Viêm xoang từng được xem là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi, nhưng ngày nay với nhiều phác đồ, kỹ thuật tiến bộ, bệnh hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm, tránh tái phát.
Thông tin trên vừa được chia sẻ trong chương trình giao lưu trực tuyến “Viêm xoang: Điều trị tận gốc, hiệu quả lâu dài” tối ngày 29/8/2023, do Đài truyền hình Vĩnh Long và Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp tổ chức. Chương trình có sự tư vấn của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực Tai Mũi Họng: PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn Khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Cố vấn chuyên môn Trung tâm Tai Mũi Họng, BVĐK Tâm Anh TP.HCM.
Trong 120 phút diễn ra chương trình đã có hàng chục ngàn người theo dõi cũng như hàng trăm câu hỏi được gửi tới các chuyên gia. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây
Các chuyên gia tư vấn trong chương trình
PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy cho biết, viêm xoang là tình trạng niêm mạc xoang cạnh mũi bị viêm, sưng lên, gây tăng nghẽn các lỗ thông, làm tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong. Khi xoang chứa đầy dịch nhầy sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, từ đó tiến triển thành nhiễm trùng.
Hầu hết trường hợp viêm xoang gây ra những cơn đau ở trán, hai bên mũi, hàm trên hoặc giữa hai mắt, đau đầu thoáng qua, sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, ho kéo dài về đêm, khàn giọng. Ngoài ra, người bệnh có thể sốt, đau tai, đau răng, sưng vùng mặt, hôi miệng, mệt mỏi. Đôi khi bệnh không bộc lộ triệu chứng điển hình, nhiều người phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng. Viêm xoang thường gặp ở 5 dạng: xoang trán, xoang sàng, xoang bướm, xoang hàm trên và viêm đa xoang.
Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus, vi khuẩn, nấm, thường xuyên tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá. Người có cơ địa dị ứng, bất thường giải phẫu vùng mũi xoang, polyp mũi, nhiễm trùng răng nướu, hệ miễn dịch suy yếu, thói quen bơi hoặc lặn hồ bơi quá lâu, tần suất đi máy bay dày đặc,… cũng có nguy cơ mắc bệnh.
“Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách, viêm xoang có thể tiến triển nặng thành mạn tính, gây những biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng ổ mắt, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, áp-xe não, viêm màng não… nguy hiểm tính mạng”, PGS Trần Phan Chung Thủy nhấn mạnh.
PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy chia sẻ nhiều biến chứng nguy hiểm do viêm xoang
Theo PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, viêm xoang có thể được chẩn đoán qua khai thác yếu tố nguy cơ, triệu chứng lâm sàng, bệnh sử của người bệnh, kết hợp xét nghiệm máu, nuôi cấy dịch hút nội soi và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Thông thường, nội soi tai mũi họng có thể thấy rõ dịch tiết chảy ra từ các khe mũi xoang, niêm mạc mũi xoang phù nề, viêm đỏ. Một vài trường hợp khó chẩn đoán hoặc cần khảo sát trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định chụp cắt lớp vi tính để phát hiện bất thường giải phẫu vùng mũi xoang, đánh giá xương, mô mềm, răng. Chụp cộng hưởng từ được sử dụng khi cần xác định mức độ biến chứng trong các trường viêm xoang lan đến nội sọ.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nội soi tai mũi họng ống cứng và ống mềm được sử dụng linh hoạt trong chẩn đoán các bệnh lý mũi xoang. Trong đó, nội soi ống mềm nổi bật với nhiều ưu điểm: ít đau, giảm thiểu tối đa nguy cơ chảy máu, có thể vào sâu các ngách xoang để phát hiện tình trạng phù nề, ứ dịch trong hốc xoang, giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Nếu như trước đây, viêm xoang được xem là bệnh lý mạn tính thì ngày nay, với sự hỗ trợ của nhiều phương tiện như thuốc chất lượng cao, máy móc và kỹ thuật can thiệp phẫu thuật hiện đại, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh, bệnh nhân viêm xoang được phân loại bệnh cụ thể, chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh chính xác và điều trị cá thể hóa, nhờ đó tình trạng viêm xoang được điều trị tận gốc, triệt để. Tùy vào tình trạng và mức độ viêm, người bệnh có thể được điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật.
Theo PGS Lê Minh Kỳ, phẫu thuật nội soi mũi xoang là phương pháp điều trị ít xâm lấn, hiệu quả, giúp người bệnh phục hồi tốt nhất hiện nay, hiện đang được áp dụng thường quy tại hệ thống BVĐK Tâm Anh. Kỹ thuật này thường được chỉ định trong các trường hợp viêm xoang mạn tính (kéo dài trên 12 tuần), viêm mũi xoang cấp tính phức tạp có biến chứng nền sọ, điều trị bệnh lý quanh hốc mắt qua mũi để giải áp hốc mắt và ống thị giác.
PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ chia sẻ nhiều phương pháp điều trị triệt để bệnh viêm xoang
Tại chương trình, hàng ngàn khán giả đã gửi câu hỏi đến các chuyên gia nhờ giải đáp. Trả lời thắc mắc của khán giả về việc sử dụng thuốc xịt, nhỏ mũi để điều trị viêm xoang, PGS Trần Phan Chung Thủy lưu ý, đây không phải là phương pháp điều trị do không tác dụng lên nguyên nhân gây viêm xoang. Các loại thuốc này giúp co mạch, chỉ có tác dụng giúp mũi thông thoáng khi sử dụng. Tuy nhiên khi hết thuốc có thể bị phản ứng ngược, khiến niêm mạc mũi xoang phình to hơn, gây khó thở. Nếu dùng liên tục lâu ngày dễ bị phụ thuộc thuốc, không chỉ gây khó khăn trong điều trị mà còn gây nhiều biến chứng nặng. Y văn đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân viêm xoang bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc xịt, nhỏ mũi chứa corticoid.
Tương tự, người dân nên cẩn trọng khi sử dụng các phương pháp điều trị viêm xoang lưu truyền trong dân gian như nhỏ nước ép tỏi, cỏ ngũ sắc vào mũi, hít khói san hô đen… do chưa có chứng minh khoa học về tính hiệu quả. Ngoài ra, nhỏ các dung dịch này vào mũi có thể gây tổn thương niêm mạc, ảnh hưởng dây thần kinh khứu giác, gây mất khả năng cảm nhận mùi. Việc xông mũi họng bằng các loại tinh dầu cần lưu ý không sử dụng tinh dầu có nồng độ đậm đặc hoặc xông hơi không quá nóng để không gây tổn thương niêm mạc mũi. Ngoài ra, trẻ em dưới 2 tuổi, người mẫn cảm với tinh dầu cần tránh sử dụng do có thể gây co thắt phế quản.
Một khán giả đặt câu hỏi “viêm xoang có phẫu thuật nâng mũi được không? Sau khi nâng mũi có nên phẫu thuật xoang không?”. PGS Thủy cho hay, nâng mũi chỉ đặt sống mũi ở ngoài tháp mũi, không liên quan đến cấu trúc trong hốc mũi, khe mũi, cuống mũi nên không ảnh hưởng đến việc phẫu thuật mũi xoang. Người đã nâng mũi vẫn có thể phẫu thuật mũi xoang mà không cần tháo sụn mũi.
Giải đáp thắc mắc của khán giả về việc viêm xoang lâu ngày có gây ung thư không, PGS Kỳ cho rằng, chưa có cơ sở khẳng định 2 bệnh lý này có liên quan. Thực tế ung thư mũi xoang và viêm xoang dễ nhầm lẫn. Khối u xong mũi xoang có thể làm xuất hiện triệu chứng viêm xoang, khiến người bệnh nhầm tưởng là viêm xoang. Đây có thể là u lành tính, giống polyp hoặc có thể là u ác tính. Khi biểu hiện viêm xoang xuất hiện một bên, đặc biệt là chảy máu mũi một bên, người bệnh cần thăm khám kỹ do đó có thể là dấu hiệu khối u bị che lấp bởi các triệu chứng của viêm xoang.
Các chuyên gia khuyến cáo, để đề phòng mắc bệnh viêm xoang, mọi người nên chú ý phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên: giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với người ốm, vệ sinh tay thường xuyên; tránh xa môi trường khói thuốc và không khí ô nhiễm, chú ý độ ẩm trong không gian sống, thường xuyên vệ sinh máy tạo ẩm để tránh nấm mốc sinh sôi. Chủ động thăm khám sức khỏe 6 tháng đến 1 năm một lần cũng là cách giúp tầm soát và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Trịnh Mai