(THVL) Vĩnh Long thực hiện Nghị quyết 11 với chính sách tài khóa thắt chặt
01/04/2011Vừa qua, chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành từ nay đến cuối năm. Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết này là việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách.
Thông điệp nổi bật và đáng chú ý nhất của Nghị quyết 11 của chính phủ là việc ổn định kinh tế vĩ mô, xem đây là ưu tiên chủ đạo của toàn bộ hoạt động điều hành chính sách của chính phủ trong năm 2011.
Nghị quyết 11 được xem là liều thuốc mạnh trước các sức ép mới trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi nhanh chóng và nhạy cảm. Trong khi giá nhiều mặt hàng chủ lực đều tăng trước sức ép từ thị trường cả trong và ngoài nước, thì việc điều chỉnh giá sẽ làm giảm thiểu hiện tượng méo mó thị trường và những hệ lụy bất ổn định từ chênh lệch giá quá mức.
Thành phố Vĩnh Long |
Trên thị trường tiền tệ, có thời điểm, chênh lệch lên đến trên dưới 10% giữa tỷ giá USD quy định chính thức với giá thực tế trên thị trường tự do. Đây là rủi ro có thể xảy ra cho cả nền kinh tế, các doanh nghiệp hay từng cá nhân, hộ gia đình.
Thực tế cho thấy, ổn định chính trị – kinh tế – xã hội là một yêu cầu bức thiết trong giai đọan hiện nay. Đó là lý do để Nghị quyết 11 của chính phủ ra đời.
Việc chính phủ hạ chỉ tiêu thâm hụt ngân sách nhà nước và tiết giảm tối đa đầu tư công, nhất là đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước và các chi tiêu ngân sách nhà nước không thiết yếu khác, cho thấy sự quyết tâm trong nhận thức và hành động của chính phủ nhằm chuyển dần động lực phát triển kinh tế từ chủ yếu dựa vào đầu tư công sang tăng dần vai trò của đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc kinh tế trong bối cảnh tăng cường hội nhập, nâng cao chất lượng phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Do vậy, việc đầu tư từ nguồn vốn tín dụng nhà nước từ ngân hàng phát triển phải được cắt giảm tối thiểu 10%.
Thực hiện Nghị quyết 11, UBND tỉnh có văn bản giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố thực hiện việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trên địa bàn tỉnh.
Song song với việc tiết kiệm chi tiêu là yêu cầu tăng thu ngân sách nhà nước. Yêu cầu chung của cả nước là phải tăng thu từ 7 – 8%. Đây thật sự là thách thức đối với ngành Thuế vì xu hướng chung của giới kinh doanh hiện nay là không mở rộng sản xuất do lãi suất ngân hàng tăng cao và dư nợ tín dụng được yêu cầu tăng trưởng dưới 20% trong năm nay.
Trong số các giải pháp thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt có giải pháp cắt giảm đầu tư công nhằm giảm bội chi ngân sách nhà nước. Trong năm 2011, tỉnh Vĩnh Long giao chỉ tiêu kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.439 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2010. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước gần 1.140 tỷ đồng, nguồn vốn vay Kho bạc Nhà nước là 300 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số công trình lớn như: đường vào Nhà máy Bia Sài Gòn, đường 2/9 nối dài, giai đoạn 2 đường Bạch Đàn, đường vào khu hành chính huyện Bình Minh, trường Trung cấp Nghề Vĩnh Long, nâng cấp trường Chính trị Phạm Hùng…
Tỉnh đã kiểm tra, rà soát lại các công trình, xây dựng danh mục giãn tiến độ cho phù hợp với khối lượng hoàn thành trong năm 2011; dừng khởi công trong năm nay đối với các công trình chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; cắt, giãn thực hiện các công trình để điều chuyển cho các công trình trọng điểm phục vụ phát triển sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội.
Có thể thấy, ngay trong quý I, giá cả trên thị trường thế giới và trong nước có xu hướng tăng, thị trường tài chính, tiền tệ biến động phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, việc kinh tế của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng là một tín hiệu khả quan.
Với những kết quả đạt được trong 3 tháng đầu năm và chương trình hành động cụ thể được triển khai đã cho thấy, những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11 của chính phủ đã bước đầu đạt kết quả tích cực.
Một số kết quả phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long quí I/2011 • Giá trị sản xuất công nghiệp: 1.249 tỷ đồng, tăng trên 19% so quí 1/ 2010. • Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: 5.075 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. • Tổng kim ngạch xuất khẩu: gần 70 triệu USD, tăng gấp 1,65 lần cùng kỳ năm trước. • Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 32% dự toán năm. • Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn: 13.100 tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. • Số dư nguồn vốn huy động trên địa bàn: 9.850 tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm và tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. |
Quốc Dũng