Những năm qua, ở ĐBSCL, diện tích cây ăn trái thuộc họ cây có múi không ngừng gia tăng và đã hình thành nên những vùng chuyên canh khá lớn. Trong đó, sau cây cam sành thì phải kể đến cây bưởi. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác cây bưởi, bà con nông dân đã gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề chăm sóc và kỹ thuật xử lý ra hoa, ra trái đồng loạt.
Có nhiều biện pháp tạo “sốc” để cho cây bưởi ra hoa. Ảnh minh họa |
Bưởi là một trong những đối tượng cây ăn trái đặc sản nổi tiếng với nhiều giống ngon như bưởi Năm roi, bưởi da xanh, bưởi long Cổ cò… Do tương đối dễ trồng, thích nghi với mọi vùng đất và nhất là có giá trị kinh tế cao, nên bưởi được khuyến khích phát triển thành những vườn chuyên canh theo qui hoạch sản xuất của từng vùng, từng khu vực.
Thông thường, cây bưởi trồng khoảng 4 – 5 năm tuổi là có thể cho trái. Nếu để cây ra hoa tự nhiên thì năng suất rất thấp và không đồng loạt, nên việc chăm sóc và thu hoạch rất khó khăn. Do vậy, để nâng cao hiệu quả sản xuất bưởi, bà con nông dân thường áp dụng xử lý ra hoa, hay nói cách khác là thay đổi chu kỳ tự nhiên của cây trồng, bằng cách tác động một số biện pháp kỹ thuật để thay đổi tạp quán, đổi mới chu kỳ phát triển; nhằm ngăn chặn sự sinh trưởng, phát triển, dinh dưỡng, chuyển sang giai đoạn sinh trưởng, phát triển, sinh sản.
Theo những người am hiểu thì việc tạo “sốc” để cho cây bưởi ra hoa có nhiều biện pháp với những ưu khuyết điểm khác nhau. Thế nên, bà con nông dân nên chọn và áp dụng biện pháp xử lý cho cây ra hoa sao cho thích hợp với tình trạng dinh dưỡng, điều kiện ngoại cảnh và tuổi của cây trồng. Ngoài ra, trước khi xử lý cho bưởi ra hoa, điều cần lưu ý là nên làm vệ sinh vườn chu đáo, tỉa bỏ những cành già, bị sâu bệnh… đồng thời cung cấp đủ phân bón và các chất dinh dưỡng để cây “sung mãn”, nhằm giúp cho cây ra hoa được thuận lợi và đạt kết quả cao.
Một trong những đặc điểm của cây có múi nói chung, và cây bưởi nói riêng, so với các loại cây ăn trái khác là không có sự khác nhau giữa mầm chồi và mầm trái. Một đặc tính khác của cây bưởi là khi ra hoa, cây cần có thời gian khô hạn để phân hóa mầm hoa. Vì vậy, lợi dụng yếu tố này, bà con nông dân có thể xử lý để cây ra hoa đồng loạt bằng cách xiết nước, tạo khô hạn. Khi áp dụng biện pháp này, bà con phải khống chế mực nước rong vườn ở mức thấp nhất, nhưng phải trên tầng phèn tiềm tàng. Thời gian tạo khô hạn cho cây kéo dài từ 7 – 20 ngày, tùy theo độ ẩm của đất và tình trạng thiếu nước của bộ lá. Sau đó, bà con tưới nước trở lại đến khi cây ra đợt hoa đầu tiên.
Hiện nay, biện pháp lải bỏ lá trên cành mang trái, hay còn gọi là cành nhện, cũng được bà con áp dụng rộng rãi. Xử lý bằng biện pháp này là “gây sốc” cho cây, chuyển từ sự sinh trưởng, phát triển dinh dưỡng sang giai đoạn sinh trưởng, phát triển sinh sản. Thường, những cành nhện rất ngắn, có chiều dài từ 10 – 20 cm, mọc ở chảng 2, chảng 3 của cây và cho trái rất muộn. Do vậy, áp dụng lải bỏ hết la, những cành này cũng sẽ ra hoa và mang trái đồng loạt, từ đó sẽ tạo cho trái có đều khắp trên cây và dễ dàng khi chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh. Cách làm này rất có hiệu quả, chủ động cho trái theo ý muốn và có thể rãi vụ quanh năm. Lưu ý, khi sử dụng biện pháp này nên chọn những cành già, lá có màu xanh đậm và bắt đầu lải lá từ những cành nhện ở vị trí gần mặt đất trước, sau đó mới tiến dần lên vị trí trên cao.
Đối với biện pháp sử dụng hóa chất, thông thường, bà con sử dụng Paclobutazol phun trên lá, hoặc tưới xung quanh gốc. Khi sử dụng phương pháp này, bà con nông dân cũng cần giảm dần lượng nước tưới cho đến khi cây ra hoa thì tưới nước trở lại. Việc sử dụng hóa chất để xử lý sẽ giúp cho cây bưởi ra hoa đồng loạt, năng suất trái được nâng cao nhưng về lâu dài, theo các nhà chuyên môn khuyến cáo thì nên hạn chế bởi nếu sử dụng thuốc lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến cây trồng, nhất là bộ rể sẽ bị tổn thương, tạo điều kiện cho dịch hại tấn công và gây ô nhiễm môi trường.
Việc xử lý ra hoa trên cây bưởi không khó, nếu nhà vườn áp dụng đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, để đạt năng suất cao, dù có áp dụng biện pháp nào đi nữa, thì trước tiên, vườn cây phải được chăm sóc tốt, có hệ thống tưới tiêu chủ động nguồn nước. Mật độ trồng vừa phải và vệ sinh vườn tốt, tỉa bỏ những cành vượt .
Lưu ý, trong thời gian xử lý ra hoa, trên cây bưởi không được mang nhiều trái, cây trong tình trạng khỏe mạnh, có bộ lá màu xanh và không có nhiều tượt non, hạn chế bón phân có hàm lượng đạm cao trước khi xử lý ra hoa.
Tất nhiên, mỗi biện pháp kỹ thuật đều có những ưu và nhược điểm của nó. Song, tin rằng, với những biện pháp kỹ thuật để xử lý ra hoa bưởi như trên, bà con nông dân sẽ biết cách ứng dụng đạt kết quả tốt, bưởi cho năng suất cao. Vấn đề cần đặt ra là bà con nông dân nên chọn thời điểm xử lý bưởi ra hoa cho trái như thế nào để khi thu hoạch bán có giá và thu lợi nhuận cao nhất.
Quốc Chiến