Bám sát thực tiễn cuộc sống và hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của người lao động, những năm qua, các cấp công đoàn tỉnh Vĩnh Long tập trung các hoạt động hướng về cơ sở, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, và huy động được nhiều nguồn lực cùng tham gia.
Các hoạt động của công đoàn tỉnh nhà ngày càng thiết thực, hiệu quả, tạo niềm tin vững chắc giúp người lao động vượt qua khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Giá cả tăng cao, đồng lương chỉ tạm đủ trang trải các chi phí hàng ngày trong gia đình. Lý do đó khiến không ít cán bộ công nhân viên chức lao động khó tự khắc phục cảnh cửa nhà tạm bợ. Bởi để làm được điều này, đòi hỏi số tiền vượt ngoài khả năng của họ.
“An cư, lạc nghiệp” – Nhà là mối quan tâm lớn của đông đảo công nhân viên chức lao động. Và căn nhà vững chắc sẽ là nền tảng giúp người lao động yên tâm, phấn đấu công tác. Xác định nhu cầu cơ bản này, những năm qua, các cấp công đoàn tỉnh Vĩnh Long nỗ lực huy động nhiều nguồn lực đóng góp vào quỹ “tấm lòng vàng”, giúp những công nhân viên chức lao động hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai, hoạn nạn có được nhà ở vững chắc.
Cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, và những tảo tần cũng có thể vẫn chưa thôi… Nhưng trong căn nhà vững chắc , họ vững tin sẽ đủ khả năng để vượt qua, những điều tốt đẹp sẽ chờ đón ở phía trước.
Vừa huy động nguồn đóng góp từ lực lượng công nhân viên chức lao động hàng năm, vừa tranh thủ huy động thêm các nguồn hỗ trợ trong và ngoài tỉnh, 5 năm qua, hơn 500 mái ấm công đoàn được dựng nên là sự nỗ lực không nhỏ của các cấp công đoàn tỉnh nhà.
Từ năm 2011, ngoài xây nhà cho người lao động khó khăn, quỹ “tấm lòng vàng” còn trích 30% hỗ trợ hơn 50 trường hợp công nhân viên chức lao động bị bệnh hiểm nghèo như tim, ung thư… Những phần tiền hỗ trợ kịp thời lúc khó khăn, hoạn nạn, là nguồn động viên giúp họ trở nên lạc quan bởi bên cạnh họ luôn có công đoàn.
Đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người lao động – điều đó đã là tâm huyết, mục tiêu hàng đầu của các cấp công đoàn thời gian qua. Mỗi công đoàn cơ sở có những hình thức hỗ trợ, chia sẻ với người lao động phù hợp, kịp thời. Như công đoàn ngành giáo dục với mô hình “tương trợ giáo viên bệnh tật hiểm nghèo”, thực hiện từ năm 2009 đến nay. Có không ít những giáo viên bệnh ung thư, bệnh tim… chi phí điều trị hàng trăm triệu đồng – vượt ngoài tầm tay những thầy cô giáo quanh năm gắn liền với phấn trắng, bảng đen. Số tiền quyên góp của giáo viên toàn ngành phần nào giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực vượt qua bệnh tật.
5 năm qua, công đoàn ngành giáo dục tiếp tục phát huy tính thiết thực của phong trào tương trợ giáo viên qua đời. Có những giáo viên là trụ cột gia đình mất đi, để lại không chỉ sự đau đớn mà còn là nỗi khó khăn lớn cho cả gia đình. Và nguồn quỹ tương trợ này đã giúp họ vượt qua nỗi mất mát, sống xứng đáng với niềm mong mỏi của người đã khuất.
Gia đình cô Nguyễn Ngọc Dung – giáo viên trường THCS Thiện Mỹ huyện Trà Ôn là trường hợp điển hình. Trước đây, cha cô Dung là hiệu trưởng trường tiểu học Hòa Hiệp huyện Tam Bình qua đời vì bệnh nặng. Gia đình quá túng thiếu, nhờ số tiền hỗ trợ từ giáo viên toàn ngành, mẹ cô chuộc lại được 3 công ruộng, 2 công vườn, tiếp tục làm lụng nuôi chị em cô ăn học. Cũng nhờ sự tương trợ đúng lúc ấy mà có được cô giáo Nguyễn Ngọc Dung với nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục địa phương hôm nay.
Song song với việc chia sẻ, hỗ trợ khó khăn cùng người lao động, các cấp công đoàn những năm qua có nhiều đổi mới trong tổ chức, phát động các phong trào thi đua, thúc đẩy tinh thần người lao động hăng say cống hiến, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn của ngành, đơn vị.
Từ những cách thức phù hợp trong tổ chức phát động sâu rộng phong trào thi đua, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của người lao động, nhiều công nhân viên chức lao động đã có những sáng kiến khắc phục khó khăn trong sản xuất, cải tiến kỹ thuật cho năng suất cao, tiết kiệm chi phí, làm lợi hàng chục tỉ đồng cho địa phương, đơn vị.
5 năm qua, Vĩnh Long có 13 công đoàn viên được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo, 7 công đoàn viên đạt giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, 798 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và hơn 11 600 đề tài sáng kiến cải tiến cấp cơ sở, làm lợi cho nhà nước hơn 34 tỉ đồng. Ý thức lao động sáng tạo nhằm làm lợi cho địa phương, đơn vị ngày càng được nâng cao.
Điều quan trọng là làm thế nào để phong trào lan rộng, kích thích được tinh thần thi đua, tạo niềm tin giúp người lao động tự tin sáng tạo. Đó chính là yếu tố cốt lõi để làm nên thành tích của phong trào thi đua lao động sáng tạo thời gian qua. Nhiều đơn vị như Điện lực Vĩnh Long, hay công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long, qua 5 năm có đến 230 sáng kiến cải tiến tiết kiệm, làm lợi hàng chục tỉ đồng cho công ty, hoặc tiết kiệm về nhân sự, thời gian giúp hoàn thành hiệu quả nhiệm vụ.
Khi phong trào được xây dựng phù hợp điều kiện lao động, đáp ứng sát sao tâm tư, nguyện vọng của người lao động… sẽ thu hút người lao động hưởng ứng nhiệt tình. Đó cũng là kinh nghiệm rút ra từ việc tổ chức, phát động phong trào thi đua “giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân viên chức lao động những năm qua.
Nhờ sự linh hoạt, phù hợp trong tổ chức thực hiện, những năm qua, phong trào “giỏi việc nước, đảm việc nhà” được sự hưởng ứng mạnh mẽ của lực lượng nữ công nhân viên chức lao động. Nhiều nữ lao động đã nỗ lực vượt qua khó khăn trong đời sống, nuôi con học hành thành đạt, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Làm thế nào để người lao động nhận rõ được tính thiết thực của phong trào, và tạo được nguồn lực động viên, thúc đẩy cán bộ công chức lao động thi đua làm việc. Đó cũng là những tiêu chí đề ra khi các cấp công đoàn tổ chức thực hiện các phong trào thi đua lao động tại địa phương, đơn vị. Như phong trào xây dựng “người cán bộ công chức viên chức trung thành, sáng tạo, tân tụy, gương mẫu”, các tiêu chí của phong trào được gắn kết chặt chẽ, cụ thể với nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị, giúp công đoàn viên nhận thấy tính thiết thực từ đó tham gia thực hiện..
Ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vẫn còn tiềm ẩn sự thiếu hài hòa trong quan hệ, do chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng pháp luật lao động và những cam kết, thỏa thuận quy định trong hợp đồng lao động, như về tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, điều kiện làm việc… Những yếu tố này dẫn đến lãng công, ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động ở một vài doanh nghiệp thời gian qua.
Trước tình hình này, các cấp công đoàn đã tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp. Qua đó, góp phần khẳng định sự cần thiết và lớn mạnh của tổ chức công đoàn. Các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động về pháp luật lao động, về luật công đoàn, các kiến thức cần thiết dành cho người lao động… Công đoàn cũng đã quan tâm, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp, nên đã kịp thời tham gia giải quyết hậu quả tranh chấp lao động tập thể khi mới phát sinh.
Trong đó, nâng cao kỹ năng thương lượng của chủ tịch công đoàn, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trên trực tiếp cơ sở có đủ trình độ về luật và các chế độ chính sách… , là biện pháp cơ bản để ổn định tình hình quan hệ lao động và làm cho vai trò đại diện của tổ chức công đoàn ngày càng rõ nét, thuyết phục hơn. Đến nay, người sử dụng lao động đã quan tâm hơn đến việc thực hiện chính sách và chăm lo cho người lao động, quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức công đoàn, phát triển đoàn viên… Đây cũng là thành công đáng ghi nhận từ phong trào “xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp”.
Nhiệm kỳ qua, công đoàn Vĩnh Long đã thành lập mới 172 công đoàn cơ sở, phát triển mới được hơn 39 ngàn đoàn viên công đoàn , đạt 130% chỉ tiêu đề ra.
Những doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn luôn được cập nhật và xúc tiến thành lập kịp thời. Số công đoàn vững mạnh ngày càng tăng, ngày càng khẳng định vị thế và sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn.
Nghiệp đoàn xe honda khách, nghiệp đoàn bốc vác tiếp tục phát triển đoàn viên, thực hiện tốt các chức năng chăm lo, bảo vệ người lao động.
Những phong trào hoạt động của công đoàn được tổ chức đồng bộ ở các cấp, được đông đảo công nhân lao động nhiệt tình hưởng ứng, góp phần làm cho chủ trương của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh được thể hiện sinh động.
Các phong trào được xây dựng với nhiều phương thức đổi mới, sinh động, hiệu quả, đi vào chiều sâu, bám sát thực tiễn cơ sở, nhất là đáp ứng tốt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Tạo niềm tin, là chỗ dựa cho người lao động, công đoàn tỉnh nhà ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của tổ chức mình trong tình hình mới, hoàn thành tốt sứ mệnh đối với người lao động ở địa phương./.
Hoàng Thy