Do là con trai lớn trong gia đình đông anh em, ba mẹ mất sớm nên ngay từ nhỏ ông Chiến đã sớm lao động vất vả để kiếm tiền nuôi 7 người em của mình. Để gách vác trọng trách này, năm 1983, ông cải tạo 15 công vườn tạp để trồng cây có múi, đồng thời ông còn xuống các nhà vườn ở Bến Tre để học cách sản xuất cây giống và tham gia vào tổ sản xuất cây giống tại địa phương. Năm 1994, trước tình hình bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện trên cây có múi, tổ sản xuất cây giống phải giải thể và nhiều nhà vườn phải đốn bỏ vườn cây có múi của mình, trong đó có ông Chiến. Trong lúc nhiều nhà vườn đang lao đao vì cây có múi, ông Chiến đã tìm được một loại cây trồng mới, khá thích nghi với thổ nhưỡng ở địa phương, đó là cây chanh không hạt. Vào thời điểm này, ông Chiến là một trong những người đầu tiên ở Hậu Giang trồng chanh không hạt. Đây là giống cây hoàn toàn mới lạ với ông cũng như nhiều nhà vườn nơi đây. Tuy vậy, sau thời gian trồng thử nghiệm, chanh phát triển tốt và khá thích nghi với vùng đất này.Với kiến thức sẵn có về sản xuất cây giống, ông đã tự nhân giống để trồng trên toàn bộ diện tích đất của gia đình.  

Cây chanh không hạt

Có thể nói, quyết định nhân giống chanh không hạt để trồng với số lượng lớn là quyết định khá mạo hiểm đối với gia đình ông lúc bấy giờ. Nhưng quyết định này đã mở ra bước ngoặc thành công cho bản thân ông cũng như các xã viên của HTX. Từ vài công ban đầu, đến nay, gia đình ông đã có trên 1,5 ha chanh với hơn 1.500 gốc. Vụ chanh đầu tiên, vào năm 2003, vườn chanh ông Chiến thu họach trên 10 tấn chanh không hạt, bán được trên 120 triệu đồng, hiện nay sản lượng chanh cho thu hoạch đang ngày càng tăng lên. Từ kết quả đó, ông triển khai đến các xã viên để cùng nhân giống và mở rộng diện tích canh tác giống chanh mới này. Theo thống kê, toàn huyện có gần 100 ha chanh không hạt, trong số này diện tích canh tác của HTX chiếm đến 30%.

Khi trồng bất kỳ loại cây trồng nào, ngoài vấn đề năng suất và chất lượng, việc tìm đầu ra cho sản phẩm là yếu tố quan trọng, góp phần đi đến thành công. Chính vì vậy, một khi đã mở rộng quy mô canh tác đối với cây chanh không hạt, việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho loại nông sản này cũng được ông Nguyễn Văn Chiến – Chủ nhiệm HTX tính đến. Theo một số nhà vườn, chanh không hạt trồng khoảng 1 năm rưỡi là bắt đầu cho thu hoạch trái. Đặc biệt, cây sẽ cho trái quanh năm, trung bình 1 công đất trồng khoảng 100 cây và mỗi cây cho thu họach từ 30 – 70 kg/năm, thời gian cây cho trái khoảng 10 năm. Tuy giá trị mang lại khá cao, nhưng không phải ngẫu nhiên mà ông Chiến lại gặt hái được thành công từ cây chanh không hạt. Con đường thành công của ông cũng trải qua nhiều khó khăn, khi sản xuất ra số lượng lớn thì khâu tiêu thụ trở thành bài toán khó cần phải được giải quyết.

Bằng việc tiếp thị (như chào hàng, tặng hàng, bán nhưng cho nợ…), sản phẩm chanh không hạt của HTX đã tiếp cận được thị trường và được người tiêu dùng chấp nhận. Hiện nay, chanh không hạt của HTX đang được các siêu thị ở Cần Thơ và TPHCM bao tiêu với giá bán từ 12.000 – 13.000 đồng/kg, đầu ra khá ổn định. Mỗi ngày, HTX nông nghiệp Thành Phước cung cho các siêu thị từ 300 – 600 kg chanh. Ngoài thu mua sản phẩm của các xã viên, HTX còn thu mua chanh của các nhà vườn khác. Để bán được giá cao hơn, nhiều bà con xã viên còn tiến hành xử lý nghịch vụ trên vườn chanh của mình. Có thể nói, nhờ cây chanh không hạt mà nhiều bà con xã viên nơi đây đã thoát khỏi khó khăn, vươn lên có cuộc sống ổn định hơn.

Ngoài việc trồng chanh trái, các xã viên HTX Thành Phước còn vận dụng vốn kiến thức sẵn có để nhân giống bán cho bà con nhà vườn. Đến nay, toàn huyện Châu Thành có khoảng 100 ha chanh không hạt, phần lớn cây giống được mua từ HTX. Chính sự liên kết trong việc bán cây giống và thu mua lại sản phẩm của người trồng đã giúp cho nhiều nhà vườn an tâm phát triển diện tích trồng chanh không hạt. Hiện thời, có khoảng 30 hộ liên kết làm ăn theo hình thức này. Không dừng lại tại đây, để sản phẩm được tồn tại lâu dài và xuất khẩu sang nước ngoài, được sự khuyến khích và hỗ trợ từ ngành Nông nghiệp và Trường Đại học Cần Thơ, ông nguyễn Văn Chiến và các xã viên đang áp dụng quy trình trồng chanh theo hướng GAP.

Có thể nói, con đường đi đến thành công với cây chanh không hạt của HTX nông nghiệp Thạnh Phước là một hướng đi đúng. Những người nông dân dám nghĩ, dám làm và nắm bắt nhu cầu thị trường tốt như ông Nguyễn Văn Chiến đã mở ra một hướng làm ăn mới cho bà con xã viên từ cây chanh không hạt. Qua đây cũng cho thấy, sở dĩ cây chanh không hạt mang lại giá trị cao là do chúng được liên kết sản xuất theo hướng đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây là những vấn đề mà người nông dân cần nắm bắt để có thể phát triển sản xuất nông sản trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Mỹ Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *