Nhiễm phế cầu có thể gây ra những bệnh lý nặng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết… Tiêm ngừa đầy đủ các vắc xin, trong đó có vắc xin mới phế cầu 23 vừa được triển khai tiêm lần đầu tại VNVC từ ngày 28/8, là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, đặc biệt đối với người lớn tuổi, người có bệnh nền.

Đây là một trong những nội dung tư vấn của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Hô hấp, Nội tổng hợp, Y tế dự phòng và Tiêm chủng vắc xin trong chương trình Tư vấn trực tuyến: “Giới thiệu vắc xin mới phế cầu 23 & cập nhật diễn biến của các bệnh phế cầu” diễn ra vào ngày 28/8/2024.

Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.

Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, gồm BS.CKII Mã Thanh Phong, Trưởng Đơn vị Hô hấp, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM; BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Mở đầu chương trình, BS.CKII Mã Thanh Phong thông tin nhiễm phế cầu khuẩn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới, gây ra những bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết… Năm 2021, thế giới ghi nhận gần 98 triệu trường hợp mới nhiễm trùng đường hô hấp dưới do phế cầu khuẩn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 50 tuổi và người có bệnh mạn tính là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh do phế cầu cao nhất.

Tỷ lệ tử vong do bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn đáng lo ngại, lên đến 10 – 25% ngay cả khi đã sử dụng hợp lý kháng sinh. Theo WHO, các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và ước tính mỗi năm có khoảng một triệu trẻ em tử vong vì các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra.

BS.CKII Mã Thanh Phong tại buổi tư vấn ngày 28/8.

Tại Việt Nam, phế cầu khuẩn là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi nhập viện ở người lớn và viêm màng não ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó, phế cầu khuẩn có thể kháng rất nhiều loại kháng sinh phổ biến, khả năng kháng lên đến 70 – 97%.

Bác sĩ Phong nêu thực tế tại bệnh viện, tình trạng kháng kháng sinh ngày càng tăng cao của phế cầu khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn và tốn kém.

Theo thống kê, chi phí điều trị trung bình cho mỗi bệnh nhân viêm phổi cộng đồng (tức ngoài bệnh viện) tại Việt Nam là 629 USD (tương đương 16 triệu đồng), thời gian nằm viện trung bình 10 ngày.

“Phế cầu xâm lấn vô màng phổi có thể gây viêm phổi hoại tử, tràn dịch màng phổi… Nếu điều trị bằng thuốc không đáp ứng, người bệnh có thể phải phẫu thuật để bóc vỏ màng phổi, dẫn lưu màng phổi và mất rất nhiều thời gian để hồi phục”, bác sĩ Phong cho biết.

BS.CKI Bạch Thị Chính tại buổi tư vấn ngày 28/8.

BS.CKI Bạch Thị Chính nhấn mạnh vắc xin là chiến lược hàng đầu để phòng chống bệnh do phế cầu khuẩn gây ra. Bác sĩ Chính cũng bày tỏ sự vui mừng khi ngày 28/8, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã chính thức đưa vào tiêm chủng lần đầu tiên tại Việt Nam loại vắc xin mới phế cầu 23, giúp phòng 23 chủng phế cầu thường gặp và nguy hiểm hiện nay.

Sự kiện được đánh giá đặc biệt có ý nghĩa khi hiện nay, giới khoa học đã tìm thấy khoảng 100 tuýp huyết thanh khác nhau của vi khuẩn phế cầu. Trong đó 23 tuýp được nhìn thấy gây nên 80 – 90% bệnh phế cầu xâm lấn trên thế giới. Theo dữ liệu tại Mỹ giai đoạn 2010 – 2018, tỷ lệ mắc mới bệnh do phế cầu xâm lấn có xu hướng gia tăng ở những tuýp huyết không có trong vắc xin phế cầu 10 và 13 đã được triển khai ở tiêm trước đó.

Do đó, bác sĩ Chính cho biết việc bảo vệ đa tuýp huyết thanh ở tầm phủ rộng sẽ mở ra cơ hội mới cho người dân trong việc dự phòng các bệnh lý nguy hiểm.

Người lớn tuổi, người có bệnh nền tiêm vắc xin phế cầu 23 tại VNVC. Ảnh: Mộc Thảo

Theo bác sĩ Chính, vắc xin mới có tên Pneumovax 23, do Tập đoàn dược phẩm MSD (Mỹ) sản xuất, được chỉ định dành cho trẻ em từ 2 tuổi và người lớn, đặc biệt hiệu quả cao trên người cao tuổi có bệnh nền; người suy giảm chức năng hô hấp do từng mắc Covid-19 như ho kéo dài, khan tiếng, khó thở, thở mệt, viêm phế quản; nhóm đối tượng nguy cơ cao như trên 65 tuổi, suy giảm miễn dịch như mắc bệnh HIV, ung thư, bất thường chức năng lách, cắt lách, bệnh hồng cầu hình liềm, suy thận mạn, hội chứng thận hư, người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch…

Vắc xin được khuyến cáo tiêm bổ sung cho trẻ em và người lớn đã tiêm vắc xin phế cầu 10 và 13 để củng cố hiệu quả và tăng cường bảo vệ trước các chủng phế cầu khác mà hai loại vắc xin này chưa có gồm: 2, 8, 9N, 10A, 11A, 12F, 15B, 17F, 20, 22F, 33F.

Bác sĩ Chính thông tin thêm, vắc xin phế cầu 23 được chứng minh có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh lý do phế cầu khuẩn xâm lấn và không xâm lấn lên đến 87%. Ví dụ vắc xin giúp giảm nguy cơ mắc phế cầu đến 65% với nhóm bệnh phổi mạn tính, 73% với nhóm có bệnh mạch vành, 77% với nhóm cắt lách và 84% với nhóm đái tháo đường…

BS.CKI Lê Thị Trúc Phương tại buổi tư vấn ngày 28/8.

BS.CKI Lê Thị Trúc Phương cho biết, bên cạnh bệnh do 23 chủng phế cầu khuẩn, nhiều bệnh truyền nhiễm khác đang diễn biến phức tạp, tiêu biểu là bệnh sởi. Mới đây, TP.HCM vừa công bố dịch sởi trên địa bàn. Theo đó, có hai vấn đề cần ưu tiên, một là chặn dịch sởi bằng tiêm chủng và hai là cần phát hiện ca bệnh sởi sớm, cách ly và điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Phương, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm có mức độ lây đứng hàng đầu trong tất cả những bệnh lý, trung bình 1 ca sởi có thể lây cho 12-18 người. Do đó, phụ huynh cần chủ động phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho con bằng vắc xin.

“Muốn cắt đường lây nhiễm thì tỷ lệ tiêm chủng cộng đồng phải đạt trên 95%. Song, nếu tỷ lệ tiêm đạt 95% đồng nghĩa vẫn có 5% trẻ chưa được tiêm chủng, cộng với hiệu quả vắc xin đạt khoảng 80-85% sẽ có thêm khoảng 15-20% trẻ mỗi năm chưa được bảo vệ. Như vậy, sau 4-5 năm, tỷ lệ trẻ chưa được bảo vệ sẽ lên đến 100, đây cũng là lý do chu kỳ dịch sởi xuất hiện sau 4-5 năm do tích lũy những trẻ chưa tiêm”, bác sĩ Phương nói.

Người chưa tiêm chủng có nguy cơ nhiễm bệnh từ 90-100% nếu tiếp xúc virus sởi. Mùa tựu trường, phụ huynh lưu ý kiểm tra sổ tiêm chủng của trẻ và của chính bản thân để bổ sung các mũi tiêm còn thiếu. Vắc xin sởi hiện đã phổ biến trong tiêm chủng mở rộng lẫn dịch vụ, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Tiêm đủ liều, đúng lịch, hiệu quả bảo vệ của vắc xin đến 98% sau khi hoàn thành phác đồ.

Bác sĩ Phương cho biết khi có dịch sởi, vắc xin có thể được tiêm sớm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Nếu có khuyến cáo từ cơ quan y tế, phụ huynh có thể đưa trẻ đến tiêm phòng bệnh. Tuy nhiên, mũi tiêm lúc chưa được 9 tháng tuổi không được tính là mũi 1, đến độ tuổi khuyến cáo trẻ vẫn cần phải tiêm đủ từ 2 mũi trở lên.

Hệ thống tiêm chủng VNVC với gần 200 Trung tâm tại 55 tỉnh, thành làm việc xuyên Lễ Quốc khánh 2/9, hoạt động liên tục từ ngày 2/9-3/9, chào đón tất cả Khách hàng dịch vụ tại trung tâm với mức giá bình ổn, không đổi, không phát sinh bất cứ chi phí phụ thu dịch vụ ngày Lễ, đồng thời mang đến hàng loạt ưu đãi giá tiêm vắc xin cùng nhiều quà tặng hấp dẫn. Trẻ em và người dân có nhu cầu tư vấn và tiêm chủng vắc xin phế cầu 23, vắc xin sởi và nhiều loại vắc xin quan trọng khác có thể đến trực tiếp các trung tâm VNVC.

Mộc Thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *