Tầm soát hiện đại và điều trị toàn diện ung thư vú cho người trẻ
20/12/2023Mỗi năm, Việt Nam có thêm 21.555 phụ nữ mắc mới ung thư vú, đặc biệt, ung thư vú đang trẻ hóa. Để giúp người bệnh phát hiện sớm, điều trị toàn diện, các bác sĩ BVĐK Tâm Anh TP.HCM luôn phối hợp, lên kế hoạch điều trị chi tiết, an toàn, đảm bảo kiểm soát bệnh, thẩm mỹ và trữ trứng để người bệnh có thể mang thai sau này.
Vào 20 giờ tối ngày 13/12, Hệ thống BVĐK Tâm Anh phối hợp với Báo điện tử VTV tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến “Ung thư vú ở người trẻ: Vì sao tăng? Phương pháp tầm soát hiện đại, chính xác cao?” với sự tham gia của 3 chuyên gia, bác sĩ:
- BS Nguyễn Đỗ Thùy Giang, Trưởng khoa ngoại vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Bác sĩ Thùy Giang có 24 năm kinh nghiệm trong thăm khám và phẫu thuật bệnh tuyến vú.
- CKI Châu Hoàng Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
- CKII Lê Hồng Cúc, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang cho biết ung thư vú đang trẻ hóa. Ảnh: BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Chương trình đã thu hút hàng chục nghìn khán giả theo dõi. Hàng loạt câu hỏi xoay quanh các vấn đề ung thư vú ở người trẻ có nguy hiểm không, có ảnh hưởng đến chất lượng trứng, trữ trứng như thế nào, người bệnh có lập gia đình, sinh em bé được không… đã được các vị chuyên gia tư vấn tận tình, dễ hiểu.
Ung thư vú ở người trẻ xâm lấn, tấn công mạnh
Ung thư vú là ung thư hàng đầu ở nữ giới. Ở các nước Âu Mỹ, có nhiều thống kê về ung thư vú, tuy nhiên, tỉ lệ người trẻ mắc bệnh này ở mỗi nơi khác nhau. Sự đánh giá đều dựa trên dịch tễ, nguy cơ, chẩn đoán, điều trị. Nếu ở Âu Mỹ ⅔ phụ nữ bị ung thư vú ở độ tuổi sau mãn kinh, châu Á trung bình khoảng 40-49 tuổi và ngày càng trẻ hóa. Độ tuổi ung thư vú ở người trẻ khu vực châu Á là dưới 35 tuổi, có khuynh hướng xâm lấn, tấn công cơ thể rất mạnh. Đây là điều báo động.
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang cho biết chưa rõ nguyên nhân vì sao ung thư vú trẻ hóa. Thống kê của các nước Âu Mỹ xác định được yếu tố nguy cơ. Theo đó, những người lập gia đình muộn, không sinh con hay không cho con bú thuộc nhóm nguy cơ cao. Nhưng những yếu tố đó lại không đúng với người châu Á, đặc biệt là Việt Nam – nơi có 90% phụ nữ lập gia đình, có con và cho con bú.
Người có tiền căn ung thư gia đình như chị em ruột, mẹ hay dì ruột họ ngoại gọi là ung thư vú gia đình, chiếm 20%. Trong đó, có 5% ung thư di truyền trẻ hóa sớm. Thế giới thống kê khoảng 5% ung thư vú trẻ hóa, tuy nhiên, tại Việt Nam, con số này dao động từ 5-10%. Thậm chí, người bệnh ung thư vú trẻ nhất mà trong suốt hơn 25 năm công tác bác sĩ Thùy Giang đã gặp là 18 tuổi.
Ở độ tuổi này, nhiều bạn còn ngồi trên ghế giảng đường, vừa ra trường, lập gia đình, mang thai, sinh con, cho con bú. Ung thư vú ở người trẻ gây tổn thương lớn cho người bệnh, người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Sự tổn thương bắt đầu từ thời điểm điều trị, trong quá trình điều trị cho đến mãi về sau. Người phụ nữ trẻ ung thư vú mang nhiều lo âu có di tuyền cho con không, ảnh hưởng đến sữa mẹ không… Và nỗi sợ lớn nhất là tái phát, di căn, khi con còn quá nhỏ, ai chăm lo cho con?
Đó cũng chính là lý do các nhà nghiên cứu, bác sĩ BVĐK Tâm Anh TP.HCM luôn đặt ra tiêu chí điều trị, chăm sóc toàn diện cho phụ nữ trẻ ung thư vú, đảm bảo kiểm soát bệnh, tâm lý, thẩm mỹ, di truyền, trữ trứng, mang thai…
BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ về trữ trứng, đảm bảo thiên chức làm mẹ cho phụ nữ trẻ ung thư vú.
BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chia sẻ với bệnh nhân nữ mắc ung thư vú quá trình điều trị, hóa trị, uống thuốc nội tiết đều ảnh hưởng đến chất lượng trứng và khả năng mang thai. Đồng thời, khoảng thời gian điều trị và theo dõi khá lâu, do đó, người bệnh nên trữ trứng trước khi bắt đầu “cuộc chiến”.
Bác sĩ hỗ trợ sinh sản chỉ cần khoảng 2 tuần để kích trứng, hút trứng và trữ đông, đảm bảo khả năng sinh sản. Sau đó, người bệnh tiếp tục hóa trị, xạ trị. Kết thúc quá trình điều trị ung thư, cơ thể người phụ nữ hồi phục, bác sĩ sẽ rã đông trứng, kết hợp với tinh trùng của người chồng để tạo phôi và chuyển vào tử cung. Người bệnh hoàn toàn mang thai và thai nhi phát triển bình thường, sinh con khỏe mạnh.
Quá trình kích trứng, hút trứng cũng không ảnh hưởng đến bệnh ung thư vú. BVĐK Tâm Anh TP.HCM có sự phối hợp, hội chẩn đa chuyên khoa giữa khoa Ngoại Vú, Ung thư và Trung tâm Hỗ trợ sinh sản để đưa ra phác đồ điều trị và kích trứng, trữ trứng bằng kỹ thuật cao.
Khán giả cũng băn khoăn, liệu tế bào ung thư vú có di chuyển đến buồng trứng không. Bác sĩ Phương Thảo cho biết, tế bào ung thư vú chỉ tập trung ở khối u vú, không di chuyển xa. Do đó, trứng không bị nhiễm tế bào ung thư. Em bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Bởi ung thư vú không lây mà mang tính di truyền, quy định trên gen. Trường hợp phôi mang đột biến gen BRCA1-2 hoặc các đột biến khác, bác sĩ sẽ chọn lọc.
BS.CKII Lê Hồng Cúc, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chia sẻ về các phương pháp tầm soát ung thư vú ở người trẻ.
Tầm soát cho người trẻ khó khăn, cần bác sĩ giỏi
Bác sĩ CKII Lê Hồng Cúc, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ về nguyên nhân khiến việc tầm soát và chẩn đoán ung thư ở người trẻ khó khăn.
Thứ nhất, chụp nhũ ảnh có giá trị tầm soát trong quần thể lớn. Cụ thể, ung thư vú thường gặp ở phụ nữ ngoài 40 tuổi nên các chuyên gia y tế đưa chụp nhũ ảnh để tầm soát. Với người trẻ dưới 35 tuổi, đây vẫn là nhóm chiếm 5%-10%, do đó, không dùng nhũ ảnh làm phương pháp tầm soát thường quy.
Tuyến vú hấp thu tia X gây đột biến gây ung thư vú về sau. Cùng 1 liều tia X nhưng độ hấp thụ tia ở phụ nữ dưới 40 tuổi nhiều hơn so với phụ nữ sau 40 tuổi. Một phụ nữ trẻ chưa chắc bị ung thư nhưng đã phải chịu tổn thương của tia X lên mô vú thì không nên. Do đó, các chuyên gia y tế không dùng tia X để tầm soát đại trà cho phụ nữ trẻ. Đồng thời, ở phụ nữ trên 40 tuổi chụp nhũ ảnh, kỹ thuật viên luôn ép vú ở mức tiêu chuẩn, vừa đảm bảo kết quả hình ảnh chuẩn xác vừa giảm khả năng hấp thụ tia X. Như vậy, việc sử dụng tia X phù hợp, đúng đối tượng sẽ giảm nguy cơ “ăn” tia X và tầm soát ung thư hiệu quả.
Các máy chụp nhũ ảnh ở BVĐK Tâm Anh TP.HCM thuộc thế hệ mới, được điều chỉnh tia X ở lượng thấp, nguy cơ người bệnh “ăn” tia X giảm đáng kể.
Thứ 2, nhũ ảnh ở người trẻ khó đọc hơn so với người lớn tuổi. Mô vú ở người trẻ dày, chắc, đặc. Trên phim nhũ ảnh, bác sĩ khó nhìn ra sang thương. Do đó, chụp nhũ ảnh không hiệu quả và mang giá trị như ở người lớn. Người trẻ muốn tầm soát vú nên khám với chuyên gia Ngoại Vú để được chẩn đoán chính xác.
Người trẻ thay vì chụp nhũ ảnh, hãy siêu âm và chọc sinh thiết. Bởi siêu âm dễ nhận diện bất thường trên các mô vú dày đặc hơn nhũ ảnh. Tuy nhiên, kết quả phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người khám, siêu âm cũng như thiết bị máy móc. Như vậy, sự kết hợp bác sĩ nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại sẽ giúp tăng sự chính xác trong chẩn đoán ung thư vú người trẻ.
Bác sĩ Thùy Giang khuyên, trong gia đình, nếu có mẹ mắc ung thư vú thì con gái nên tầm soát sớm hơn 10 năm. Cụ thể, mẹ bị ung thư vú lúc 50 tuổi thì con gái nên tầm soát lúc 40 tuổi. Trường hợp người trẻ từng mắc bệnh phải xạ trị vô thành ngực (ví dụ lymphom), trong vòng 10 năm sau đó phải tầm soát. Gia đình mang đột biến gen BRCA1-2 có đến 60-80% nguy cơ ung thư vú cần tầm soát từ 25 tuổi.
Trong thời lượng 2 tiếng diễn ra chương trình, ngoài cung cấp những thông tin liên quan ung thư vú ở người trẻ, cách tầm soát an toàn, hiệu quả và quy trình trữ trứng… các chuyên gia của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh còn lắng nghe những hoàn cảnh,câu chuyện từ người bệnh, người thân, đặc biệt là những người chồng luôn dành tin yêu, chăm sóc vợ; những người cha mẹ lo lắng cho con. Quý khán giả nếu bỏ lỡ chương trình có thể xem lại TẠI ĐÂY hoặc liên hệ đến Hotline của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để trực tiếp đặt câu hỏi với các chuyên gia.
Nguyễn Trăm