Vùng Cái Mơn – tên gọi theo đia danh hành chánh là huyện Chợ Lách thuộc tỉnh Bến Tre – từ xa xưa đã nổi tiếng với các loại trái cây ngon và là vùng ươm cây giống, nhan giống cây trồng qui mô lớn. Giờ đây, Cái Mơn còn được mệnh danh là xứ sở hoa kiểng của vùng Nam Bộ. Một sản phẩm độc đáo của Cái Mơn là hoa kiểng hình thú, trong đó nổi lên bộ hình thú 12 con giáp, Tết năm nào có con đó. Xem kiểng thú, mỗi người đều có thể hình dung ra con vật. Nghệ nhân Cái Mơn thường sử dụng bùm sụm, mai trắng, rồi đến cây si để uốn kiểng thú, tạo nét riêng mới lạ hàng năm.

Vườn kiểng thú của chú Nguyễn Văn Công, với tên thường gọi là chú Năm Công, nằm ven Quốc lộ 57, thuộc ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Những năm gần đây, tên tuổi nghệ nhân Năm Công gắn liền với bộ kiểng thú 12 con giáp. Cứ đến năm cầm tinh con nào thì chú tập trung làm con đó nhiều nhất. Trong 12 con giáp, theo lời chú Năm, những con vật ít thấy xuất hiện, chẳng hạn như con rồng, thì lại dễ làm. Ngược lại, những con vật càng gần gũi với mọi người chừng nào thì càng khó làm chừng nấy. Với kiểu lý lẽ này, chúng tôi nghĩ là có lẽ kiểng mèo thuộc dạng khó làm, bởi mèo là loài vật được nuôi trong nhà, được chủ cưng, được chăm sóc chu đáo, nên nếu làm không giống thì người ta nhận biết ngay.

Kiểng thú hình con mèo, một mặt hàng được coi là chủ lực của nhà vườn chơi kiểng nhân dịp đầu năm Tân Mão. Kiểng mèo ra đời xuất phát từ ý tưởng kiểng thú phải có đủ 12 con giáp, theo đời sống tâm linh của người Việt: năm Tý có Chuột, năm Sửu có Trâu, năm Dậu có Gà. Là một trong những nghệ nhân đầu tiên sử dụng cây si để làm kiểng thú, chú Năm Công đã khá thành công với chuyện uốn kiểng thú từ cây si. Cây si dễ trồng, dễ chăm sóc, dễ uốn dẻo. Sản phẩm kiểng thú và sau này là kiểng hình làm bằng cây Si rất có hồn, luôn giữ màu xanh tươi tốt, tuổi thọ lại khá dài.

Khi nhìn hình kiểng thú, cảm nhận đầu tiên là sự công phu tỉ mỉ, khéo léo của một nghệ nhân. Đến với vườn kiểng này, khách xem sẽ có hứng thú đặc biệt, khi nhìn những con vật được chú Năm Công uốn, rất giống như những con vật thật ngoài đời. Bộ kiểng thú 12 con giap của chú nhìn rất sống động, chính nghệ nhân đã trải lòng mình để thổi hồn vào các con vật. Cái khó nhất là ý tưởng, cứ mỗi năm lại phải có ý tưởng riêng dành cho từng con giáp… Năm nay là năm Tân Mão – xung quanh chú Năm có rất nhiều chú kiểng mèo. Dáng mèo, thế kiểng… gắn với cách nhìn sâu sắc của một nghệ nhân, phát hiện và khắc hoa được nhiều chi tiết sống động, có hồn. Nhiều khách phương xa rất ấn tượng trước phong cách riêng trên loại hình kiểng thú này. Mặc dù cây cảnh vẫn là cây si, nhưng nghệ nhân đã dày công sáng tạo, tạo nên giá trị mới trên từng đường nét nghệ thuật của tác phẩm.

Cây si. Ảnh minh họa: Internet

 

Kiểng thú nói chung, kiểng mèo nói riêng có cùng một cách uốn. Với những que sắt rời rạc, qua bàn tay tài hoa khéo léo của những người thợ ở đây đã trở thành một bộ khung thú theo hình mẫu. Có khung sườn hình thú, những người thợ tiếp tục lồng những nhánh cây xanh vào khung để thành hình con thú. Uốn kiểng mèo thì chiếc khung sườn phải uốn theo dạng hình con mèo. Kiểng hình con thú, thước tấc cân đối, con thú mới đẹp, bộ dáng đúng y như thiệt, ra con thú mới có hồn. Nếu mình con mèo vắn, bẻ quá dài thì không đạt. Con thú nào cũng có cái khó riêng của nó. Các chú thợ có tay nghề phải tính tóan sao cho khung sườn cân đối, làm con nào phải ra con nấy…

Có lẽ phải qua nhiều giai đoạn trải nghiệm, mất nhiều thời gian, chú Năm Công mới nghiền ngẫm ra được chuyện dùng cây si để làm chất liệu uốn hình kiểng thú. Có người làm kiểng thú bằng cây bùm sụm, nhưng chỉ làm được những con thú nhỏ và cây dễ bị chết. Lại có người dùng cây mai trắng lá nhuyễn, nhưng dùng cũng không được bền. Chú Năm Công cũng có làm kiểng thú từ cây bùm sụm, cây mai trắng, nhưng không mấy thành công. Từ khi chuyển sang làm kiểng thú bằng cây si, chú Năm thấy rất hiệu quả. Cây si sinh trưởng nhanh, sống tốt trong điều kiện thời tiết và môi trường khác nhau, nên dễ chăm sóc, nuôi dưỡng. Theo lời chú Năm Công, cây si trồng chừng khoảng 3 năm là có thể dùng làm vật liệu để uốn kiểng thú, kiểng hình. Cây si có lợi thế là phát triển nhanh, dễ chăm sóc hơn các loại khác, không tưới nước vài ngày, cây vẫn tươi. Cây chịu nắng giỏi mà chịu lạnh cũng hay, ở vùng gần biển hay vùng đất nhiễm phèn, cây vẫn sống tốt.

Hiện sản phẩm kiểng thú, kiểng hình làm bằng cây si tại vườn nhà chú Năm Công có giá thành từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng một sản phẩm nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận. Trong những ngày giáp Tết này, chú Năm luôn tất bật từ sáng sớm đến chiều tối để kịp giao hàng cho khách. Kiểng thú vườn nhà chú khá đa dạng. Từ ngoài lộ nhìn vào đã thấy bầy voi đang quơ vòi hùng dũng như đang xung trận. Rồi đàn nai ngơ ngác gặm cỏ. Vào sân nhà đã thấy cặp rồng dài 25 mét đập vao mắt gây ấn tượng thật lạ. Trước đây, chú Năm Công từng làm nhiều cặp rồng dài đến 40, 50 mét, đã gởi đi dự triển lãm ở Đà Lạt, rồi ra tới Hà Nội vào dịp kỷ niệm Đại lễ một nghìn năm….

Hiện nay, kiểng thú, kiểng hình làm bằng cây si đang ngày càng được các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn và cả các quán cà phê rất ưa chuộng. Gia đình chú Năm Công đang trồng một hecta cây si để làm vật liệu sản xuất kiểng thú, kiểng hình nhưng vẫn không đủ, phải mua thêm ở nhiều vườn lân cận. Kiểng thú, kiểng hình của chú Năm Công không chỉ được tiêu thụ ở TPHCM và các tỉnh ĐBSCL, mà còn ra các tỉnh xa như : Bà Rịa Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng… Gần đây, chú Năm Công còn mạnh dạn đưa kiểng thú của mình xuất ngoại sang Trung Quốc, Singapore… và bước đầu đã nhận được những đơn đặt hàng có giá trị kinh tế khá cao.

Trở lại vườn kiểng chú Năm Công lần này, chú Năm đã vừa xây mới tiền sảnh trước nhà để tiếp đón khách. Trong thời qua, một số vị lãnh đạo đã đến thăm vườn kiểng chú Năm Công, nhân những dịp về Bến Tre công tác và đã không tiếc lời khen ngợi tài hoa của nghệ nhân Năm Công. Riêng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng giờ đây kiểng Việt Nam không thua kiểng nước ngòai. Rõ ràng, mô hình kiểng thú của chú Năm Công mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Sự thành công với bộ kiểng thú 12 con giáp đã giúp gia đình chú Nguyễn Văn Công vươn lên khá giả và khẳng định được tên tuổi trong làng kiểng khu vực đồng bằng. Loại hình kiểng thú mà chú Năm Công góp phần kiến tạo đang làm đa dạng sắc màu làng hoa Cái Mơn nổi tiếng.

Làm kiểng bon sai có giá trị cao nhưng mất nhiều thời gian, có khi một gốc kiểng phải nuôi dưỡng và chăm chút cả mấy chục năm. Còn làm kiểng thú, kiểng hình ít tốn thời gian nếu có sẵn nguồn vật liệu. Cái khó của làm kiểng thú, kiểng hình là cho đến giờ hầu như chưa có sách vở, chưa có thầy dạy, chỉ là làm rồi rút kinh nghiệm, nghề lại dạy nghề. Muốn làm được kiểng thú, kiểng hình đòi hỏi phải tốn nhiều công phu, phải có sở thích và phải có tâm hồn, vì sản phẩm không chỉ là hình dáng mà còn phải có hồn của linh vật hàng năm. Điều này nói thì dễ nhưng làm thì rất khó.

An Khánh
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *