Từ khi chính sách nông nghiệp được đổi mới, Việt Nam đã tiến những bước dài trong sản xuất lúa, trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong bình ổn an ninh lương thực toàn cầu.

Ảnh minh họa

Nếu như năm 1990, sản lượng lúa của nước ta chỉ đạt 19 triệu tấn thì 20 năm sau đó – năm 2010 – sản lượng đạt đến 40 triệu tấn. Năng suất lúa từ chỗ chỉ hơn 3 tấn/ha đã tăng lên bình quân 5 tấn/ha, cá biệt đến hơn 7 tấn/ha. Năng suất lúa bình quân của Việt Nam dẫn đầu các nước Asean kể từ năm 2002. Tuy nhiên, thành tựu của cây lúa Việt Nam hiện nay chủ yếu là do phép cộng số lượng lúa gạo của hàng triệu hộ nông dân riêng lẻ. Một mô hình sản xuất lúa hàng hóa qui mô lớn đang được xem là hướng đi tất yếu trong tương lai.

Câu chuyện liên kết 4 nhà ở một xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh – một xã có đến 63% dân số là đồng bào Khmer – là một câu chuyện thú vị. Cách đây 5 năm, thông qua chương trình "Cùng nông dân ra đồng" của Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, lần đầu tiên, những người nông dân Khmer ở Phú Cần đã tiếp cận phương thức sạ hàng – một điều mới mẻ lúc bấy giờ. Cách làm này không những giúp tiết kiệm giống mà còn giảm sử dụng thuốc trừ sâu nhưng lại tăng năng suất. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của những kỹ sư nông nghiệp trẻ mà chỉ sau vài vụ, trình độ canh tác của người nông dân được nâng lên rõ rệt. Nếu như trước đây, bệnh đạo ôn gây thiệt hại nặng nề do phát hiện muộn thì nay, nông dân đã phát hiện được bệnh ở giai đoạn ban đầu. Hiệu quả sản xuất đã giúp mô hình phát triển từ diện tích 110 ha lên 208 ha với trên 300 hộ tham gia.

Xã Phú Cần là vùng đất gò cao, làm lúa khó khăn do nước mặn xâm nhập thường xuyên. Vụ Hè Thu năm 2007, việc triển khai mô hình liên kết 4 nhà được các cấp chính quyền, ngành chuyên môn tỉnh ủng hộ và đã tạo nên một bước ngoặc mới.

Không dừng lại ở mô hình liên kết 4 nhà: nhà nông – nhà nước – nhà khoa học và nhà doanh nghiệp, người nông dân cần giải được bài toán trúng mùa, rớt giá lâu nay. Vì vậy, vụ Đông Xuân 2011 vừa qua, lần đầu tiên một bước tiến mới trong chuỗi sản xuất lúa gạo được hình thành ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Tham gia vào cánh đồng mẫu lớn 1.100 ha ở xã này, 448 hộ nông dân cùng được tư vấn kỹ thuật trồng lúa, thu hoạch, phơi phóng, đặc biệt là ghi chép quy trình sản xuất và chi phí vào sổ theo tiêu chuẩn VietGap. Nhờ vậy, tự thân người nông dân tính toán được giá thành mỗi vụ. Tất cả chi phi đầu vào, từ giống, phân bón, thuốc trừ sâu… nông dân được mua với giá gốc, được mượn kho trữ gạo một tháng mà không trả phí và thanh toán không tính lãi sau khi bán lúa. Nhờ vậy, chi phí sản xuất 1kg lúa ở cánh đồng mẫu lớn vụ Đông Xuân 2011 vừa rồi thấp hơn 1.000 đồng/ kg so với những nơi khác.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản lượng lúa lớn hơn trong vụ Đông Xuân 2011, các lò sấy được nâng công suất lên gần gấp đôi. Những mẻ gạo đầu tiên được sản xuất theo qui trình mới có thể truy xuất nguồn gốc theo từng chủng loại gạo đã được xay xát, lau bóng, lưu kho và đang chờ đóng container xuất khẩu. Vụ Hè Thu này, cánh đồng mẫu lớn đã phát triển được 1.600 ha với 684 hộ tham gia. Với mô hình cánh đồng mẫu lớn, một hình thức làm ăn tập thể mới trong sản xuất lúa được hình thành.

Cánh đồng mẫu lớn ở An Giang là một bước chuyển trong sản xuất lúa hiện nay. Từ mô hình này, hiện nay, tất cả các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đăng ký với Bô Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện 13 cánh đồng mẫu lớn với diện tích hơn 7.200 ha từ vụ Hè Thu này. Trong đó, 4 tỉnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn quy mô nhất là Sóc Trăng, Tiền Giang, Kiên Giang và Trà Vinh với diện tích từ 900 – 1.500 ha. Các tỉnh còn lại xây dựng cánh đồng mẫu rộng 300 – 500 ha, trong đó có Vĩnh Long.

Sản xuất lúa hàng hóa qui mô lớn đang là một thực tế sản xuất sinh động tại đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, việc qui định hạn điền và cá nhân chỉ được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm không quá 6 ha trong thời hạn 20 năm, từ năm 1993 – 2013, cũng làm cho nhiều người có ý định sản xuất lớn băn khoăn.

Nước ta có tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 10 triệu ha, trong đó, diện tích đất lúa là 44%, còn tỷ lệ nông dân trồng lúa chiếm đến 80% dân số. Song, với gần 14 triệu hộ nông dân hiện có thì trung bình mỗi hộ có diện tích chỉ 7.000 m2. Trong bài toán sản xuất lúa hàng hóa qui mô lớn thì tích tụ ruộng đất đang là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

Với xu thế đó, tích tụ ruộng đất cần một chính sách hoàn thiện hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo dự báo, đến năm 2020, nước ta sẽ chỉ còn 9,5 triệu nông dân, giảm đi gần một nửa. Vì vậy, cánh đồng mẫu lớn hiện là một bước chuyển quan trọng trong sản xuất lúa gạo, không những giải quyết cơ bản bài toán đầu ra cho hạt lúa mà còn là chia sẻ lợi nhuận công bằng hơn giữa các bên tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *