Được thành lập từ năm 2001 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về biên chế, thiếu thốn về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động, nhưng với sự nỗ lực quyết tâm của mình, những năm qua, Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc và bảo ve sức khỏe nhân dân.
Bệnh viện Y học Dân tộc Thành phố Vĩnh Long khá nổi tiếng với việc khám, chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu Đông y kết hợp Tây y. Sự hữu hiệu trong điều trị bệnh bằng phương pháp này đã thu hút lưu lượng người đến đây khám, chữa bệnh ngày càng đông. Riêng trong năm 2010, đã có hàng chục ngàn lượt người đến khám chữa bệnh bằng phương pháp này. Nhiều người mắc các chứng bệnh nặng, như đau thần kinh tọa, nhiều bệnh nhân bị liệt nửa người, liệt cả hai chân cũng được chữa trị khỏi bệnh.
Ảnh minh họa |
Chị Dương Thị Tươi, ở xã Bình Ninh, huyện Tam Bình bị tê liệt hai chân không cử động được. Sau 2 tuần châm cứu, đôi chân chị đã bình phục. Anh Huỳnh Thanh Liêm, ở Phường 2, Thành phố Vĩnh Long. Anh bị đau thần kinh tọa điều trị bằng Tây y trong một thời gian dài mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Nhưng sau một tuần điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp với Tây y, anh đã khỏi bệnh hoàn toàn. Để mở rộng và nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, từ năm 2005, Thành phố Vĩnh Long đã thành lập Hội Châm cứu hoạt động tại Bệnh viện Y học Dân tộc thành phố. Hiện nay, hội đang có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề lương y, nghiên cứu, áp dụng đưa những thành tựu mới của y học cổ truyền vào việc khám chữa bệnh cho nhân dân.
Với phương châm xã hội hóa hoạt động khám chữa bệnh không dùng thuốc, từ năm 2004, Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long ra đời. Theo đó, 58 chi hội cơ sở cũng được thành lập tại các huyện – thành phố, tại các tại xã, phường, thị trấn với gần 300 cán bộ, hội viên, là những lương y giàu tâm huyết cứu giúp những người nghèo khó. Trong năm 2010, các cấp hội đã khám, chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu cho hơn 511.000 lượt bệnh nhân. Trong đó, có trên 225.000 lượt người được châm cứu bằng xung điện, 1.500 lượt người được châm cứu bằng laser bán dẫn, trên 20.000 lượt người được châm cứu bằng các phương pháp xoa bóp, bấm huyệt.
Chi Hội Châm cứu xã Tân Ngãi là một trong những cơ sở hội hoạt động có hiệu quả cao. Mỗi năm, chi hội này đã khám, chữa bệnh cho hàng ngàn lượt bệnh nhân. Nhiều người trước đây không thể tự lực được trong sinh hoạt cá nhân, nhưng qua điều trị bệnh bằng phương pháp châm cứu như bấm huyệt, xung điện, họ đã khỏi bệnh và tìm lại được niềm vui trong cuộc sống. Ngoài ra, để thực hiện phương châm thuốc tại chỗ, thầy tại nhà, hội còn thành lập một số tổ chăm sóc bệnh nhân tại nhà để điều trị cho những người neo đơn, bạo bệnh hoặc những người bệnh không đủ sức khỏe đi lại. Nhờ vậy mà nhiều bệnh nhân luôn yên tâm chữa lành bệnh, gia đình cũng giảm bớt khó khăn trong việc nuôi dưỡng người thân.
Ngoài việc châm cứu, trong năm 2010 vừa qua, các cơ sở hội còn bốc trên 1,2 triệu thang thuốc nam cho bệnh nhân. Trong đó, có hàng trăm ngàn thang thuốc được cấp miễn phí cho những người nghèo, những người không may gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Điển hình như chi Hội Châm cứu xã Trường An, Thành phố Vĩnh Long. Năm qua, chi hội này đã khám và bốc trên 35.000 thang thuốc miễn phí, trị giá trên 1,2 tỷ đồng. Nhiều người nghèo đã được đều trị khỏi bệnh nhờ y đức của những cán bộ hội, là những lương y nhà sư.
Để có nguồn thuốc cấp miễn phí cho những người nghèo, năm nào Hội Châm cứu xã Trường An cũng đều tổ chức cho hội viên, là những nhà hảo tâm lên rừng thu hái hàng chục tấn dược thảo quý hiếm, đồng thời còn tổ chức trồng và thu hái các loại dược thảo tại địa phương. Ngoài ra, hội còn bào chế các loại thuốc tán, thuốc tể trị một số bệnh thông thường rất công hiệu để cứu giúp những bệnh nhân nghèo không có điều kiện sắc thuốc.
Hội Châm cứu tỉnh Vĩnh Long cũng luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật châm cứu, để nâng cao hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh. Đây cũng là mục tiêu phấn đấu của hội, nhằm hiện đại hóa châm cứu kết hợp Tây y, nhất là trong chuẩn đoán điều trị di chứng liệt, hội chứng đau. Với hiệu quả hoạt động của mình, Hội Châm cứu các cấp ngày càng thu hút nhiều người đến khám, chữa bệnh. Nhiều cán bộ hội tận tụy với công việc, có uy tín nghề nghiệp ngày càng được nhân dân tin tưởng.
Với sự nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức, các cấp Hội Châm cứu của tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đặc biệt là hội đã cứu giúp rất nhiều người nghèo khỏi bệnh hòa nhập với cộng đồng.
Bênh cạnh những thuận lợi, trong quá trình hoạt động, các cấp Hội Châm cứu của tỉnh cũng còn rất nhiều khó khăn. Bởi hiện nay, tất cả các cơ sở hội chưa có nơi làm việc, trang thiết bị, kinh phí dành cho việc khám, chữa bệnh chưa được nhà nước đầu tư. Còn về nhân sự, tất cả cơ sở hội hiện nay không có cán bộ chuyên trách. Trước sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự lẫn kinh phí hoạt động, các cấp hội đã phải dựa vào sự đóng góp một cách tự nguyện của các lương y và các nhà hảo tâm thì mới duy trì được hoạt động.
Thực hiện chỉ thị 24 về “Phát triển nền Đông y trong tình hình mới” mà Ban Bí thư Trung ương vừa ban hành, tỉnh Vĩnh Long đã đề ra chỉ tiêu là hàng năm phải khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đối với tuyến tỉnh là 20%, đối với tuyến huyện là 25% và đối với tuyến xã, phường là 40% trong tổng số người được khám và điều trị bệnh. Để hoàn thành được chỉ tiêu này thì Hội Châm cứu cần phải được sự quan tâm nhiều hơn.
Châm cứu là phương pháp điều trị không dùng thuốc đạt hiệu quả rất cao trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, để Hội Châm cứu tỉnh nhà thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, thiết nghĩ, tỉnh cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung biên chế và kinh phí hoạt động. Có như vậy thì mới góp phần giúp cho Hội Châm cứu cùng ngành Y tế thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Trần Tiến