Từ tháng 10 vừa qua người lao động làm việc tại các doanh nghiệp được tăng lương tối thiểu chung. Đây là tín hiệu vui cho những công nhân trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao trong thời gian qua. Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu lần này đã được các doanh nghiệp thực hiện khá tốt . Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tăng lương ngay từ đầu năm, cho dù việc này sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp, nhất là các khoản bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp chi trả cho người lao động.
Từ tháng 10 – 2011 đến hết năm 2012, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh theo nghị định 70 của TTCP. Theo đó, sẽ có 4 vùng tương ứng với 4 mức lương, cao hơn trước từ 300 ngàn đến 650 ngàn đồng. Cụ thể, tỉnh Vĩnh Long có 2 mức lương tối thiểu vùng. Trong đó, vùng 3 gồm TPVL và các huyện Long Hồ, Bình Minh có mức lương tối thiểu vùng là 1 triệu 550 ngàn đồng/ tháng. Các huyện khác có mức lương tối thiểu vùng 4 là 1 triệu 400 ngàn đồng/ tháng. Điều này tạo được tâm lý phấn khởi cho người lao động.
Còn theo kết quả khảo sát gần đây của ngành chức năng tỉnh tại 15 doanh nghiệp thuộc KCN Hòa Phú, cho thấy hầu hết đều thực hiện đúng theo qui định.
Thực tế từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tăng thu nhập cho công nhân nhằm giữ chân người lao động. Báo cáo của Sở lao động thương binh và xã hội cho thấy từ đầu năm 2011 đến nay đã có trên 100 doanh nghiệp đăng ký thang bảng lương mới. Thu nhập bình quân của người lao động trước khi có nghị định 70 đã là 2 triệu đồng/ người/ tháng. Còn mức lương tối thiểu mà nhiều doanh nghiệp áp dụng cũng đã cao hơn mức qui định lần này. Như tại công ty này, mức lương tối thiểu của người lao động mà doanh nghiệp đăng ký chi trả là 1 triệu 750 ngàn đồng. Nhờ vậy, công ty duy trì ổn định 500 lao động với mức thu nhập bình quân hàng tháng mỗi công nhân là 3 triệu đồng.
Theo qui định hiện hành, tỷ lệ mà doanh nghiệp nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp là 20%. Trong đó gồm 16% cho BHXH, 3% cho BHYT và 1% cho BHTN. Còn người lao động phải nộp là 8,5%, gồm 6% BHXH, 1,5% BHYT VÀ 1% BHTN. Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng lần này áp dụng chung cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Để thu hút lao động, nhiều doanh nghiệp trả lương cho công nhân theo năng suất lao động còn ký hợp đồng cam kết sẽ chi trả lương cao hơn thang bảng lương đăng ký với ngành chức năng.
Như vậy, đối với doanh nghiệp trong nước với nguồn tài chính không dồi dào thì sẽ có nhiều khó khăn khi phải tăng thêm chi phí. Tuy nhiên, điều này thể hiện sự quan tâm và giữ chân người lao động khi mà nguồn nhân lực luôn trong tình trạng thiếu như hiện nay.
Quốc Dũng