Trong thời gian qua, xà lách xoong Bình Minh được trồng quanh năm theo tập quán cũ. Nông dân đầu tư thâm canh để đạt năng suất cao nên họ sử dụng rất nhiều phân bón và thuốc hóa học trong phòng trừ dịch hại. Nếu người sản xuất lơ là, không áp dụng triệt để việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo phương pháp 4 đúng và bảo đảm thời gian cách ly phân, thuốc thì sản phẩm sẽ không an toàn.
Theo số liệu thu thập từ nông dân trong vùng thì mỗi lứa cải xà lách xoong (cải sắp) khoảng 2 tháng người trồng phun thuốc hóa học từ 7- 8 lần (theo định kỳ mỗi tuần phun 1 lần) và đôi khi không đảm bảo thời gian cách ly, lượng thuốc lưu tồn trong sản phẩm vượt mức cho phép, do đó sản phẩm xà lách xoong vẫn còn bị nhiều tai tiếng.
Từ năm 2011 đến năm 2012, Chi cục Bảo vệ thực vật đã triển khai đề tài nghiên cứu “Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại Vĩnh Long” tại tổ hợp tác sản xuất xà lách xoong an toàn ấp Thuận Phú A, xã Thuận An, tập huấn 6 cuộc kỹ thuật sản xuất xà lách xoong an toàn; kỹ thuật sản xuất xà lách xoong theo quy trình VietGAP với hơn 200 lượt nông dân tham dự tập huấn.
Qua đó, đã nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc BVTV để có được sản phẩm xà lách xoong an toàn, nông dân đã biết cách sử dụng an toàn và hiệu quả thuốc BVTV, áp dụng đúng thời gian cách ly của từng loại thuốc.
Trong năm 2012, vùng chuyên canh rau ấp Thuận Phú A, xã Thuận An đã được Sở Nông nghiệp & PTNT Vĩnh Long cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất rau an toàn trên 4ha.
Chương trình này được tài trợ bởi dự án xây dựng vùng nguyên liệu cho rau củ quả (xà lách xoong, khoai lang, nhãn, chôm chôm) theo VietGAP gắn với nhãn hiệu hàng hóa tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2012-2015.
Theo TTTT Nông nghiệp VL