Dựa vào con số thống kê lượng khách đến tham quan, tháng Bảy vừa qua, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được trang web TripAdvisor – một website du lịch trực tuyến – bình chọn vào Top 5 trong số 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Để có được điều đó, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chắc chắn đã phải có một sức hấp dẫn đặc biệt.

 

Phòng trưng bày Tội ác chiến tranh xâm lược là một trong 8 phòng trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng này. Ngoài Tội ác chiến tranh xâm lược, Bảo tàngcòn có những phòng trưng bày chuyên đề khác như Những sự thật lịch sử, Hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, Hồi niệm – bộ sưu tập ảnh về chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, vân vân… 

Với công chúng, bảo tàng là một trong số những loại hình thiết chế văn hóa luôn có sức thu hút mạnh mẽ bởi đó là nơi lưu giữ những tư liệu quý đã được dày công nghiên cứu, sưu tầm. Không chỉ chứa đựng những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, mỗi tư liệu ấy có thể còn tự chứa đựng trong bản thân nó những câu chuyện riêng. Với tư liệu chiến tranh, điều này càng đặc biệt có ý nghĩa bởi chiến tranh luôn là đề tài đụng chạm đến những góc tâm linh, những suy ngẫm sâu xa nhất của con người.

 Tại các phòng trưng bày của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có hàng ngàn tư liệu hình ảnh và hiện vật quý giá. Mặc dù bản thân chúng có sức hấp dẫn rất lớn, nhưng điều trước nhất chúng tôi muốn đề cập đến ở đây lại không phải là phần nội dung tư liệu. Với bảo tàng, nội dung tư liệu vốn dĩ là điều đương nhiên, là cái vốn cơ bản, chất liệu để tạo nên những công trình, hình ảnh của mình trong mắt công chúng. Với chúng tôi, điều gây ấn tượng chính là phương pháp trưng bày – một nghệ thuật bộc lộ rõ tính khoa học, logic và tràn đầy ý tưởng. 

Cách thức trưng bày ở phòng Tội ác chiến tranh xâm lược cũng như ở các phòng trưng bày khác cho thấy mức độ tội ác chiến tranh luôn được tăng dần từ thấp đến cao. Mở đầu chỉ là những cuộc càn quét, bắt bớ, sau đó mới đến đánh đập, tra tấn, rồi bắt đầu từ những vụ giết người lẻ tẻ dẫn đến những vụ thảm sát hàng loạt… Cách trưng bày như thế nhanh chóng giúp người xem nhận thấy mức độ leo thang của chiến tranh cũng như khái quát được mức độ tàn bạo mà nó đã gây ra. 

Mặt khác, không chỉ thuần túy dựa vào hình ảnh, phương pháp trưng bày này còn luôn đi kèm với các tư liệu khác như hiện vật, lời kể của nhân chứng, các số liệu, bình luận được trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau. Cảm giác rất sinh động, chân thực. 

Những hình ảnh về cuộc thảm sát Sơn Mỹ xảy ra vào tháng 3 năm 1968 – một sự kiện bi thảm đã quá nổi tiếng trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Đi kèm với những hình ảnh này là lời kể của Ronald Haeberle – một phóng viên nhiếp ảnh thuộc Quân đội Mỹ. Ronald Haeberle xuất hiện ở đây với tư cách vừa là tác giả, vừa là nhân chứng. Tất nhiên, không còn gì có thể thuyết phục hơn.

Để làm được những điều như thế, những người làm công tác bảo tàng đã phải trải qua quá trình dày công sưu tầm, nghiên cứu tư liệu, đồng thời xử lý bảo tồn các hiện vật, sau đó tìm ý tưởng để đem ra trưng bày, công bố trước công chúng. Ban đầu, ý tưởng ấy được diễn đạt thành đề cương, sau đó mới phát triển dần, rồi phát triển hoàn chỉnh để trở thành kịch bản trưng bày. Những người làm công tác bảo tàng ở đây cho chúng tôi biết, ở Việt Nam, trong lý luận về bảo tàng mới chỉ có khái niệm đề cương trưng bày chứ chưa có khái niệm kịch bản trưng bày. Nhờ kinh nghiệm sau nhiều năm làm công tác bảo tàng cũng như nhờ rất nhiều vào việc học hỏi, nghiên cứu từ cách làm ở nước ngoài mà Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã thành công trong việc vận dụng phương pháp sử dụng kịch bản trưng bày như một công cụ chuyên môn – một phương pháp thật ra là rất cơ bản cho nhiều công việc thuộc lĩnh vực lao động sáng tạo. 

 

Ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, kịch bản trưng bày lấy tính khoa học và sự hấp dẫn làm tiêu chí hàng đầu. Khoa học là hình ảnh – tư liệu phải đầy đủ, đa dạng, phong phú, hiện vật – chứng cứ phải có sức thuyết phục cao. Hấp dẫn là phương pháp, cách thức thể hiện như thế nào để giúp người xem nhanh chóng tiếp cận và xâu chuỗi các sự kiện, dễ dàng đúc kết và nhận ra bản chất của sự việc, sự thật. Một phương pháp như thế không chỉ tác động vào nhận thức, mà còn vào tình cảm, tâm lý người xem. 

Với chủ đề Hậu quả bom – mìn, đạn – pháo trong chiến tranh, bên cạnh những hiện vật bom – mìn, đạn – pháo được trưng bày rất sinh động là hình ảnh nạn nhân của chúng. Kèm theo đó là những lời chú thích, diễn giải rất chi tiết. Cuối cùng là tổng thể hậu quả mà chúng đã gây ra trong suốt mấy chục năm chiến tranh. Trong mắt người xem, thương tích vì bom – mìn, đạn – pháo mà một con người đơn lẻ phải gánh chịu đã là nặng nề, mà ở đây, ấn tượng nặng nề ấy cứ tăng dần, tăng mãi, cho đến khi người xem cảm thấy rùng mình vì kinh sợ trước mức độ tàn bạo và khủng khiếp mà bom đạn chiến tranh đã gây ra.

Không chỉ trưng bày tư liệu hình ảnh, hiện vật, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh còn tổ chức khá nhiều hoạt động khác, trong đó điển hình nhất phải kể đến hoạt động giao lưu giữa công chúng với nhiều đối tượng khác nhau có liên quan đến chiến tranh như các nạn nhân trong thời kỳ kháng chiến, nạn nhân chất độc da cam, các cựu chiến binh – cựu tù – cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, vân vân… 

Tại khuôn viên bảo tàng, các vị khách Nhật Bản đã được nghe cô Hồng Nhật và chú Quốc Hùng – những nhân chứng sống của chế độ lao tù trong cuộc chiến tranh Việt Nam – kể lại câu chuyện về những tháng năm mà cô, chú cùng đồng đội, bạn tù đã trải qua ở những nơi chốn mà sử sách từng định danh là địa ngục trần gian, đồng thời trả lời những câu hỏi, giải đáp những thắc mắc của họ. Qua đó, hai bên cùng chia sẻ thông tin, từ đó tiến tới nhận thức và những đánh giá đúng đắn về vấn đề chiến tranh tại Việt Nam. 

Những hoạt động như thế được gọi là chính sách công chúng – một nguyên nhân thành công khác ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. 

Ở bảo tàng có một đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật. Đối với họ, mỗi hiện vật sưu tầm được luôn gắn liền với một hay nhiều câu chuyện có liên quan đến lịch sử, khoa học, văn hóa, con người. Phần lớn những câu chuyện đó đều thú vị và thường rất cảm động. 

Đời người làm công tác sưu tầm hiện vật luôn gắn liền với những chuyến đi xa, với những công việc đòi hỏi sự tỷ mỷ, miệt mài, lặng lẽ. Nghề nghiệp của họ chứa đựng một mâu thuẫn rất đặc trưng. Trong khi vui mừng vì thành quả lao động của mình có thể phục vụ, đáp ứng một cách hiệu quả cho nhu cầu tìm hiểu sự thật của công chúng thì những câu chuyện gắn liền với những hiện vật, những bằng chứng mà họ phát hiện, thu thập được đồng thời luôn luôn làm cho họ cảm thấy đau lòng, nhức nhối. Nắm chắc trong tay các bằng chứng chiến tranh, hơn ai hết, họ hiểu rõ mức độ tàn bạo và tính chất man rợ của nó. 

Nỗi đau ấy khiến cho họ càng thêm quyết tâm đưa ra trước thế giới những bằng chứng về sự thật chiến tranh ở Việt Nam.

Hiện nay, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có hơn 20.000 tư liệu hình ảnh và hiện vật. Tuy nhiên, từ trước đến nay mới chỉ có 1.500 hiện vật – tức là khoảng 7,5% số tư liệu hiện có – được sử dụng ở nơi đây. Đối với người làm công tác bảo tàng, hiện vật chính là tài sản. Vấn đề là sử dụng như thế nào để khối tài sản ấy có thể đem lại những hiệu quả cao nhất. 

Ngoài việc xây dựng kịch bản trưng bày, tác giả kịch bản – tức người chịu trách nhiệm về nội dung – sẽ phải phối hợp với các họa sĩ thể hiện để biến ý tưởng kịch bản trở thành hiện thực trên hiện trường trưng bày. Một phòng trưng bày thành công không chỉ cung cấp nhiều thông tin cho người xem, mà còn góp phần tích cực vào việc giáo dục nhận thức, định hướng nhân cách, lý tưởng sống, nuôi dưỡng những hoài bão tốt đẹp, trong sạch, lành mạnh cho các tầng lớp thanh niên, học sinh – những thế hệ kế thừa sự nghiệp đấu tranh và xây dựng đất nước của cha anh.

Hiện nay, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh không chỉ là thành viên thuộc Hệ thống Bảo tàng Việt Nam, mà đồng thời còn là thành viên của Hệ thống Bảo tàng Vì hòa bình thế giới và Hội đồng Bảo tàng thế giới. 

Trong số 8 phòng trưng bày chuyên đề ở đây có một phòng trưng bày mang tên Hồi niệm –bộ sưu tập ảnh về chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Bộ sưu tập này bao gồm 275 bức ảnh của 134 nhà báo thuộc 11 quốc tịch khác nhau trên thế giới. Tất cả họ đều đã chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam, để lại những tác phẩm vô giá. Giờ đây, những bức ảnh đó trở thành những thông điệp gửi lại – những thông điệp được viết nên không chỉ bằng máu, nước mắt của các nạn nhân chiến tranh, mà còn bằng chính sinh mạng quý giá của họ.

Bên cạnh những phòng trưng bày thường xuyên,  Bảo tàng Chứng tích chiến tranh còn tổ chức các cuộc triển lãm ngắn ngày mang nhiều chủ đề nội dung khác nhau, cho thấy sự đa dạng, tính phong phú trong hoạt động của bảo tàng này. Đó là những chủ đề được mang những cái tên rất gợi cảm như Ký ức chiến tranh, Nỗi đau màu da cam, Em sẽ không quên, Tình yêu trong chiến tranh, Ẩm thực thời kháng chiến, Vượt qua tuyến lửa, Những kỷ vật Mậu thân, Phụ nữ Việt Nam trong khói lửa chiến tranh, Trẻ em thời chiến, vân vân…Được biết, trong thời gian sắp tới, bảo tàng sẽ tổ chức cuộc triển lãm mang chủ đề Áo dài phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ chiến tranh.

Một trong những phòng trưng bày thu hút được sự quan tâm, chú ý nhất của khách tham quan chính là phòng trưng bày mang tên Hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam. Người ta đã ước tính được rằng trong thời gian chiến tranh, đã có khoảng 100 triệu lít chất độc hóa học được rải xuống Việt Nam, trong đó có loại độc hại nhất là chất độc màu da cam hay còn gọi là dioxin. Các nhà khoa học cho biết, chỉ với 85 gram dioxin là đã có thể tiêu diệt toàn bộ cư dân của một thành phố 8 triệu người. Vậy mà đã có tới 340 kg dioxin được rải xuống Việt Nam. 

38 năm qua, đã có hơn 15 triệu lượt người đến tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Bình quân mỗi năm có hơn 500.000 lượt người, trong đó có khoảng 70% là người nước ngoài và 20% là học sinh – sinh viên tìm đến nơi đây. Những hình ảnh mà họ chứng kiến ở nơi này đã để lại những ấn tượng đậm sâu.

Với chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày chứng tích về tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hướng đến việc kêu gọi công chúng chống chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ hòa bình và tình đoàn kiết giữa các dân tộc. Gần 40 năm qua,

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã làm rất tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Không chỉ góp phần làm thay đổi nhận thức, tình cảm cho nhiều đối tượng người xem, trong đó chủ yếu là khách nước ngoài, hoạt động của bảo tàng còn là sự nỗ lực làm một chiếc cầu nối, hàn gắn lại những đau thương, những rạn nứt trong quá khứ, thúc đẩy cộng đồng cùng chung tay góp sức hướng đến một tương lai tươi sáng.

 Tại phòng trưng bày Hồi niệm –bộ sưu tập ảnh về chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, ngoài 275  tácphẩm nhiếp ảnh ghi lại những hiện thực từ cuộc chiến còn có danh sách và đầy đủ chân dung của 134 nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh – tác giả của bộ ảnh này, những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tại Việt Nam.

 

Bộ sưu tập này do hai nhà báo là Tim Page – người Anh – và Horst Faas – người Đức – thực hiện. Là những phóng viên chiến trường rất nổi tiếng, lẫy lừng trên toàn thế giới với những tác phẩm nhiếp ảnh chiến trận có một không hai, sống sót qua cuộc chiến tranh Việt Nam, vào năm 1997, Tim Page và Horst Faas đã cùng phối hợp thực hiện bộ ảnh này để tưởng niệm những đồng nghiệp đã ngã xuống trong cuộc chiến ở Việt Nam, không phân biệt chính kiến hay chiến tuyến. Để nhắc thế giới nhớ đến họ. Để nhắc nhân loại không được phép lãng quên những nỗi đau chiến tranh và giá trị lớn lao của cuộc sống trong hòa bình hôm nay. 

Bằng rất nhiều cách thức, những người yêu chuộng hòa bình đã và đang chung tay góp sức hàn gắn lại những vết thương của ngày xưa. Hành động của họ được hiểu như một lời tuyên bố chống chiến tranh. 

Trong số những dòng cảm tưởng để lại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có rất nhiều những lời bày tỏ và chia sẻ, những lời động viên và cam kết. Nhiều người Việt Nam đã viết: Tôi yêu Việt Nam. Nhiều ngườinước ngoài cũng viết:Tôi yêu Việt Nam – Tôi yêu hòa bình – Không chiến tranh.

Nếu có dịp, bạn hãy thử một lần đến bảo tàng này, dành thời gian ngoảnh nhìn lại quá khứ – một quá khứ nhiều đau thương. Chứng tích chiến tranh dĩ nhiên không xóa bỏ được quá khứ, nhưng chúng hoàn toàn có thể góp phần làm ngăn chặn, không cho phép những đau thương của quá khứ ấy lập lại trong tương lai.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *