Nhiều người bệnh sỏi tiết niệu đến bệnh viện khi đã có biến chứng nặng nề như nhiễm trùng, thận mủ, nhiễm khuẩn huyết, gây nguy hiểm đến sức khỏe và khó khăn trong điều trị.

Thông tin trên được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến “Đánh tan sỏi thận” lúc 20h ngày 28/11. Chương trình có sự tham gia của hai chuyên gia tiết niệu – thận hàng đầu: TTƯT.PGS.TS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TPHCM và PGS.TS.BS.CKII Trần Văn Hinh, Trưởng khoa Tiết niệu – Nam học và Thận học, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.

PGS Vũ Lê Chuyên cho biết có nhiều phương pháp để phân loại sỏi. Về vị trí, sỏi có thể nằm trong thận như nhu mô, đài thận, bể thận, khi rơi xuống có thể nằm ở niệu quản, bàng quang, niệu đạo. Mỗi vị trí có mức độ nguy hiểm khác nhau. Sỏi thận nếu cứ nằm yên thì mức độ nguy hại không nhiều, trong khi đó sỏi niệu quản gây đau nhiều, ứ nước, nếu không lấy ra sớm có thể gây kém chức năng thận. Về chất sỏi, có sỏi vô cơ và hữu cơ, trong đó 70% sỏi vô cơ là sỏi oxalat calcium. Về hình dạng, có sỏi san hô, sỏi nhẵn, xù xì.

PGS Vũ Lê Chuyên cho biết phân loại sỏi tiết niệu dựa vào vị trí, chất hoặc hình dạng sỏi.

Trong các loại sỏi tiết niệu, sỏi niệu quản tác động mạnh nhất đến cơ thể do gây đau nhiều. Nhưng chính vì đau mà người bệnh đi khám và điều trị sớm, tránh được các biến chứng nguy hiểm. Trong khi đó có những trường hợp sỏi thận không gây đau đớn, nằm yên trong thận nhưng lại từ từ tàn phá chức năng thận. Sỏi nguy hiểm nhất là khi có nhiễm trùng, gây tàn phá nhu mô thận, kể cả khi được lấy ra vẫn để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng lên thận và cơ thể.

“Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể gặp biến chứng do sỏi tiết niệu. Vì vậy, khi đã có sỏi, người bệnh nên đi khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ”, PGS Chuyên nhấn mạnh.

PGS Trần Văn Hinh thông tin trong thực tế khám lâm sàng, bệnh nhân sỏi thận nói chung và sỏi tiết niệu nói riêng đến khám thường trong độ tuổi lao động, từ 30-50 tuổi. Trong đó bệnh nhân nam nhiều hơn nữ do nồng độ testosterone trong máu cao hơn.

“Người dân đến khám sỏi tiết niệu nói chung thường khá muộn vì triệu chứng âm ỉ. Nhiều trường hợp biến chứng nặng nề như nhiễm khuẩn, thận mủ, nhiễm khuẩn huyết…”, PGS Hinh chia sẻ.

Các yếu tố nguy cơ gây sỏi gồm nội sinh và ngoại sinh. Yếu tố nội sinh như cường giáp trạng, tăng acid uric máu…; ngoại sinh như lao động trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, uống ít nước… Với người bệnh sỏi thận, triệu chứng đầu tiên thường là đau thắt lưng, thoáng qua, âm ỉ, rất dễ nhầm với thoái hóa cột sống hoặc đau do thay đổi thời tiết. Một số trường hợp sỏi nhỏ kết hợp với nhiễm khuẩn có cơn đau rầm rộ, quặn thận. Ngoài ra còn có các biến chứng như sốt cao, rét run khi có nhiễm khuẩn huyết, phù, suy thận.

PGS Trần Văn Hinh cho biết nhiều trường hợp sỏi tiết niệu đi khám khi đã có biến chứng nặng.

Theo PGS Hinh, chẩn đoán xác định sỏi tiết niệu dựa vào khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm, chụp X-quang. Trong đó chụp cắt lớp vi tính là tiêu chuẩn vàng giúp đánh giá vị trí, kích thước sỏi, đánh giá độ giãn đài bể thận, chức năng thận, từ đó bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Nhiều khán giả đặt câu hỏi về các phương pháp điều trị sỏi thận không cần phẫu thuật. PGS Hình cho biết hiện nay Việt Nam đã thực hiện được hầu như tất cả các phương pháp ít xâm lấn điều trị sỏi tiết niệu. Ví dụ với sỏi dưới 2cm cần can thiệp, có 3 phương án để bác sĩ và người bệnh lựa chọn là tán sỏi ngoài cơ thể, nội soi tán sỏi ống mềm, hoặc nội soi tán sỏi qua da qua đường hầm tiêu chuẩn, đường hầm nhỏ hoặc siêu nhỏ.

Cũng trong livestream, các chuyên gia tư vấn về cách phòng ngừa mắc bệnh sỏi thận, sỏi tiết niệu. Theo các chuyên gia, người dân nên uống nhiều nước, hạn chế tối đa nhịn tiểu trong cuộc sống và công việc hàng ngày; thường xuyên hoạt động thể chất, tránh bất động lâu ngày; chế độ ăn giảm nari và tăng kali, hạn chế đạm động vật; điều trị triệt để các nhiễm trùng đường tiết niệu…

Hoài Phạm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *