Trà Ôn là một trong những chiếc nôi của đàn ca tài tử ở Vĩnh Long. Ngay từ những năm ba mươi của thế kỷ trước, nơi đây đã xuất hiện những danh cầm nổi tiếng khắp trong vùng như Năm Kiên, Hai Võ, Nhạc Giám, Nhạc Hiếu, Mười Tây, Tư Tra, Hai Như… Mảnh đất này cũng là quê hương của những giọng ca vàng như Mười Chất, Út Hậu, Trường Xuân, Út Trà Ôn… Xã hội phát triển, nghệ thuật đàn ca tài tử dường như đã bước qua thời kỳ hưng thịnh, rực rỡ, những con người tài năng trên lĩnh vực này cũng đang dần thưa vắng.
Tuy nhiên, đàn ca tài tử là một nghệ thuật có sức sống rất mãnh liệt. Tựa một dòng chảy ngầm, nghệ thuật ấy ngày đêm âm thầm lan tỏa đi khắp nơi, từ miền Tây sang tới miền Đông Nam bộ. Đặc biệt, ở những vùng nông thôn vẫn còn có rất nhiều người yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống này của cha ông. Họ cần mẫn, chuyên tâm học tập, rèn luyện không ngừng, để rồi từng có lúc gặt hái những thành quả không ngờ. Lê Thị Kim Khoa, ở xã Vĩnh Xuân – huyện Trà Ôn. Năm ngoái, vừa 19 tuổi, em đã lọt vào vòng chung kết Giải Bông lúa vàng lần thứ 9 – một Hội thi tuyển chọn giọng ca cải lương rất uy tín do Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tổ chức hai năm một lần và đoạt giải Khuyến khích. Thầy dạy của em chính là ông Lê Văn Thê, một trong những danh cầm nổi tiếng nhất miền Tây từ nhiều thập niên trước và vẫn còn đang hoạt động đến hôm nay.
Theo lời chỉ dẫn của bạn bè, chúng tôi đến Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Trà Ôn để tìm danh cầm nổi tiếng Lê Văn Thê, tên thường dùng là Năm Thê. Thật bất ngờ, chúng tôi gặp ông trong một căn phòng nhỏ chỉ mười sáu mét vuông, vừa đủ kê chiếc giường đôi và bộ bàn ghế nhỏ xíu. Ngoài mấy bộ đồ treo trên vách và vài dụng cụ làm bếp đơn giản, căn phòng này hầu như không có gì đáng giá. Gần hai mươi năm qua, ông sống ở đây, một mình, trong căn phòng đơn sơ này. Về sau này, chuyện trò với ông, chúng tôi mới biết, ông có nhà ở La Ghì – Vĩnh Xuân, nhưng ông thích ở đây để tiện cho việc giao tiếp, hoạt động đàn ca và dạy học. Hôm nay, ông cũng đang dạy ca cải lương cho một trong những học trò của mình là chị Nguyễn Thị Hồng, ở thị trấn Trà Ôn. Chị Hồng theo ông học ca đến nay đã được ba tháng.
Danh cầm Năm Thê sinh năm 1926, tại La Ghì – Vĩnh Xuân – Trà Ôn, trong một gia đình có truyền thống đàn ca tài tử khá lâu đời. Ông nội và cha của ông đều là những người chơi đàn giỏi. Mới 12 tuổi, ông đã biết chơi nhiều loại nhạc cụ. Vì vậy, năm 1941, vừa 15 tuổi, ông được gia đình gửi xuống Bạc Liêu để theo học nhạc với danh cầm nổi tiếng lúc bấy giờ là Mười Khói. Bốn năm sau, danh cầm Mười Khói đã giới thiệu ông cho Đoàn cải lương Tiếng Chuông ở Sài Gòn. Từ đó, ông Năm Thê bắt đầu cuộc đời nghệ sĩ, phiêu bạt với rất nhiều gánh hát cải lương, lưu diễn qua nhiều miền đất nước, để rồi cuối cùng cũng trở thành một danh cầm nổi tiếng trong làng ca cổ như thầy dạy của ông.
Sau năm 1975, đời sống kinh tế – xã hội gặp nhiều khó khăn. Danh cầm Năm Thê quyết định rời bỏ sân khấu cải lương để trở về với quê hương Vĩnh Xuân – Trà Ôn. Từ đây, ông bắt đầu sự nghiệp truyền bá, giảng dạy đàn ca tài tử cho các thế hệ trẻ. Không chỉ chơi đàn giỏi, ông còn thông thạo tất cả các bài, bản cổ. Thường, trong các buổi biểu diễn đàn ca tài tử phải có một người cầm chịch, giữ nhịp song lang để làm chuẩn cho các đàn khác cùng hòa điệu, và ở Trà Ôn, hơn ba mươi năm qua, người giữ nhịp song lang vẫn không ai khác ngoài ông. Ngày xưa, các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như Út Hậu, Chí Tâm từng học ca với ông. Nghệ sĩ Ưu tú Út Trà Ôn lúc còn trẻ cũng thường tìm đến nhà ông để tham khảo nhạc lý. Về sau này, khi đã thành danh, trong những chuyến lưu diễn tại quê hương, trên sân khấu, nghệ sĩ Út Trà Ôn luôn đứng cạnh bên ông, để tiếng đàn lời hát của hai con người đồng điệu cùng hòa ca. Những kỷ niệm như thế, đến nay, nhiều đệ tử của ông vẫn ghi khắc trong lòng.
Được danh cầm Năm Thê tiếp sức, nhiều năm qua, phong trào đàn ca tài tử ở huyện Trà Ôn được giữ vững và phát triển tốt. Năm 1998, CLB Đàn ca tài tử của huyện được tái thành lập, hoạt động ổn định từ đó cho đến nay. Thường, CLB tham gia biểu diễn phục vụ trong các dịp lễ hội đình – miếu, Liên hoan đàn ca tài tử các cấp, giao lưu với các đơn vị trong và ngoài huyện. Không chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ của các tầng lớp nhân dân, đáp ứng và phát huy niềm đam mê ca hát lành mạnh trong một bộ phận quần chúng, sâu xa hơn hết, hoạt động đàn ca tài tử đang đóng góp phần lớn công sức vào việc bảo tồn, lưu giữ những giá trị tinh thần và văn hóa quý giá của cha ông.
Được biết, nghệ thuật đàn ca tài tử Nam bộ đã được Chính phủ nước ta lập hồ sơ trình tổ chức UNESCO đề nghị xem xét và ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại trong năm nay. Sau sự ghi nhận của thế giới về năm di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam là nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ Bắc Ninh và Hội Gióng Việt Nam, đàn ca tài tử một lần nữa sẽ giới thiệu đến bạn bè thế giới hình ảnh một đất nước Việt Nam, một tâm hồn Việt Nam tuyệt đẹp, uyển chuyển và chứa chan cảm xúc.
Thật ra, trong căn phòng nhỏ bé của danh cầm Năm Thê có một thứ tài sản rất quý giá, đó là các nhạc cụ đã theo ông tựa bóng với hình gần như suốt cuộc đời. Đàn cò, đàn kìm, violon, đàn bầu, đàn sến, đàn tranh, đàn guitar phím lõm, vân vân… Ông chơi thành thạo, rành rẽ, điêu luyện tất cả các loại nhạc cụ này cũng như một số loại nhạc cụ cổ xưa khác.
Hơn 30 năm kể từ ngày giã từ sân khấu, trở về với quê nhà, danh cầm Năm Thê đã dạy đàn ca tài tử cho hàng trăm người. Học trò của ông bao gồm nhiều thế hệ, ở nhiều nơi kể cả trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long. Nhiều người trong số họ đã trưởng thành, thành danh trong lĩnh vực đàn ca tài tử. Ngoài người học trò cưng là em Lê Thị Kim Khoa mà hôm nay ông đã mời về đây, trong câu chuyện với chúng tôi, ông nhắc đi nhắc lại những cái tên như Tòng, Dương, Bá, Khải, Long, Phụng, Hoàng. Đó là những người học trò giỏi mà ông thương nhớ nhất. Phần lớn trong số họ hiện cũng đang hoạt động trong lĩnh vực đàn ca tài tử ở Bạc Liêu.
Suốt thời gian gần gũi, làm việc với danh cầm Năm Thê, chúng tôi luôn mang trong lòng một câu hỏi: Vì sao, vì lẽ gì mà hơn ba mươi năm qua, ông chọn sống đời cô độc, các hoạt động giảng dạy đàn ca của ông cũng diễn ra khá lặng lẽ, chủ yếu tùy thuộc vào cơ duyên giữa thầy và trò chứ không phải là vào việc có tổ chức. Gia đình ông ở Vĩnh Xuân thuộc một dòng tộc lớn, các con ông ở Sài Gòn hầu hết cũng đều là những người ăn nên làm ra. Ông lẽ ra đã có thể sống một cuộc đời đầy đủ, sung túc, ấm êm, nhưng ông đã chọn cách sống cho riêng mình. Có lẽ với ông, sự cô đơn chiếc bóng có ý nghĩa riêng của nó: 86 tuổi, với hơn 70 năm cầm đàn, tiếng đàn lời ca đối với ông đã trở thành máu thịt, cần thiết cho tâm hồn ông như hơi thở cần thiết cho sự sống. Trong cuộc sống đời thường, ông luôn cần có tiếng đàn bên cạnh mình, trong không gian của riêng mình. Mặt khác, chỉ có hoạt động đàn ca mới là cách thức hiệu quả nhất giúp ông hoàn thành tâm nguyện một đời là truyền hết mọi tinh hoa của nghệ thuật đàn ca tài tử cho những người tri kỷ. Và đó chính là điều bí ẩn cất giấu trong tâm hồn người nghệ sĩ lớn, người nghệ sĩ chân chính: quên cuộc sống bản thân, chắt chiu tâm sức cho công việc có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều. Người xưa từng có câu: Người ta là hoa của đất. Với nghệ sĩ – danh cầm Năm Thê, chúng tôi nghĩ, câu nói ấy là một sự so sánh xứng đáng.
Vào giây phút chia tay với danh cầm Năm Thê, ngoảnh nhìn lại căn phòng bé nhỏ, không tên giữa lòng thị trấn Trà Ôn êm ả, một cảm xúc khó tả chợt dâng lên trong lòng. Như bao người, chúng tôi đến, gặp ông trong khoảnh khắc, rồi lại đi. Đường đời vạn dặm, biết đâu mình đang bỏ lại phía sau lưng, trong căn phòng vắng vẻ, đơn sơ ấy biết bao vẻ đẹp của thời gian, của năm tháng, biết bao vẻ đẹp vĩnh hằng đã được đúc kết, chạm khắc nên từ cuộc sống và tâm hồn trăm năm của cha ông. Qua cầu Trà Ôn rồi, chúng tôi vẫn không thật chắc mình đang ước điều gì: Ước cho thời gian dừng lại hay cho người tài tử cùng tiếng đàn kìm tuyệt vời kia sẽ mãi mãi còn cất lên bên dòng sông ngàn năm này.
Có lẽ là cả hai…
Thu Hà