Quá trình mang thai, sự tăng trọng nhanh chóng của thai nhi và tăng cân ở người mẹ tạo áp lực lớn lên sàn chậu, gây giãn toàn bộ cấu trúc cơ, âm đạo… khiến phụ nữ mắc các bệnh lý sàn chậu, sa tạng chậu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong chương trình tư vấn trực tuyến “Dự phòng & điều trị bệnh lý sàn chậu – phụ khoa: Són tiểu, sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng” được phát sóng vào 10/4 vừa qua.
Các chuyên gia trong chương trình
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Giám đốc Trung tâm, cho biết, sàn chậu là khối cân cơ, dây chằng căng ra như tấm lưới lò xo từ trước ra sau khung xương chậu, nâng đỡ cho các cơ quan vùng bụng chậu như ruột, bàng quang, tử cung, trực tràng. Sàn chậu bình thường sẽ giúp các cơ quan này không sa ra khỏi cửa mình người phụ nữ và chức năng các cơ quan như sinh dục, đường tiểu dưới và tiêu hóa dưới hoạt động ổn định, đem lại cho chúng ta sự thoải mái trong mọi sinh hoạt, vận động và làm việc.
Phụ nữ với thiên chức làm mẹ, các yếu tố mang thai và sinh nở khiến nguy cơ mắc các bệnh lý sàn chậu, sa tạng chậu cao gấp 4 lần so với nam giới. Triệu chứng bệnh lý sàn chậu thường xuất hiện sớm, từ tuần thai 16-20. Quá trình mang thai trong 9 tháng, sự tăng trọng nhanh chóng của thai nhi trong tử cung và tạo áp lực lớn lên sàn chậu. Vào những tháng cuối thai kỳ, thai nhi chuyển xuống vùng khung xương chậu, làm nong giãn toàn bộ cấu trúc cơ, âm đạo. Quá trình sinh nở càng làm tăng áp lực, giãn nở âm đạo.
Bệnh lý sàn chậu có thể kéo dài sau sinh, dẫn đến các nhóm bệnh lý trải rộng 3 chuyên khoa gồm: Niệu khoa, Phụ khoa và Hậu môn trực tràng. Các bệnh lý cụ thể như rối loạn đi tiểu, són tiểu, rối loạn đại tiện, rối loạn tình dục, sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng… Đây là những bệnh lý khiến phụ nữ đau đớn, mất tự tin, ảnh hưởng đến sức khỏe, điều trị dai dẳng, tốn kém, suy giảm chất lượng cuộc sống. Những trường hợp nặng, khối sa gây đau đớn, trợt loét, chảy máu, nhiễm trùng, ứ nước trên thận gây suy thận.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi tại chương trình
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An cho hay, chị em phụ nữ nên kiểm tra các tổn thương trên sàn chậu ngay trong quá trình mang thai để kịp thời được chẩn đoán, điều trị đúng, tránh tình trạng nặng và các biến chứng.
Tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, các bác sĩ sẽ khám và đánh giá kỹ mức độ tổn thương cơ sàn chậu của các thai phụ, nhất là triệu chứng són tiểu trong thời gian mang thai hoặc sa trì nặng bụng dưới, để phát hiện tổn thương các cơ bên dưới và đánh giá mức độ. Thai phụ được hướng dẫn các bài tập hỗ trợ điều trị són tiểu rất sớm trong thai kỳ.
Sa sàn chậu có thể dẫn đến tình trạng són tiểu, giảm cảm giác khi quan hệ hoặc có thể gây táo bón sau sinh. Do đó, khoảng một tháng sau sinh, phụ nữ cần trở lại thăm khám sàn chậu để xác định mức độ tổn thương nhằm có bài tập phù hợp và đánh giá mức độ hồi phục của cơ sàn chậu. Thông thường, phụ nữ có thể tự kiểm tra sự phục hồi của cơ sàn chậu tại nhà nhưng mức độ chính xác không cao.
Theo thống kê, khoảng 30% phụ nữ gặp tình trạng són tiểu khi mang thai, sau đó sẽ thuyên giảm tự nhiên trong vòng 3 tháng sau sinh. Tuy nhiên, nếu những phụ nữ này không chủ động khám, chăm sóc sàn chậu sớm sau sinh thì sau một năm, các triệu chứng rối loạn đi tiểu sẽ quay trở lại. Hiện tại, cứ 3 phụ nữ đã từng sinh thì có một người bị són tiểu và sau 5 năm thì 90% trong số họ sẽ thành bệnh lý són tiểu thực sự.
Bên cạnh đó, đến 50 tuổi sẽ có 50% phụ nữ bị sa ít nhất một cơ quan vùng chậu như ruột, bàng quang, tử cung, trực tràng, và 70% phụ nữ trong số này bị sa phối hợp từ hai cơ quan trở lên khiến cho việc điều trị triệt để rất tốn kém và khó khăn gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần, chất lượng cuộc sống, gây mặc cảm, thiếu tự tin trong giao tiếp và công việc của người bệnh.
BS.CKI Trần Nguyễn Phương An tại chương trình
Bên cạnh thăm khám sớm, các bài tập trong thai kỳ dự phòng bệnh lý sàn chậu và phụ khoa, ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết sa tạng chậu được chia làm ba mức độ gồm: nhẹ, trung bình và nặng (độ 1 – độ 2 – độ 3 và độ 4). Độ 1 và độ 2 được điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật như tập vật lý trị liệu sàn chậu, đặt vòng nâng, đặc biệt là laser làm thu hẹp âm đạo và co rút khối sa vào phía trong, từ đó có thể điều trị, bảo tồn các cơ quan. Với những trường hợp độ 3 và độ 4 là tình trạng nặng, phương pháp phẫu thuật mang đến nhiều hiệu quả điều trị.
Điển hình như khối sa bàng quang độ 3 là mức độ nặng có thể gây biến chứng trên đường tiểu. Bệnh nhân không đi tiểu được có thể kèm theo tình trạng viêm mạn tính đường tiểu cũng như có thể bị hư thận, ứ nước. Tùy tình trạng và mức độ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng các phương pháp nội khoa đặt túi vòng nâng đẩy khối sa lên. Tỷ lệ thành công chỉ 40 – 50% nhưng nếu như không có hiệu quả, cần phải phẫu thuật điều trị. Với phương pháp phẫu thuật, bác sĩ sẽ khám, đánh giá tất cả các biến chứng của khối sa bàng quang để quyết định phẫu thuật ngay hoặc điều trị bớt biến chứng rồi tiến hành phẫu thuật nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.
ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Tâm tại chương trình
Tại Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khi chỉ định các phương pháp phẫu thuật, bác sĩ luôn tuân theo tiêu chí phục hồi cấu trúc treo nâng thay vì cắt bỏ (trừ khi người bệnh có bệnh lý kèm theo về tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, bệnh lý phụ khoa có chỉ định cắt bỏ các cơ quan đó). Phẫu thuật treo nâng giúp sàn chậu được cố định vững chắc, giảm nguy cơ tái phát sau mổ.
Phương pháp phẫu thuật nội soi là phương pháp phẫu thuật an toàn, không xâm lấn. Người bệnh có thể hồi phục nhanh. Bác sĩ sẽ treo nâng và đặt những lưới để nâng đỡ bàng quang, kéo cao lên, đưa bàng quang vào trong ổ bụng để giải phóng đường tiểu dưới. Người bệnh có thể đi tiểu bình thường. Phương pháp treo nâng này, bác sĩ sử dụng cấu trúc treo chắc nhất của cơ thể để giữ bàng quang về vị trí bình thường. Thông thường phẫu thuật nội soi, người bệnh chỉ nằm viện khoảng 2 ngày, tối đa 3 ngày là có thể xuất viện.
Hoài Thương