông dân tiêu thụ lúa được thuận lợi, và có lời nhiều hơn.
Việc liên kết sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trong mô hình cánh đồng mẫu lớn đã khuyến khích nông dân từ làm ăn riêng lẻ đi đến hợp tác lại với nhau để sản xuất trên qui mô lớn, cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, từng bước khắc phục tình trạng được mùa rớt giá xảy ra thường xuyên. Đây chính là cơ sở để đưa nông dân sản xuất lúa gạo đến gần hơn với nhu cầu thực tế của thị trường, hạn chế qua khâu trung gian, gây thất thoát cho người sản xuất.
Mặc dù việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa ở Vĩnh Long mới triển khai thực hiện trong vụ hè thu này, nhưng kết quả bước đầu cho thấy đây là cách làm có nhiều ưu điểm, được bà con nông dân và các địa phương ủng hộ, cần nhân rộng hơn nữa trong những vụ lúa tiếp theo.
Quốc Chiến