Quan hệ tình dục sớm, không an toàn, lối sống thiếu lành mạnh là các yếu tố dễ dẫn đến nhiễm HPV, nguyên nhân gây ra hàng loạt bệnh như mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung, hầu họng, âm đạo, âm hộ.
Châu Á hiện tại chiếm tới 58% ca tử vong do ung thư cổ tử cung trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, ước tính ghi nhận hơn 4.000 ca mắc mới và hơn 2.200 ca tử vong (chiếm khoảng 54%) vì căn bệnh này vào mỗi năm. Ung thư cổ tử cung cũng là nguyên nhân gây tử vong thứ 8 ở phụ nữ trong độ tuổi từ 15-44 tại nước ta.
Đó là những chia sẻ đáng chú ý của các chuyên gia y tế tại buổi tư vấn trực tuyến livestream diễn ra vào ngày 18/10 với chủ đề: “Vaccine HPV – tặng món quà sức khỏe” trước thềm kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10. Buổi livestream có sự tham gia tư vấn của BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, ThS.BS Kiều Lệ Biên, Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM, chị Nguyễn Dương Khánh Vy, Quản lý Chăm sóc khách hàng Hệ thống tiêm chủng VNVC. Bạn đọc quan tâm có thể xem lại chương trình tại đây.
Chương trình tư vấn trực tiếp với chủ đề: “Vaccine HPV – tặng món quà sức khỏe” diễn ra vào ngày 18/10/2024.
Mở đầu chương trình, ThS.BS Kiều Lệ Biên, Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, HPV là tên viết tắt của Human Papilloma Virus – loại virus gây u nhú ở người. Virus này không chỉ gây ung thư cổ tử cung mà còn các loại ung thư khác như ung thư âm hộ, âm đạo, đầu mặt cổ, dương vật, hậu môn và mụn cóc sinh dục ở cả hai giới.
HPV có hơn 100 chủng, trong đó khoảng 40 loại có khả năng tấn công các cơ quan sinh dục và hậu môn. Đặc biệt, 15 chủng HPV được coi là nguy cơ cao, nổi bật là HPV 16 và HPV 18, có thể gây tổn thương tiền ung thư và các loại ung thư như cổ tử cung, hậu môn và bộ phận sinh dục. Tỷ lệ ung thư cổ tử cung ngày càng trẻ hóa do các nguyên nhân như trẻ dậy thì sớm, quan hệ tình dục sớm nhưng chưa bảo vệ đúng, hút thuốc lá hoặc mắc các bệnh tình dục đi kèm.
Chủng HPV 6 và HPV 11 tuy ít nguy hiểm hơn nhưng có thể gây mụn cóc sinh dục và sùi mào gà.
ThS.BS Kiều Lệ Biên, Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM tư vấn thông tin hữu ích về HPV tại chương trình.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết virus HPV rất dễ lây lan qua nhiều con đường khác nhau. Ngay cả khi không có triệu chứng, người nhiễm vẫn có thể lây truyền HPV sang người khác. Phương thức lây truyền phổ biến nhất là qua quan hệ tình dục không an toàn, với tỷ lệ lây nhiễm giữa nam và nữ lên tới 40%. Bất kỳ ai có quan hệ tình dục, dù chỉ với một bạn tình, đều có nguy cơ mắc phải.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC tư vấn nguyên nhân lây nhiễm, cách phòng bệnh HPV tại chương trình.
Ngoài ra, HPV có thể sống trong môi trường khô và chịu nhiệt độ cao, nên việc lây nhiễm cũng có thể xảy ra qua các vật dụng cá nhân như đồ lót, khăn tắm. Đặc biệt, HPV tuýp 6 và 11 có khả năng lây truyền từ mẹ sang con khi trẻ sinh qua đường âm đạo dẫn đến mụn cóc cổ họng, đa bướu gai đường hô hấp ở trẻ,…
Những nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HPV cao bao gồm:
- Người bắt đầu quan hệ tình dục từ quá sớm, đặc biệt là dưới 18 tuổi.
- Quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp an toàn như bao cao su.
- Người có nhiều bạn tình hoặc quan hệ với bạn tình đã từng có nhiều mối quan hệ tình dục trước đó.
- Người thường xuyên bị căng thẳng, cơ thể suy yếu hoặc nhiễm các loại siêu vi khác.
- Những đối tượng có vết trầy xước ở cơ quan sinh dục.
Bàn về biện pháp phòng bệnh, ThS.BS Kiều Lệ Biên cho biết hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu khi bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng. Thay vào đó, quá trình điều trị tập trung vào việc kiểm soát và loại bỏ các tác nhân gây hại do virus này gây ra. Ví dụ, bệnh nhân mắc sùi mào gà, bác sĩ sẽ thực hiện các thủ thuật để loại bỏ tổn thương do HPV gây ra, kết hợp với điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, do các tổn thương không xuất hiện đồng thời nên nguy cơ tái nhiễm vẫn tồn tại.
Do đó, tiêm vaccine HPV được coi là biện pháp phòng ngừa hiệu quả đối với các bệnh lý nguy hiểm do virus này gây ra. BS Biên khuyến cáo sau khi tiêm ngừa vaccine, nữ giới từ 21 tuổi trở lên cũng cần tầm soát thường xuyên các tổn thương ở cổ tử cung để phát hiện và điều trị sớm các dấu hiệu tiền tổn thương.
Chị Nguyễn Dương Khánh Vy, Quản lý Chăm sóc khách hàng Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, trước đây, vaccine HPV Gardasil (Mỹ) được khuyến cáo tiêm cho trẻ em gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi, giúp phòng ngừa 4 tuýp virus HPV (6, 11, 16, 18). Hiện nay, Gardasil 9 đã ra đời, được coi là “vaccine bình đẳng giới” vì không chỉ mở rộng đối tượng tiêm chủng sang nam giới mà còn bảo vệ chống lại 9 tuýp HPV (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52, 58) gây ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng và mụn cóc sinh dục. Vaccine mang lại hiệu quả phòng bệnh lên đến trên 90% cho cả nữ giới và nam giới. Vaccine tiêm từ 9 tuổi, giúp bé trai và bé gái phòng nguy cơ mắc HPV từ sớm.
Chị Nguyễn Dương Khánh Vy, Quản lý Chăm sóc khách hàng Hệ thống tiêm chủng VNVC tư vấn tại chương trình.
Hiện nay, vaccine Gardasil 9 được tiêm theo phác đồ 2 hoặc 3 mũi, tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Cụ thể,
Người tròn 9 đến dưới 15 tuổi, phác đồ tiêm gồm 2 mũi:
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi
- Mũi 2: cách mũi 1 từ 6-12 tháng
Người tròn 15 đến 45 tuổi, phác đồ tiêm gồm 3 mũi:
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi
- Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 2 tháng
- Mũi 3: cách mũi 2 ít nhất 4 tháng
Tháng 5/2024, vaccine Gardasil 9 cũng đã được Bộ Y tế cho phép mở rộng tuổi tiêm đến 45 tuổi, mở cơ hội phòng bệnh cho các đối tượng trung niên.
Chị Vy cho biết để nâng cao hiểu biết cho thanh thiếu niên về HPV, VNVC đã tổ chức nhiều buổi tư vấn cho học sinh, sinh viên tại các trường học. Đồng thời, từ ngày 18 đến 20/10, VNVC cũng đồng hành, tham gia triển lãm “Thương mình ở tương lai” với nhiều không gian sáng tạo nhằm tăng cường hiểu biết cộng đồng về virus tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM). Hoạt động do MSD Việt Nam tổ chức.
Xuân Ngọc