Từ thành phố Vĩnh Long đến Sóc Trăng hơn 90 km bằng đường bộ dọc theo tuyến Quốc lộ 1A, rồi rẽ vào tỉnh lộ 42 chừng 65 km nữa là tới huyện Ngã Năm.
Đây là một trong những huyện thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng, có đường giao thông tương đối đồng bộ, bao gồm Quản lộ Phụng Hiệp nối liền Quốc lộ 60 với đường Hồ Chí Minh . Ngoài ra, Ngã Năm còn có đường thủy nối liền các địa phương và các vùng lân cận như: Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang…với 5 nhánh sông tụ hội thành Chợ Nổi- là điểm thương mại sầm uất với cảnh quan sông nước hữu tình, độc đáo.
Chợ nổi Ngã Năm nằm ở điểm hội tụ của 5 dòng kinh đổ về, trong công cuộc khai thác đất Nam Bộ khi xưa. Khác với miệt vườn ở vùng trên, miệt dưới Sóc Trăng vốn lung, trũng lắm phèn, nên muốn khai phá thì thủy lợi là ưu tiên hàng đầu. Chính vậy mới hình thành nên ngã năm đường thủy , và chợ Ngã Năm là chợ nổi đặc thù của sông nước Nam Bộ…
Mọi chuyện bán buôn, sinh hoạt chính đều ở trên ghe. Ghe lớn, ghe nhỏ, xuồng năm lá, xuồng ba lá… lên hàng, xuống hàng suốt từ khi trời đâm mây ngang, cho đến sáng bửng thì coi như tan chợ.
Chợ Ngã Năm họp đông nhất là quãng từ 5 giờ sáng cho đến tầm non 9 giờ thì thưa hẳn. Ghe đi bổ hàng thì đổ về các nẻo kinh, rạch nhỏ; còn ghe lớn thì đậu đâu đó để chờ dỡ đủ hàng, để đi tiếp về các chợ xa.
Cũng như bao chợ ở các bến sông khác. Chợ Ngã Năm đóng vai trò của một chợ đầu mối sỉ- lẻ , dạng chợ bách hóa thứ gì cũng có. Nhưng đó là chợ Ngã Năm trên bờ, còn ở dưới sông thì rặt hàng nông sản, cây trái, “mùa nào trái nấy” ..
Dân thương hồ chợ nổi Ngả Năm thường ví chuyện làm ăn của mình là “bán gì cũng bán- mua gì cũng mua”. Mùa nước lũ đầu mùa, miệt trên thiếu rau xanh, bầu bí,…dân ghe đổ xuống Ngã Năm bổ hàng về bán. Mùa chôm chôm, măng cụt, mận, nhãn .… từ miệt vườn đổ xuống Ngã Năm. Đi một chuyến phải cho đáng, nên phải lựa ghe cỡ nào đi sao cho có lời, cho đáng một chuyến đường xa.
Cặp theo mé bờ xuôi về kênh Xẻo Chích đi Bạc Liêu,… vẫn còn chừa lối đi giữa sông và nhà cửa trên bờ thưa thớt. Có vẻ như ở đây vẫn còn giữ được một phần hình ảnh của “Ngã Năm chợ xưa” với ghe, xuồng và vỏ lãi đậu cặp bờ ken dày. Những "cây bẹo" treo lủng lẳng ,nào là cải bắp, khoai tây, cà chua, dưa, hành, tỏi, ớt… là những hàng hóa mà thuyền, ghe rao bán.
Có thể nói, chợ nổi Ngã Năm có hầu hết các sản vật đồng bằng sông Cửu Long , từ các loại gạo nổi tiếng của "vựa lúa", tới rau, củ, quả tươi ngon của miệt vườn. Rồi tôm, cá, cua, ếch… những tặng phẩm quý giá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khu vực hạ nguồn sông Mê Kông.
Nhộn nhịp và tấp nập nhất là quảng 5 giờ sáng. Lời ăn tiếng nói ở chợ nổi này vẫn đậm nét quê xưa, làm bâng khuâng lòng lữ khách.
Ngồi trên đò dọc, cảm giác cứ bồng bềnh…
Chợ đông vui với những lời mời gọi của những bạn ghe . Rồi những hàng quán di động: quán cháo, bún nước lèo, hủ tiếu, chè, nước giải khát, cà phê…, sẽ phục vụ nhu cầu đầy đủ cho khách. Những hình ảnh tạo nên nét đẹp Chợ nổi Ngã Năm, nhiều người đi xa là nhớ…
Những lão thương vùng sông nước kể: Không biết 'cây bẹo' xuất hiện từ lúc nào, nhưng khi vào chợ nổi thì 'cây bẹo' là điểm ngắm đầu tiên của bạn hàng. Trước đây, mỗi chiếc ghe đều có món hàng chủ lực. Ghe Cà Mau là than đước, ba khía, mắm, chiếu. Ghe Sóc Trăng là bánh pía, mè láo, lạp xường đến các loại gạo nếp, gạo tẻ. Ghe miệt Hậu Giang là khóm Cầu Đúc, Ghe Kiên Giang là khoai lang…
Nhưng không nhất thiết có loại đặc sản nào là cứ phải treo mẫu đặc sản đó lên. Chẳng hạn, không ai treo ba khía hay con mắm lên 'cây bẹo', vì nhỏ quá khó thấy từ xa…. Hoặc loại trái to như mít, dừa, bí rợ, không treo được thì để trước mũi ghe hoặc chất đầy trên mui ghe. Tuy nhiên , 'cây bẹo' vẫn là 'cây quảng cáo' ở chợ nổi. Bạn hàng chèo một vòng chợ, mắt liếc ngang, liếc dọc tìm nơi mua thứ mình cần. Người tiêu dùng đứng trên bờ cũng quan sát 'cây bẹo' để phát hiện mặt hàng cần mua. Đã bao thế hệ tiếp nối nhau, hình như chưa có hình thức nào thay thế được 'cây bẹo' trong việc quảng cáo ở chợ nổi.
Đối với người dân thị trấn Ngã Năm, đi chợ nổi mỗi ngày như là một thói quen . Có nhiều người vượt cả đoạn đường dài bằng xuồng, ghe tới chợ , chỉ để ăn một tô cháo cá, một tô bún nước lèo hay mua kí gạo lẻ, mớ rau xanh. Mặc dù đã có đường, có cầu tới chợ nhưng bà con vẫn thích bơi xuồng để ngao du sông nước và thăm hỏi, giao lưu cùng thương lái. Tình người chợ nổi được thể hiện trong mỗi cử chỉ, lời nói mộc mạc, thân thiện, cười nói vô tư…
Nhiều người dân nơi đây có nhà trên bờ nhưng chẳng mấy khi bỏ chợ nổi, cuộc sống của họ gắn chặt với ghe, xuồng và những chuyến đi.
Chị Phạm Thị Dung, ở ấp 6, thị trấn Ngã Năm- một người mua bán lâu năm trên chợ nổi- cho biết: Nhà có 6 người, 2 vợ chồng, 4 đứa con. Hai trai hai gái ở nhà đi học, chồng bán mắm còn chị bán bông súng và hai người chủ yếu sinh sống trên chiếc ghe 2 tấn- mỗi người một chiếc. Chồng đi mua mắm tận Châu Đốc, chị mua rau quả ở miệt Trà Cú- Trà Vinh về đây bán. Mỗi chuyến đi, về mất 2 ngày, thêm 2 ngày bỏ mối nên thỉnh thoảng chị mới có dịp về thăm nhà, thăm con.
Thị trấn Ngã Năm cạnh 5ngả sông, bốn bề sông nước hữu tình, lại có thêm 'chợ nổi' đã tồn tại lâu đời và đang tiếp tục phát triển không kém chợ nổi Ngã Bảy(Hậu Giang), Cái Răng(Cần Thơ)… Ngồi trên chiếc đò dọcđi quanh chợ nổi, chúng tôi nhìn bao quát phía bờ kè ôm lấy chợ, mới thấy hết nét đẹp của một thị trấn nằm kề sông nước.
Trong cái nắng chói chang nhưngđã chớm lạnh của mùa lề hội óc- ăm- bóc, chợ nổi Ngã Năm nhộn nhịp;ghe, tàu chen nhau san sát. Ngày trước, người bán chỉ chuyên vài món hàng,như có ghe chỉ chuyên bán các loại khoai, có ghe chuyên bán đệm, chiếu, dây lác,… Nay những món hàng vẫn trên 'cây bẹo', nhưng còn nhiều hàng khác chứa sẵn trong ghe để người mua khỏi phải chen chúc qua chỗ khác.
Trước khi tạm biệt chợ nổi Ngã Năm, chúng tôi lên bờ và có dịp ghé qua xóm nghề của những người miền ngoài vào đây sinh sống với sản phẩm đặc trưng miền sông nước, với thương hiệu Lưới Xóm Huế . Trong cuộc mưu sinh trên vùng đất đã là quê hương thứ hai, những người dân gốc Huế đã kịp lưu lại ấn tượng với cách làm ăn kiên định và ý thức cùng nhau duy trì thương hiệu của xóm nghề…
Bên 5 nhánh sông, có biết bao cuộc mưu sinh của cộng đồng ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer với đặc trưng của vùng đất này là sống cùng sông nước và làm ăn theo lũ. Đến với Sóc Trăng lần này, chúng tôi có nhiều niềm vui bất ngờ khi chứng kiến những cuộc sống ít dữ, lành nhiều của cư dân trên một dòng sông… Và chợ nổi Ngã Năm , sẽ là điểm đến thú vị của hành trình khám phá …
Trọng Dũng