Ảnh minh họa |
Có được thành tích trên là nhờ bà con nông dân áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chọn giống chất lượng cao, đa dạng hóa và bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý. Từ đó đã khai thác tốt tiềm năng đất đai, thế mạnh sẵn có. Nổi bật nhất trong số những thành tựu đó vẫn là thành tựu sản xuất lúa. Tuy năm qua có gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh xuất hiện gây hại ở nhiều địa phương, nhưng năng suất và sản lượng lúa cả năm của tỉnh vẫn đạt trên 910.000 tấn. Thành quả này có sự đóng góp tích cực của công tác thủy lợi, việc chuyển giao kỹ thuật canh tác tiến bộ, xây dựng lịch thời vụ sản xuất lúa hợp lý và phòng ngừa tốt các đối tượng dịch hại. Hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 80% diện tích đất trồng lúa sử dụng giống lúa đạt chất lượng. Các kỹ thuật sản xuất, như quản lý dịch hại tổng hợp IPM, chương trình 3 giảm – 3 tăng đã được áp dụng ngày càng nhiều. Nhờ đó, vừa tiết giảm được chi phí sản xuất, vừa nâng cao được năng suất, chất lượng và giá trị hạt lúa, góp phần nâng cao lợi nhuận cho người nông dân.
Trên lĩnh vực kinh tế vườn, năm 2009, toàn tỉnh trồng mới được gần 900 ha vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, nâng diện tích vườn cả tỉnh hiện nay lên 46.200 ha. Tuy nhiên, trong năm, dịch bệnh trên cây ăn trái cũng hoành hành dữ dội, nhất là bệnh vàng lá trên cây có múi, bệnh chổi rồng trên nhãn và thán thư trên sầu riêng. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp phòng trị và khắc phục bằng nhiều chương trình, như chuyển giao kỷ thuật canh tác tiến bộ, khuyến khích sử dụng cây giống sạch bệnh, qui hoạch vùng sản xuất… Nhờ vậy, kinh tế vườn của tỉnh vẫn phát triển ổn định với sản lượng mỗi năm gần 500.000 tấn trái cây các loại.
Năm qua, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục được thực hiện, diện tích rau màu tăng nhanh. Toàn tỉnh gieo trồng trên 32.200 ha, trong đó, có gần 12.000 ha trồng trên đất ruộng luân canh với lúa. Một số địa phương đã hình thành nên những vùng chuyên canh rau màu tập trung như ở Bình Tân, Long Hồ và cho thu nhập khá cao – trên 70 triệu đồng/ha/năm. Đáng ghi nhận trên lĩnh vực này là đã hình thành nên các tổ hợp tác sản xuất, HTX sản xuất rau theo hướng an toàn, có sự liên kết với các doanh nghiệp chế biến để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân…
Tuy vậy, để cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định và bền vững hơn, ngành Nông nghiệp Vĩnh Long cần tập trung đột phá mạnh hơn trong sản xuất. Trong đó, cần chú trọng đến chất lượng giống, chuyển giao sản xuất theo hướng công nghệ cao, đẩy mạnh hợp tác sản xuất, xây dựng thương hiệu cho nông sản và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định.
Quốc Chiến