Nắng nóng gay gắt kèm các cơn mưa rải rác tăng nguy cơ bị sốc nhiệt, say nắng, mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa như ho gà, lao, viêm gan… Tiêm đầy đủ vắc xin cho trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ đầu đời là cách chăm sóc sức khỏe chủ động và tốt nhất mà các phụ huynh cần lưu ý thực hiện đủ và đúng.
Với mong muốn cập nhật diễn biến và lưu ý phòng bệnh quan trọng cho trẻ mùa nắng nóng, vào tối 3/5 vừa qua, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC phối hợp cùng Đài Truyền hình Vĩnh Long thực hiện Chương trình Tư vấn: “Ho gà, Viêm gan, Lao và vắc xin cho trẻ mùa nắng nóng”.
Chương trình tư vấn “Ho gà, Viêm gan, Lao và vắc xin cho trẻ mùa nắng nóng” nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm gồm BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, chuyên viên Y khoa và BS Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Trong vòng 2 tiếng diễn ra, chương trình đã thu hút hàng chục ngàn người theo dõi và gửi câu hỏi đến các chuyên gia. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây
Mở đầu chương trình, các chuyên gia đã cập nhật tình hình các bệnh truyền nhiễm như ho gà, sởi, viêm màng não, tiêu chảy cấp, viêm phổi, cúm… đang gia tăng trong nước và khu vực.
Tiêu biểu từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 130 ca mắc ho gà, tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đa số các ca bệnh rơi vào những trẻ chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đầy đủ. Trẻ càng nhỏ mắc bệnh ho gà càng nặng. Bệnh có triệu chứng khởi đầu không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho nên dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp thông thường khác.
Hiện nhiều quốc gia ở châu Á cũng ghi nhận số ca mắc và tử vong do ho gà tăng mạnh như Philippines và Trung Quốc. Chẳng hạn chỉ trong 3 tháng đầu năm, Trung Quốc báo cáo hơn 32.000 ca nhiễm, 13 trường hợp tử vong, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023 (1.400 ca mắc).
Theo các chuyên gia, thời tiết nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao gây suy giảm sức đề kháng của con người, đặc biệt là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, khiến trẻ dễ mắc bệnh.
“Khác với khi còn trong bào thai, sau khi chào đời, trẻ phải tiếp xúc nhiều hơn với môi trường bên ngoài trong khi hệ miễn dịch còn non nớt, kháng thể từ mẹ truyền sang qua cuống rốn và sữa mẹ suy giảm theo thời gian nên nguy cơ mắc bệnh cũng tăng theo. Đối với trẻ sơ sinh, tổng lượng nước chiếm khoảng 75 – 80% cơ thể nên thời tiết nắng nóng, trẻ rất dễ mất nước và sốc nhiệt. Bên cạnh đó, các cơ quan hô hấp và đường thở của trẻ cũng hẹp hơn so với người lớn nên nếu mắc các bệnh truyền nhiễm dễ biến chứng nặng, nhập viện kéo dài, ảnh hưởng trí tuệ, thể chất về sau”, bác sĩ Phương lý giải.
Để phòng bệnh ho gà, BS Phương lưu ý tiêm đầy đủ vắc xin khi đến lịch là biện pháp tốt nhất để tạo lá chắn miễn dịch cho trẻ. Vắc xin ho gà có ở các loại vắc xin phối hợp (6 trong 1, 5 trong 1, 4 trong 1, 3 trong 1) được khuyến cáo tiêm ở chương trình tiêm chủng dịch vụ hoặc mở rộng (chỉ có vắc xin 5 trong 1). Bên cạnh đó, các mẹ bầu khi mang thai cũng cần tiêm vắc xin để truyền kháng thể bảo vệ bé trong những tháng đầu đời. Ngoài ra, trẻ lớn, người lớn cũng là đối tượng rất dễ mang mầm bệnh ho gà và trở thành nguồn lây cho trẻ nhỏ trong gia đình nên cần tiêm chủng đầy đủ.
Bác sĩ Phương lưu ý trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc bệnh khi thời tiết nắng nóng kèm mưa dông.
Bên cạnh ho gà, lao cũng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp, lây qua đường hô hấp cực kỳ nguy hiểm cho trẻ trong năm đầu đời. BS Trúc Phương cho biết thống kê cho thấy, khoảng 1 triệu trẻ nhiễm lao mới trong vòng 1 năm, trong đó khoảng 200.000 trẻ tử vong. Việt Nam thuộc top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh Lao và Lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Do đó, trẻ cần tiêm vắc xin lao trong vòng 24 giờ sau sinh.
Lao chia làm 4 thể phổ biến, gồm lao sơ nhiễm (trẻ có hệ miễn dịch khỏe có thể tự hết sau đó); lao kê; lao màng não và lao phổi/màng phổi, lao ngoài phổi, lao cột sống, lao ruột, lao màng tim… Trẻ em, đặc biệt dưới 5 tuổi chưa từng tiêm vắc xin lao sẽ bị lao phơi nhiễm, nếu không điều trị kịp thời có thể diễn tiến thành lao phổi (chiếm 80%), lao ngoài phổi (chiếm 30-40%).
“Tiêm vắc xin lao không phải phòng ngừa chống nhiễm lao, mà là cách ngừa nhiễm lao sơ nhiễm và thứ phát. Hiệu quả của vắc xin lao lên đến 80%, ngừa các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt hiệu lực ngừa bệnh lao lên đến 15 năm. Tiêm vắc xin lao không có sẹo vẫn đảm bảo miễn dịch, các phụ huynh không cần quá lo lắng”, BS Phương cho biết.
Theo BS Tấn, nhằm bảo vệ sức khỏe trẻ trong những ngày tháng đầu đời, Hệ thống tiêm chủng VNVC đang dành tặng miễn phí mũi tiêm vắc xin lao cho trẻ tại 175 trung tâm trên toàn quốc. Ngoài miễn phí vắc xin lao, tất cả khách hàng đều được miễn phí khám sàng lọc trước tiêm, tin nhắn nhắc lịch tiêm, lưu giữ lịch sử tiêm, miễn phí bảo quản vắc xin trong hệ thống kho lạnh đạt chuẩn quốc tế, miễn phí các tiện ích khác như giữ xe, bỉm tã đủ kích cỡ…
Theo bác sĩ Tấn, tiêm vắc xin đầy đủ là “món quà sức khỏe” cho trẻ đầu đời.
Ngoài các bệnh kể trên, viêm gan B cũng là bệnh nguy hiểm với trẻ đầu đời vì dễ diễn tiến xơ gan, ung thư gan. Trẻ sơ sinh nhiễm bệnh do nguồn lây từ mẹ truyền sang con là chính.
“Nếu người mẹ nhiễm viêm gan B, bé cần được tiêm huyết thanh và vắc xin sau sinh. Huyết thanh có hiệu quả tốt nhất khi tiêm trong 6 giờ đầu, vắc xin hiệu quả tốt nhất trong 24 giờ đầu. Nếu được tiêm đầy đủ, tỷ lệ phòng tránh là 95%. Sau đó, trẻ cần tiếp tục tiêm ở các mốc 2, 3, 4 tháng tuổi và 16 – 18 tháng tuổi. Biện pháp tiêm vắc xin cũng được chứng minh có hiệu quả nhất so với hai biện pháp phòng lây truyền viêm gan B qua đường máu và quan hệ tình dục. Phụ nữ trước mang thai cần tiêm đủ 3 mũi vắc xin trong 6 tháng sẽ có đủ miễn dịch bảo vệ, ngừa nguy cơ nhiễm bệnh”, bác sĩ Tấn khuyến cáo.
Các chuyên gia lưu ý thời tiết mùa hè, ngoài tiêm vắc xin đầy đủ, các phụ huynh cần lưu ý thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác như: thực hiện tốt nuôi con bằng sữa mẹ cho trẻ nhũ nhi, để nhiệt độ máy lạnh trong phòng thấp hơn môi trường bên ngoài khoảng 8-10 độ C, chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ, cho trẻ uống đủ nước, đảm bảo “ăn chín, uống sôi”. Dạy trẻ biết rửa tay bằng xà phòng đúng cách, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…