Tam Bình là vùng đất trồng cam sành nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long, với nhiều khu vườn chuyên canh rộng lớn. Nhưng do những năm gần đây cây cam sành đã bị dịch bệnh hoành hành dữ dội, buộc nhiều nhà vườn phải đốn bỏ và thay thế bằng những đối tượng cây trồng khác, có hiệu quả kinh tế cao hơn, mở ra một hướng phát triển mới trong kế hoạch phát triển kinh tế vườn của huyện.
Hiện nay, ước tính huyện Tam Bình có tổng diện tích vườn cây ăn trái trên 7.600 ha. Trong đó diện tích cam sành chỉ còn hơn 1.500 ha, còn lại khoảng 6000 ha là các loại cây ăn trái khác, như xoài, sầu riêng, măng cụt, thanh long…. Nếu so với cách đây hơn 5 năm, thì diện tích vườn cam sành đã giảm gần 50%. Trong khi đó các loại cây ăn trái khác thì diện tích lại gia tăng đáng kể. Nguyên nhân là do cây cam sành – loại cây ăn trái đặc sản của vùng đất này, những năm gần đây đã bị dịch bệnh tấn công gây hại nặng, vườn cây xơ xác, năng suất và giá trị thu hoạch không còn bao nhiêu. Đã có không ít nhà vườn phải đốn bỏ những vườn cam bị bệnh, không còn cứu vãn được, để trồng mới lại, nhưng xem ra cũng không có kết quả như mong muốn. Vì vậy nhiều nhà vườn đã quyết định « chia tay » với chúng.
Không chỉ trong sản xuất, mà thời gian qua cam sành còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá cả thường bấp bênh, hiện tượng trúng mùa dội chợ thường xảy ra … ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của nhà vườn. Để giúp bà con nông dân trong huyện chọn lựa và cơ cấu lại các đối tượng cây ăn trái của mình cho phù hợp và đạt hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp huyện Tam Bình đã xây dựng đề án phát triển vườn cây ăn trái từ nay đến năm 2015. Theo đó , huyện đã quy hoạch lại vùng sản xuất và bố trí lại đối tượng cây trồng theo hướng đa dạng và thích hợp cho từng khu vực. Dù vẫn duy trì vùng chuyên cây cam sành, nhưng chỉ với diện tích khoảng 2000 ha, tập trung ở vùng đất cập theo tuyến sông Măng. Các khu vực còn lại sẽ phát triển vườn cây ăn trái theo hướng đa dạng hóa đối tượng cây trồng, với những loại cây cho hiệu quả kinh tế cao.
Việc đa dạng hóa vườn cây ăn trái là một giải pháp cấp bách để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Tam Bình. Một mặt là nhằm nâng cao thu nhập cho nhà vườn, mặt khác là nhằm cải tạo lại đất đai vốn đã bị nhiễm nhiều mầm bệnh độc hại đối với cây cam sành, giúp nông dân khôi phục và phát triển lại các vườn cây trái. Đồng thời đây cũng có thể xem là ” phép thử ” để chọn ra nhiều chủng loại cây ăn trái phù hợp với từng vùng đất của địa phương, giảm bớt áp lực cho cây cam sành, và tránh tình trạng phát triển vườn cam một cách ồ ạt, không theo định hướng, qui hoạch của địa phương như những năm qua, dẫn đến độ rủi ro cao.
Hiện nay toàn huyện Tam bình đã đưa vào sản xuất một số cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như bưởi, xoài, sầu riêng , măng cụt và thanh long … với diện tích trên 2000 ha . Bước đầu các loại cây trồng này đã thích nghi tốt với vùng đất Tam Bình và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà vườn.
Đơn cử như ông Lưu Vạn Trường ở ấp 5, xã Hậu Lộc , trước đây cũng trồng cam sành, nhưng do vườn cam đã bị dịch vàng lá gây hại nặng; nên ông đã phá bỏ vườn cam củ để trồng cam sành trở lại, nhưng không có hiệu quả. Bởi qua 3 năm chăm sóc, chưa được thu hoạch thì ông đã phải đốn bỏ vì cây cam đã bị nhiễm bệnh nặng. Năm 2011 được sự khuyến khích và hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện ông đã chuyển sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Lúc đầu chỉ có hơn 2 công, sau 1 năm, thấy có hiệu quả ông tiếp tục mở rộng diện tích cho đến nay đã được hơn 1 ha. Ông cho biết, tuy là loại cây trồng mới , nhưng nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc, nên vườn cây phát triển tốt, cho năng suất cao. Bước đầu đã mang lại thu nhập khá hơn cho gia đình
Còn chị Đào Ngọc Dung ở xã Tân Phú đã chọn cây xoài tứ quí để chuyển đổi cây trồng cho 3 công vườn của mình . Chị cho biết, do cây cam sành bị nhiễm bệnh nặng nề, trong khi nông dân đang còn lúng túng, không biết trồng loại cây gì cho phù hợp và có hiệu quả kinh tế cao, thì năm 2011 được sự khuyến cáo và hướng dẫn của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, chị đã chuyển sang trồng xoài . Tuy mới hơn 2 năm, nhưng bước đầu cây xoài đã cho hiệu quả kinh tế khá tốt. Theo chị, việc thay đổi đối tượng cây trồng này chủ yếu là nhằm cải tạo đất đai, và tiêu diệt những mầm mống dịch bệnh có trong đất, để sau này khi trồng lại cây cam sành đạt hiệu quả tốt hơn.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Tam Bình vẫn khuyến cáo nhà vườn cũng nên duy trì và khôi phục lại một số vườn cam sành, nhưng với diện tích hợp lý và theo qui hoạch của địa phương. Tuy nhiên để khắc phục tình trạng ’’trồng –chặt’’, và đảm bảo sản xuất có hiệu quả lâu dài, huyện cũng khuyến cáo bà con cần phải từ bỏ tập quán sản xuất cũ , tuân thủ nghiêm túc qui trình sản xuất tiến bộ. Quá trình trồng phải sử dụng cây giống sạch bệnh, sử dụng nhiều phân hữu cơ, tiến hành cắt cành tạo tán và quản lý tốt dịch hại chặt chẽ …. nhằm giúp cây phát triển khỏe, có sức đề kháng cao.
Hiện nay những loại cây trồng mới đã bắt đầu thích ứng với vùng đất Tam Bình, và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt cho người sản xuất, với mức nhập bình quân từ 30 đến 80 triệu đồng/ha, khiến một số nhà vườn rất phấn khởi.
Việc phát triển đa dạng hóa đối tượng cây ăn trái ở Tam Bình, tuy chỉ là một giải pháp tình thế trước mắt, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho vùng đất chuyên canh cây đặc sản cam sành này trước sự hoành hành của dịch vàng lá nhiều năm qua. Song, qua đó cũng đã mở lối cho vườn cây ăn trái trên vùng đất này từng bước phát triển đúng theo qui hoạch, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đồng thời giúp cho nhà vườn không chỉ làm giàu bằng cây cam sành, mà còn có thể nâng cao thu nhập cho gia đình bằng các loại cây trồng khác ./.
Quốc Chiến