Sau Tết, cùng với nhiều lọai sản phẩm khác, sữa bột dành cho trẻ em lại một lần nữa tăng giá. Dù đợt lên giá lần này được lý giải là do nguyên nhân khách quan xuất phát từ việc giá cả nguyên liệu đầu vào và diều chỉnh tỷ giá tăng cao, dù vậy, mặt hàng này vẫn rất cần được sự quản lý giá chặt chẽ hơn từ phía ngành chức năng.

Trong tháng hai, nhiều mặt hàng sữa ngọai lẫn sữa nội tăng giá từ 5 % đến 10%. Cụ thể, sữa Hà Lan Gold lọai 1,5 kg tăng từ 280.000 đồng lên 320.000 đồng. Friso lọai 1,5 kg tăng từ 325.000 đồng lên 350.000 đồng. Sữa do các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng tăng giá. Sữa bột Nuti tăng từ trước Tết khoảng 20.000 đồng/hộp, Vinamilk cũng tăng giá và dự báo nhãn hàng này sẽ tiếp tục tăng khoảng 12% trong tháng 3 này. Tuy nhiên, tăng giá cao nhất khiến người tiêu dùng bất ngờ vẫn là dòng sản phẩm của Abott. Trung bình mỗi sản phẩm tăng khoảng 50.000 đồng. Hộp Gainplus bước 3 loại 900 gam trước đây có giá 354.000 đồng thì nay đang ở mức 398.000 đồng. Với mức tăng này thì đây là nhãn hàng sữa có mức tăng giá cao nhất hiện nay…

Ảnh chỉ có tính chất minh họa

 

Có nhiều nguyên nhân đưa ra để nhà sản xuất lý giải cho đợt tăng giá lần này như giá nguyên liệu đầu vào hay do điều chỉnh tỷ giá… Tuy nhiên, sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi dù là mặt hàng thuộc diện quản lý giá nhưng lại có sự tăng giá tùy tiện nhất. Tại Vĩnh Long, chỉ mới có nhãn hàng của Duch Lady thực hiện đăng ký kê khai giá trong đợt tăng giá lần này. Quy định về việc đăng ký kê khai giá đối với các doanh nghiệp kinh doanh và đại lý vẫn còn nhiều khe hở, nhất là chỉ khi giá sữa tăng 20% thì cơ quan quản quản lý mới có quyền can thiệp nên việc quản lý từ gốc tránh sự chênh lệch giá giữa công ty và đại lý phân phối vẫn còn là một điều khó khăn.

Trên thực tế, với việc tăng giá liên tục của các hãng sữa ngoại thì không chỉ người tiêu dùng ngán ngại, mà ngay cả các cửa hàng bán lẻ cũng không còn mặn mà kinh doanh mặt hàng này như trước. Lý do chính là do giá tăng đòi hỏi đồng vốn lưu động lớn. Những cửa hàng qui mô lớn mới có thể quay nhanh đồng vốn để đáp ứng yêu cầu kinh doanh. Vì vậy mà nhiều cửa hàng chuyển hẳn sang kinh doanh sữa nội, hoặc chỉ kinh doanh sữa ngoại cho có mặt hàng.

Đối với các gia đình, sữa là mặt hàng thiết yếu nên việc tăng giá sẽ tạo nên một gánh nặng chi tiêu là điều khó tránh khỏi. Nhiều người tiêu dùng chuyển sang sử dụng sữa nội vì sản phẩm này luôn phù hợp với thu nhập trung trung bình của người dân. Trong bối cảnh giá cả tăng cao, chi tiêu sao cho hợp lý sẽ là vấn đề đặt lên hàng đầu đối với các gia đình. Vì vậy, nếu một nhãn hàng tăng giá quá cao, không còn phù hợp chi tiêu thì chuyển hướng tiêu dùng sang nhãn hàng khác sẽ là một xu thế tất yếu. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần vào cuộc kịp thời để quản lý chặt chẽ hơn về giá đối với dòng sản phẩm tiêu dùng thiết yếu này.

Quốc Dũng
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *