Chúng tôi đến Tân Quới trong những ngày đầu năm 2010. Niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây thật nhiều ý nghĩa trong mùa xuân mới : ngày 23.10.2009, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Tân Quới đến năm 2020. Sự hình thành huyện mới Bình Tân đặt ra các yêu cầu xây dựng, nâng cấp xã Tân Quới đạt tiêu chuẩn đô thị loại 5, hình thành thị trấn huyện lỵ của huyện mới Bình Tân.

Tân Quới vốn là một thôn được thành lập từ thế kỷ XIX, được ghi trong địa bạ triều vua Minh Mạng ngay từ năm 1836. Khi đó, Tân Quới thuộc tổng Trường An, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Đến năm 1836, thôn này được đổi tên là làng Tân Quới. Từ năm 1945, làng Tân Quới trở thành xã Tân Quới. Ngày 01.01.2008, Tân Quới được xác định là một trong 11 xã thuộc huyện mới Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Lịch sử tồn tại lâu đời cùng với địa lý thuận lợi là cơ sở để huyện Bình Tân chọn Tân Quới để xây dựng thành trung tâm huyện lỵ mới, bao gồm toàn bộ xã Tân Quới và một phần các xã Thành Đông và Thành Lợi.

Bản đồ địa giới hành chính xã Tân Quới

Tân Quới nói riêng và Bình Tân nói chung từ lâu được biết đến như là vùng chuyên canh màu nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long. Nằm cặp sông Hậu mỡ màng phù sa, Tân Quới có trên 500 ha màu, trong đó nhiều nhất là bắp, dưa hấu, khoai lang, đậu nành v.v… Việc nâng cấp Tân Quới lên đô thị loại 5 sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân phát triển các lĩnh vực kinh tế khác ngoài nông nghiệp. Tiểu thủ công nghiệp – thương mại và dịch vụ cũng là một thế mạnh của Tân Quới, có sự đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Nhiều làng nghề đã hình thành tại đây từ lâu, nổi tiếng nhất là nghề làm nước mắm, nước tương, chao… Tân Quới hiện có 165 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chiếm 27% tổng số cơ sở sản xuất của huyện. Giá trị sản xuất hàng năm đạt gần 12 tỷ đồng, chiếm 22% tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của huyện. Một số nghề mới phát sinh vài năm gần đây như sản xuất than tổ ong cũng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Sản phẩm từ đây được tiêu thụ rộng khắp, nhất là các tỉnh Nam sông Hậu.

Tân Quới với điều kiện thuận lợi về giao thông thủy bộ, có quốc lộ 54 đi qua, nằm ven sông Hậu tiếp giáp với thành phố Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp. Do vậy, khi trở thành thị trấn sẽ rất thuận tiện trong việc trao đổi giao lưu hàng hóa. Trong những năm gần đây, hòa nhịp cùng với sự phát triển kinh tế của Vĩnh Long và cả nước, Tân Quới có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, do vẫn là một xã nên Tân Quới chưa có sự đầu tư thỏa đáng về hạ tầng, nhất là giao thông. Do vậy, đề án phân loại xã Tân Quới thành đô thị loại 5 sẽ giúp cho địa phương này được đầu tư nhiều hơn nhằm xứng tầm của một đô thị trung tâm huyện lỵ. Để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực của chính quyền địa phương, cần hơn hết là sự đồng thuận của người dân trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm xây dựng một thị trấn mới với những công trình mới.

Gần đây, Tân Quới được tỉnh và huyện quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản. Năm qua, Tân Quới được đầu tư vốn lập qui hoạch điều chỉnh thị trấn, qui hoạch cụm công nghiệp. Ngoài ra, còn được bố trí vốn triển khai các dự án hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách. Trong đó, bao gồm đầu tư hạ tầng khu tái định cư hành chính huyện, lập thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án hạ tầng giao thông từ cầu chú Bèn ra sông Hậu, qui hoạch khảo sát thiết kế tuyến dân cư giai đoạn 2 v.v… Hiện tại, địa hình Tân Quới rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hoà và dịch vụ trong năm qua đạt trên 70 tỷ đồng. Tân Quới đang thu hút dân cư tập trung về trung tâm sinh sống ngày càng đông. Do vậy, tính chất, chức năng của đô thị Tân Quới là phát triển theo tiêu chuẩn đô thị loại 5, là trung tâm tổng hợp về kinh tế, hành chính, văn hóa, giáo dục – đào tạo, dịch vụ, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Về quy mô dân số, đất đai đô thị theo các giai đoạn phát triển, dự báo dân số Tân Quới đến 2015 khoảng 7.800 người, đến 2020 là hơn 9.000 người. Đất xây dựng đô thị đến 2015 khoảng 98,5 ha và đến 2020 là 125 ha. Tỉ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 65%. Từ điều kiện thuận lợi như thế, cộng với qui hoạch từ ban đầu, sự đồng thuận của cộng đồng, tất cả cho thấy sẽ có một thị trấn Tân Quới phồn vinh trong tương lai..

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *