Xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) – quê hương của chị Út Tịch anh hùng – thuở nào còn nghèo, thiếu thốn đủ thứ, giờ đã trở thành xã của những tỷ phú với nghề trồng cam sành nổi tiếng.  Cuộc sống người dân đi lên, bộ mặt Tam Ngãi cũng có nhiều đổi thay.

Trên con đường nhựa từ thị trấn Cầu Kè, chỉ mất 15 phút chạy xe, chúng tôi đã tới được xã Tam Ngãi. Trung tâm xã giờ đã được đầu tư xây dựng mới hoàn chỉnh với trường học, trạm xá, bưu điện, nhà văn hoá… khang trang. 



Mô hình trồng cam sành cho hiệu quả kinh tế kinh tế cao ở Tam Ngãi. 

 

Có đường, có điện, có nước sạch…

Ông Võ Hoàng Lé – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tam Ngãi cho biết: "20 năm trước, nơi đây đồng không mông quạnh, đường sá sình lầy, lau sậy um tùm. Bây giờ điện, đường, trường, trạm đã đủ đầy. Ở trạm y tế xã đã có bác sĩ, trẻ em đến tuổi đều được cắp sách đến trường, nhà tường được xây mới rất nhiều, hầu như nhà nào cũng có xe gắn máy và nhiều tiện nghi sinh hoạt gia đình".

Mấy năm gần đây, bằng nguồn đầu tư của huyện cùng sự đóng góp của người dân, cũng như các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… nên hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi xã hội của Tam Ngãi đã được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới.

Ấn tượng lớn nhất khi đến xã vùng sâu này là hơn 10km đường giao thông đều được tráng nhựa, đổ bê tông nên việc đi lại thật dễ dàng. Những chiếc cầu tre lắt lẻo trước đây được thay vào đó bằng những chiếc cầu bê tông kiên cố.

Chỉ riêng năm 2010, Tam Ngãi đã tu sửa trên 2,1km đường bê tông, nghiệm thu đưa vào sử dụng 3 cầu bê tông mới, bơm cát nâng cấp 10 tuyến đường dài gần 7km và nâng cấp 5 tuyến đê trọng yếu, nạo vét 6 tuyến kinh thuỷ lợi…

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, việc chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân được Tam Ngãi quan tâm đặc biệt. Hiện xã đã có trường mẫu giáo, 3 điểm trường tiểu học, 1 trường THCS. Phần đông các gia đình trong xã rất chú trọng đến chuyện học hành của con em.

Thể hiện cụ thể là đến nay Tam Ngãi đã có hơn 10 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ và hơn 300 sinh viên đang học các trường đại học, cao đẳng… Người dân Tam Ngãi cũng đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Hiện toàn xã có 2.880 hộ có điện sinh hoạt, chiếm 96% tổng số hộ. Bên cạnh đó, 95% hộ được sử dụng nước sạch.

Theo báo cáo của xã, thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 6 triệu đồng (năm 2005) lên 11 triệu đồng/người vào năm 2010.

"Phất" lên từ cam sành

Nếu 10 năm trước, Tam Ngãi nổi danh về sản xuất trái măng cụt hay bưởi Năm Roi, thì bây giờ Tam Ngãi chuyển sang hướng đi mới là trồng cam sành. Với nghề mới, nhiều hộ đã trở thành tỷ phú.

 Nơi đây là vùng đất mới rất thích hợp với cây có múi, đặc biệt là cam sành. Cam sành Tam Ngãi cho năng suất từ 4 – 5 tấn/công, có thị trường tiêu thụ khá ổn định, giá 20.000 – 33.000 đồng/kg.

Ông Trần Ngọc Lợi – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Ngãi Nhì cho biết: "Cả ấp có 236 hộ, thì đến 99% hộ trồng cam và cây cam trở thành nguồn thu nhập chính của các hộ dân. Điển hình như ông Võ Văn Công, mỗi năm thu vào 600 triệu đồng từ bán cam, ông Nguyễn Văn Lẫm và em trai là Nguyễn Văn Giàu mỗi năm hốt bạc tỷ cũng từ cam… Ông Nguyễn Văn Mười Một trồng 16 công cam, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm".

Ông Tống Tấn Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi, cho biết: "Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, đến nay diện tích trồng cam sành trong xã lên đến 950ha trong tổng diện tích vườn cây ăn trái 1.358ha của xã. Đã có 540 hộ có mức thu nhập trên 50 triệu đồng/ha, 365 nhà vườn thu nhập trên 100 triệu đồng/ha".

Cá biệt có 4 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm như ông Nguyễn Bá Điệu ấp Ngãi Nhì; Huỳnh Văn Lẫm ấp Bưng Lớn; Trần Văn Bài và Võ Văn Ánh ấp Ngãi Nhất". 

Theo Phương Nghi (Dân Việt)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *