Hiện nay, Tổ chức y tế thế giới đang cảnh báo: “Bệnh lao đang quay trở lại”. Và Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ dân số mắc bệnh lao nhiều trên thế giới. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Vĩnh Long cũng nằm trong cảnh báo chung này. Trong khi đó hiện tại, vẫn còn rất ít người dân hiểu biết về sự nguy hiểm của bệnh lao. Vì vậy, việc tiến tới xóa lao trên phạm vi cả nước trong vài năm tới đây, xem ra vẫn còn nhiều khó khăn.
Lao phổi là thể nặng và dễ lây nhất trong các loại lao. Thủ phạm gây bệnh lao là trực khuẩn Koch. Đây là một loại khuẩn hình que, sinh sản nhanh và bền vững. Nó có thể sống vài tuần trong không khí và nước; khi bệnh nhân nhổ đờm xuống đất ẩm và nơi tối thì trực khuẩn lao vẫn tiếp tục tồn tại đến 2-3 tháng. Một bệnh nhân lao phổi mỗi ngày có thể ho khạc ra 1-7 tỷ trực khuẩn lao. Vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể khi ta hít thở không khí ô nhiễm (do người bệnh khạc nhổ, ho, hắt hơi), khi nói chuyện trực tiếp với người bệnh, khi dùng đồ ăn thức uống có lao. Có trường hợp vi khuẩn này được ruồi mang đến. Người mang khuẩn lao có thể vẫn khỏe mạnh nếu hệ miễn dịch tốt. Khi hệ miễn dịch suy giảm (như mắc cảm cúm, tiểu đường, bụi silic phổi, HIV/AIDS…) hoặc uống thuốc ức chế miễn dịch như corticoid, bệnh lao sẽ phát triển.
Theo tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam nằm trong danh sách 22 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới. xếp thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu. Mỗi năm Việt Nam có 61.000 ca lao phổi AFB dương tính là nguồn lây chính trong cộng đồng, và có khoảnghơn3.000 ca tử vong mỗi năm vì cănbệnh này. Theo báo cáo của chương trình Phòng chống lao quốc gia, hiện tại bệnh lao ở Việt Nam đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nhân lực và kinh tế của gia đình và xã hội. Đáng lo ngại nhất là sự gia tăng tỷ lệ lao ở nhóm tuổi thanh thiếu niên.
Tỉnh Vĩnh Long cũng như những địa phương khác trong cả nước, từ việc khám thử đàm tầm soát phát hiện bệnh lao, cho đến khâu thăm khám, theo dõi, cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân hết hẳn căn bệnh này, đều hòan toàn miễn phí. Đó là một thuận lợi rất lớn trong công tác phòng chống lao hiện nay. Bên cạnh đó, trong những năm qua, chương trình phòng chống lao luôn được sự quan tâm của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể, sự chỉ đạo sâu sát của ngành y tế, nhưng hiện tại, vẫn chưa thể khống chế sự gia tăng của căn bệnh này.
Bỏ trị, không tuân thủ lịch điều trị của bệnh nhân chính là những nguyên nhân dẫn đến tình hình lao kháng thuốc đang ngày càng gia tăng trên điạ bàn tỉnh Vĩnh Long nói riêng, và cả nước nói chung. Thông thường, quá trình điều trị lao kéo dài từ 6-8 tháng, nhưng do ngại uống thuốc,hoặc điều trị một thời gian thấy hết ho, bệnh nhân tưởng khỏi nên dừng uống thuốc, mà không hề biết rằng vi khuẩn lao vẫn đang tồn tại và phát triển trong cơ thể họ. Mặt khác, sự thiếu hụt về nhân lực trong công tác chống lao và quản lý bệnh nhân lao, do nguy cơ lây nhiễm cao, thu nhập thấp, kỳ thị xã hội, ngành chức năng lại không quản lý được thuốc chống lao trôi nổi trên thị trường, cũng như người dân vẫn còn thói quen tự chữa bệnh mà không cần thầy thuốc… đã làm cho tình hình lao kháng thuốc gia tăng đến mức báo động trong thời gian qua.
Tổ chức y tế thế giới và Hiệp hội bệnh lao và bệnh phổi thế giới đã nêu phương châm "Thà không chữa bệnh lao còn hơn là chữa không đúng". Vì một khi bị lao kháng thuốc, thì việc điều trị sẽ trở nên nhiêu khê hơn rất nhiều. Hiện tại các địa phương luôn gặp nhiều khó khăn trong việc chữa trị lao kháng thuốc.
Tại khu vực phía Nam, chỉ có hai bệnh viện là Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, và Bệnh viện lao và bệnh phổi Cần Thơ mới có chuyên khoa chữa trị lao kháng thuốc. Chi phí chữa trị khá cao, và phải do tự bệnh nhân bỏ tiền ra chữa trị. Tác dụng phụ của thuốc rất nặng nề, khiến cho nhiều bệnh nhân không chịu nổi, phải bỏ cuộc. Theo ước tính, mỗi năm nước ta có khoảng 3.000 ca lao kháng thuốc mới. Con số này nếu không được chữa trị và quản lý tốt sẽ là nguồn lây dai dẳng, nguy hiểm trong cộng đồng. Bởi ca mắc mới lây nhiễm từ bệnh nhân lao kháng thuốc cũng sẽ là bệnh nhân bị lao kháng thuốc.
Hiện tại, theo Trung tâm phòng chống bệnh XH tỉnh Vĩnh Long cho biết, số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc rất nhiều. Theo thống kê dịch tễ học, trên điạ bàn tỉnh, mỗi năm trung bình có ít nhất 50 ca lao kháng thuốc mới. Thế nhưng tỉnh không thể quản lý được nhóm bệnh này. Đa số những ca lao kháng thuốc trên điạ bàn tỉnh ít tìm đến tuyến trên để chữa trị, hoặc chữa trị cũng không đến nơi đến chốn. Ý thức tự phòng tránh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng ở nhóm bệnh này vẫn còn nhiều điều cần bàn.
Lao là một căn bệnh nguy hiểm, sự lây lan lại khó kiểm soát. Đối với việc phòng chống căn bệnh này lại phụ thuộc nhiều nhất vào chính ý thức của bệnh nhân đối với người thân và những người xung quanh mình. Trước nhất người bệnh cần phải tuân thủ việc điều trị đến nơi đến chốn, thứ hai người bệnh phải thực hiện tốt việc tránh lây nhiễm trong cộng đồng.
Bệnh lao nói chung và lao phổi nói riêng có đặc điểm là vi khuẩn gây bệnh rất nguy hại và có thể kháng thuốc. Nếu không được điều trị bài bản và dứt điểm thì vi khuẩn sẽ kháng thuốc ngay và chúng ta ít có cơ hội khỏi bệnh. Trước sự nguy hiểm đó, chúng ta cần biết phát hiện sớm bệnh lao và điều trị kịp thời. Một trong những dấu hiệu giúp chúng ta dễ dàng nhận ra khả năng bị bệnh lao là:
– Ho.Ho dai dẳng, ho mãi mà không hết. Ho mà không có triệu chứng như đau rát họng, chảy mũi, ngạt mũi. Ho nặng về sáng và chiều tối.
– Sốt. Sốt do lao ít khi sốt cao. Thường sốt nhẹ, dai dẳng và diễn ra vào chiều tối. Sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Tức là đã dùng thuốc hạ sốt vài ngày cho đến 1 tuần nhưng không thuyên giảm.
– Sụt cân. Người bị bệnh lao có đặc điểm là mệt mỏi, ăn kém lại do rối loạn quá trình trao đổi khí ở phổi nên bị gầy sút cân. Gầy sút cân do lao diễn ra từ từ, vài tuần cho đến vài tháng. Đi kèm là hiện tượng gầy yếu và da xanh.
– Khạc đờm. Khạc đờm thường là ra đờm đặc và khó khạc. Không giống những bệnh phổi khác, đờm do lao thường đặc, hay xuất hiện vào sáng sớm và có thể có vết máu cũ. Do chảy máu hoặc do rối loạn đông máu.
Khi đã có chẩn đoán bị bệnh lao phổi, bệnh nhân cần tiến hành điều trị lao ngay, càng sớm càng tốt. Trong điều trị lao có 4 nguyên tắc cần nhớ: đủ thuốc, đủ liều, đủ thời gian và liên tục. Chúng ta tuyệt đối không được ngắt quãng dù chỉ 1 ngày. Vì đó là khoảng thời gian mà vi khuẩn lao hồi phục và tấn công trở lại.
Điều trị lao được thực hiện ở tất cả các bệnh viện đa khoa, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện khu vực và bệnh viện tuyến trung ương. Thuốc điều trị lao hoàn toàn được nhà nước cấp miễn phí. Thuốc điều trị lao và phác đồ điều trị là thống nhất sử dụng chung trên toàn quốc. Cho nên chúng ta không nên quan niệm cứ phải tuyến trung ương điều trị thì mới khỏi bệnh lao. Tất cả mọi nơi đều như nhau, hơn nhau chính là ở việc điều trị có tuân thủ nguyên tắc đối với căn bệnh này hay không. Theo kinh nghiệm thực tế của những người chữa khỏi lao hoàn toàn cho biết: chỉ có những cơ sở quản lý bệnh nhân ở địa phương mới theo dõi và đôn đốc bệnh nhân theo đuổi việc điều trị một cách khoa học và nghiêm ngặt nhất. Đó cũng là lý do mà ngành y tế luôn đưa ra lời khuyến cáo: là bệnh nhân lao không nên tự ý điều trị hoặc đến các cơ sở y tế tư nhân để điều trị.
Trước và trong khi điều trị lao, bệnh nhân phải thực hiện vệ sinh phòng bệnh. Đeo khẩu trang, dùng riêng dụng cụ sinh hoạt và giữ sạch sẽ, khô thoáng nhà ở, không khạc nhổ đàm bừa bãi. Đó là những công việc tối thiểu nhất bắt buộc bệnh nhân phải tuân thủ.
Bản thân mỗi người dân cũng cần phải nâng cao hơn nữa sự hiểu biết về bệnh lao và những biện pháp phòng chống. Chúng ta cần nâng cao sức đề kháng, luyện tập thể lực thường xuyên. Cần cho trẻ sơ sinh tiêm ngừa lao trong 12 giờ đầu sau sinh. Ngành y tế cũng đã khẳng định muốn thanh toán bệnh lao vào năm 2020, thì phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và hành vi của cả cộng đồng.
Ngọc Hoa