Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, gọi tắt là PCI 2012, có sự đột phá từ các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Riêng tỉnh Vĩnh Long xếp hạng 5 cả nước và hạng 2 trong khu vực các tỉnh ĐBSCL. Nhiều chỉ số thành phần của Vĩnh Long xếp thứ hạng cao so với các tỉnh trong vùng. Qua đó thể hiện sự nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hợp tác cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam , công bố trung tuần tháng 3 vừa qua. Đây là kết quả khảo sát từ hơn 8 ngàn doanh nghiệp dân doanh trong nước về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh trong năm của 63 tỉnh, thành phố trong nước. Năm 2012 Đồng Tháp là tỉnh dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Ngoài Đồng Tháp, ĐBSCL có 5 tỉnh khác nằm trong top 10 là An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu và Trà Vinh. Tuy nhiên, bảng điểm của các tỉnh năm nay đều giảm, khi không có tỉnh nào vượt ngưỡng rất tốt, tức 65 điểm, mức điểm mà một số tỉnh đã đạt được trong các năm trước.
Riêng Vĩnh Long, từ thứ hạng 54 cả nước với 54,1 điểm hồi năm 2011, đã có sự nhảy vọt lên hạng 5 với số điểm 62,97 điểm. Tuy thứ hạng bằng năm 2009, nhưng điểm số của tỉnh Vĩnh Long đã sụt giảm 4,27 điểm. Đây cũng là tình trạng chung của các tỉnh ĐBSCL năm nay khi là vị trí quán quân của Đồng Tháp cũng chỉ đạt 63,79 điểm.
Trong số các tỉnh ĐBSCL có sự bứt phá mạnh so với năm 2011 thì thành tích của Vĩnh Long cao nhất khi vượt 49 bậc. Các tỉnh khác như: Trà Vinh vượt 34 bậc, Bạc Liêu và Hậu Giang vượt 32 bậc, Kiên Giang vượt 22 bậc và An Giang vượt 17 bậc. Những bước nhảy vọt này đã phản ánh một thực tế là các tỉnh thành trong vùng, đặc biệt là Vĩnh Long đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua. Năm nay khoảng cách giữa các tỉnh nhóm trên với các tỉnh nhóm dưới đang thu hẹp dần.
Trong số 9 chỉ số thành phần gồm: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động tiên phong lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý thì chỉ số đào tạo lao động của Vĩnh Long xếp hạng nhất so các tỉnh trong vùng.
Thực tế cho thấy, Vĩnh Long là tỉnh có thế mạnh trong lĩnh vực đào tạo khi có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng và 2 trường trung cấp nghề. Ở trường Trung cấp nghề Vĩnh Long, năm qua lượng học sinh theo học vượt cả chỉ tiêu đào tạo. Nhờ được sự đầu tư của tỉnh và trung ương nên học sinh theo học được hỗ trợ 2/ 3 học phí. Trong số 7 ngành nghề của trường thì có 3 nghề trọng điểm được Bộ lao động thương binh và xã hội đầu tư, gồm: điện dân dụng, kỹ thuật máy nông nghiệp và điều khiển phương tiện thủy nội địa. Với chương trình đào tạo, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất hiện có, trường đang thực hiện đề án nâng cấp thành trường Cao đẳng nghề vào cuối năm nay.
Trong số các tỉnh khu vực ĐBSCL, Vĩnh Long có 2 chỉ số xếp hạng nhì là tính năng động tiên phong của lãnh đạo tỉnh và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin xếp 10/ 11 tỉnh trong vùng. Kết quả này khẳng định sự nỗ lực điều hành của các cấp chính quyền trong tỉnh nhưng vẫn còn phải có sự phấn đấu tiếp trong thời gian tới.
Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, tâm lý bi quan của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tăng khi chỉ còn 33% doanh nghiệp được điều tra cho biết có lạc quan về môi trường đầu tư. Đây là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay vì trước khi Việt Nam gia nhập WTO, tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan về môi trường đầu tư chiếm đến 76%. Do vậy, doanh nghiệp cần nhiều hơn những dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền địa phương.
Kết quả PCI 2012 cho thấy còn nhiều gam màu xám khi doanh nghiệp thừa nhận đã phải trả hoa hồng cho cơ quan nhà nước để giành được hợp đồng. Riêng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, chỉ số tính minh bạch và thiết chế pháp lý lại không được doanh nghiệp đánh giá cao thể hiện qua điểm số năm nay giảm hơn so với năm trước. Điều này cho thấy tỉnh cần phải tiếp tục có những chương trình cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Đây cũng nhằm động viên và tạo dựng lại lòng tin của doanh nghiệp khi bối cảnh sản xuất kinh doanh năm nay vẫn còn nhiều khó khăn.
Quốc Dũng