Ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 567 phê duyệt Chương trình Phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020. Hai năm sau, Thủ tướng tiếp tục ban hành Chỉ thị 10 ngày 16/4/2012 về việc tăng sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

 

 

Tuy nhiên, lộ trình chuyển đổi từ gạch đất sét nung đối với Vĩnh Long còn nhiều khó khăn. Vì đây là nghề truyền thống lâu đời của tỉnh.

Toàn vùng ĐBSCL hiện còn khoảng 4.500 lò gạch, gốm, tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh: Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp. Riêng Vĩnh Long là tỉnh có qui mô sản xuất gạch, gốm qui mô lớn nhất tại ĐBSCL. Đến tháng 6/ 2012, toàn tỉnh có hơn 1.180 cơ sở sản xuất gạch ngói và trên 2.200 miệng lò thủ công đang hoạt động. Hàng năm, các lò gạch này cung ứng cho thị trường trên 550 triệu viên gạch. Các lò gạch, gốm này thời gian qua đã có nhiều đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Nhiều làng nghề gạch gốm truyền thống đã được địa phương công nhận.

Do tồn tại từ lâu đời nên các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung hầu hết sử dụng công nghệ nung bằng lò tròn truyền thống, lấy trấu làm chất đốt nên gây ô nhiễm môi trường. Đáng lưu ý là có đến 26 miệng lò của 14 cơ sở sản xuất ngay tại thành phố Vĩnh Long. Thực hiện các quyết định và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/ 5/ 2013 UBND tỉnh Vĩnh Long đã có tờ trình gửi Bộ xây dựng về lộ trình hạn chế xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Theo đó, giai đoạn từ nay đến 2015 tháo dỡ, xóa bỏ các lò thủ công tại khu vực thành phố, thị trấn; giai đoạn 2016-2020 tháo dỡ, xóa bỏ 459 miệng lò ngoài cụm tuyến qui hoạch; sau năm 2020 tháo dỡ xóa bỏ 1.799 miệng lò trong cụm tuyến qui hoạch của tỉnh nếu không cải tạo công nghệ sản xuất theo TCVN.

Song, trên thực tế là 3 năm qua việc triển khai các quyết định, chỉ thị của Chính phủ vẫn còn chậm chạp. Việc chuyển đổi như thế nào để duy trì sự phát triển ngành nghề truyền thống của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội cho cư dân trong vùng thật không dễ dàng. Cho đến nay toàn tỉnh chỉ có một vài doanh nghiệp đầu tư sản xuất gạch theo công nghệ mới, nhằm giảm thiểu tác hại môi trường do khói bụi.

Ở Công ty TNHH Tân Mai thay vì đầu tư lò truyền, lò công nghệ Hoffman với chi phí cao, doanh nghiệp xây lò nung liên hoàn, cải tiến từ công nghệ Hoffman. Công nghệ này tiết kiệm trên 60% lượng chất đốt là trấu, năng suất cao, tỷ lệ nung đạt mác 50 chiếm hơn 85%, cao hơn so với lò thủ công và lượng khí thải ra môi trường đạt yêu cầu. Mỗi dãy lò có thể có nhiều miệng lò, sử dụng lửa đảo, thời gian nung chỉ còn 24 giờ nhờ tận thu nhiệt giữa các lò. Đặc biệt những lò này có thể tận dụng vật liệu xây dựng từ việc tháo dỡ lò truyền thống nên chi phí thấp, giảm giá thành gạch ống xuống còn 270 đồng/ viên. Điều này giúp cho gạch địa phương cạnh tranh được với gạch được sản xuất ở các địa phương khác.

Một lộ trình thay thế chuyển đổi từ lò gạch đất sét nung sang gạch không nung chỉ mới là dự thảo. Trong khi đó, thông tư 09 ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng Quy định sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng. Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng vật liệu không nung theo lộ trình. Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu không nung kể từ ngày 15/1/2013. Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung kể từ ngày có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Dự kiến nhu cầu sử dụng vật liệu xây không nung của Vĩnh Long đến năm 2015 là từ 90 – 120 triệu viên và từ 150 đến 200 triệu viên vào năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay gạch đất nung vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn trên địa bàn. Người dân và những nhà thầu xây dựng vẫn chưa thể bỏ tạp quán sử dụng gạch đất nung để chuyển sang sử dụng gạch không nung.

 

 

3 năm kể từ khi Chính phủ khởi động Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung nhưng lộ trình chuyển đổi vẫn diễn ra chậm chạp. Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thiện các tiêu chuẩn sản phẩm, hướng dẫn sử dụng gạch không nung, đồng thời ban hành định mức dự toán để sử dụng loại vật liệu này trong các công trình xây dựng. Nhưng việc thực hiện tại nhiều địa phương trong đó có tỉnh Vĩnh Long vẫn còn chậm. Hiện tỉnh Vĩnh Long chưa có một nhà máy gạch xây không nung nào có sản phẩm bán trên thị trường. Chi phí đầu tư cao, dự toán một dây chuyền công suất 20 triệu viên/ năm lên đến 14 tỷ đồng là một trở ngại lớn, nhất là với những địa phương có nhu cầu chuyển đổi cao như Mang Thít.

 Hiện toàn tỉnh mới có 5 doanh nghiệp lập dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung với công suất mỗi dự án từ 5 – 10 triệu viên/ năm. Các dự án qui mô lớn hơn với công suất vài chục triệu viên/ năm tại khu công nghiệp Bình Minh và Hòa Phú dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay và sang năm 2014. Còn đối với các lò gạch thủ công, trong đề án tổ chức lại ngành sản xuất gạch gốm, Sở công thương Vĩnh Long đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ về công nghệ, tín dụng. Ngoài ra còn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang những ngành nghề vệ tinh khác phục vụ sản xuất vật liệu xây không nung. Sẽ có hơn 13 ngàn lao động phải đào tạo lại trong đề án này.

Trong những năm qua, sản lượng gạch đất sét nung giảm dần hàng năm là điều kiện để thực hiện lộ trình chuyển đổi. Tuy nhiên, để đưa gạch không nung đi vào đời sống cần phải có sự quyết tâm và chung tay thực hiện của các ngành chức năng. Ngoài ra, công tác tuyên truyền vận động nhân dân ý thức sử dụng gạch không nung là quan trọng. Quan trọng nữa là đề án chuyển đổi phải có sự hỗ trợ của nhà nước, nhất là về vốn, công nghệ, đất đai và chính sách thuế, v.v… Có như vậy mới hiện thực hóa chủ trương dùng gạch không nung trên địa bàn tỉnh, nơi mà nghề gạch nung truyền thống có nhiều đóng góp cả về kinh tế và xã hội của địa phương trong thời gian qua.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *