Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 06 hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước. Đây là sự kiện đánh dấu sự tham gia chính thức của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường vàng.
Hiện cả nước chỉ còn khoảng gần 2500 điểm kinh doanh vàng miếng, còn tại Vĩnh Long, có 17 điểm kinh doanh mặt hàng này. Hầu hết các điểm này chỉ tập trung tại TPVL, còn lại tại Huyện Bình Minh có 2 điểm, Vũng Liêm có 2 điểm và Trà ôn có một điểm. Như vậy, những địa phương còn lại nếu muốn mua bán vàng miếng sẽ tiến hành giao dịch ra sao? Đặc biệt, người dân sở hữu vàng miếng muốn bán sẽ như thế nào ?
Dù ở địa bàn huyện, nhưng theo chủ một cửa hàng vàng ở huyện Tam Bình, nhu cầu giao dịch bằng vàng miếng là nhu cầu thực sự của người dân địa phương. Bởi từ nhiều năm nay, người dân đã bắt đầu tích góp bằng vàng miếng thay cho vàng nhẫn vì ưu điểm là có thương hiệu và tính thanh khoản cao. Vì vậy, khi quy định mới được thực thi thì cái khó nhất của người dân địa phương chính là không thể tìm đâu ra chỗ giao dịch vàng miếng mỗi khi có nhu cầu muốn thanh toán, trao đổi.
Như vậy, mọi giao dịch mua bán vàng miếng bắt đầu tập trung vào các tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp được ngân hàng nhà nước cấp phép.
Huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long hiện có 2 điểm giao dịch mua bán vàng miếng. Đã hơn 2 tháng thực hiện chính sách mua bán vàng miếng, nhưng tình hình chung lượt khách giao dịch khá trầm lắng, lượng khách đến bán ra nhiều hơn mua vào. Tuy nhiên, do tính an toàn trong hoạt động, 2 đơn vị này cũng chỉ thu mua vàng miếng 2 thương hiệu là SJC và PNJ. Đặc biệt là chỉ thu mua đối với vàng miếng qua khâu kiểm định của nhân viên . Còn lại các loại bị cong vênh, xì bao, móp góc thì sẽ được tư vấn để khách hàng chuyển sang giao dịch trực tiếp với chi nhánh của công ty SJC hoặc PNJ.
Thêm vào đó, nhiều ngân hàng chưa chuyên nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh vàng. Vì vậy khi áp dụng chính sách mới này, họ cần có một thời gian để chuẩn bị cho khâu hậu cần như: Nguồn vàng, kho quỹ, trang thiết bị, con người.. v..v…Trong khi, nhu cầu giao dịch của người dân thì không thể chờ đợi.
Mục tiêu chính của nghị định 24 là bình ổn thị trường vàng, tiến tới rút ngắn khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ,và việc giới hạn kinh doanh vàng miếng cũng chính là một trong những lộ trình để ngân hàng nhà nước đạt được mục tiêu ấy. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi việc mua bán vàng miếng chỉ còn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thì thực tế lại phát sinh ra nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Đối với vàng miếng được bán ra, việc xuất hóa đơn bán hàng của mỗi ngân hàng mỗi khác nên càng tạo tâm lý không an toàn khi mua vàng cho người dân. Còn người đang sở hữu vàng miếng thì vô cùng vất vả, muốn bán mà không bán được nên tiếp tục tích trữ trong tâm trạng lo lắng.
Thực tế trên cho thấy, có rất nhiều vấn đề phát sinh từ chính việc quản lý và kinh doanh vàng miếng hiện nay. Mục tiêu chính của việc quản lý chính là lập lại trật tự kinh doanh vàng miếng và thị trường vàng. Tuy nhiên , thực tế những bất cập trong hệ thống ngân hàng trước mắt lại đang tạo ra nhiều khó khăn cho chính người dân đang sở hữu vàng, hầu hết xem vàng như là một món tài sản tích góp và khi giao dịch là có nhu cầu thật sự. Vì vậy, những khó khăn phát sinh, hầu hết lại tập trung vào người dân.
Ngày 12 tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước áp dụng đối với các tổ chức tín dụng , doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động mua, bán vàng miếng của Ngân hàng nhà nước. Thông tư có hiệu lực từ ngày 13 tháng 3 năm 2013, trong đó có sự thay đổi quan trọng so với dự thảo là Ngân hàng nhà nước có thể sẽ xem xét mua bán các loại vàng miếng khác ngoài thương hiệu SJC. Và sự ra đời của thông tư này đã chính thức khẳng định sự tham gia can thiệp của ngân hàng nhà nước vào thị trường vàng . Với sự kiện này, các đơn hàng gia công dập đúc vàng giữa Ngân hàng nhà nước và SJC sẽ sớm triển khai trên thực tế và góp phần tăng nguồn cung cho thị trường, nhanh chóng kéo giảm khoảng chênh giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Thời gian gần đây, thị trường vàng trầm lắng, người dân đã không còn mặn mà nhiều với diễn biến của giá vàng. Một số khác nếu muốn tích lũy thì chuyển sang mua vàng nhẫn như trước. Thói quen vào tiệm vàng mua bán thay vì vào ngân hàng vẫn chưa thay đổi.
Khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới từ mức đỉnh điểm hơn 5 triệu đồng 1 lượng hôm 21 tháng 2 nay đã đã rút ngắn chỉ còn hơn 3 triệu đồng 1 lượng nên có thể xem đây như là những tín hiệu tích cực trong quản lý kinh doanh vàng miếng.
Vấn đề còn lại chính là tiếp tục có những tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh từ thực tế, sao cho vừa quản lý được loại hàng hóa đặc biệt này vừa đảm bảo sự thuận lợi an toàn trong giao dịch và sở hữu vàng như là tài sản hợp pháp của người dân.
Kim Phụng