Nhiều phụ nữ đã hoặc đang mang thai phát hiện dị tật được bác sĩ BVĐK Tâm Anh tư vấn kịp thời thông qua nhịp cầu tư vấn sức khỏe trực tuyến.
Chương trình tư vấn sức khỏe dành cho cộng đồng của đội ngũ bác sĩ BVĐK Tâm Anh.
Thống kê từ Bộ Y tế, mỗi năm ở Việt Nam có 1 triệu trẻ em ra đời, có khoảng 22.000 – 30.000 trẻ gặp phải những vấn đề về dị tật bẩm sinh. Tính đến năm 2023, nước ta có 1,2 triệu trẻ em không may dị tật, chiếm 3%.
Nhằm xóa bỏ nỗi lo sinh con dị tật, BVĐK Tâm Anh TP HCM phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình Vĩnh Long tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Phối hợp Sản – Nhi trong chăm sóc Sản khoa, chẩn đoán trước sinh, tầm soát sớm & chính xác dị tật thai nhi” vào tối 20/6.
Dị tật bẩm sinh ở thai nhi thường là bất thường diễn ra trên cấu trúc một hoặc nhiều cơ quan gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình hài, cấu trúc và các chức năng sống, vận động, trí tuệ của em bé. Một trẻ sinh ra có thể có nhiều dị tật ở các cơ quan như não: không có não, não úng thủy, dính khớp sọ hoặc là xuất huyết não, màng não, tật đầu to, đầu nhỏ, thoát vị tủy, màng tủy. Hoặc là các bất thường ở ngực như thoát vị hoành, dịch tràn tuyến phổi, tràn dịch màng phổi, thiểu sản phổi, teo thực quản. Ngoài ra, các bệnh tim bẩm sinh, bất thường tại dạ dày ruột như là hẹp tá tràng, teo ruột non, bất sản hậu môn, trực tràng. Các bệnh của thần kinh cơ hoặc là các cơ xương khớp, các khối u bướu hình thành trong bào thai…
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM tư vấn cho mẹ bầu.
Tại chương trình tư vấn trực tuyến, khán giả Minh Khang chia sẻ nỗi đau khi không may sinh bé đầu tật đầu nhỏ bẩm sinh, phát hiện trễ, bé chào đời đến nay 3 tuổi không phát triển về nhận thức, vận động. Chị mong muốn cơ hội sinh thêm bé thứ 2 nên đã xét nghiệm gen 2 vợ chồng và con đầu lòng kết quả bình thường. Thông qua chương trình nhờ chuyên gia BVĐK Tâm Anh TP HCM hướng dẫn, hỗ trợ những bước chuẩn bị để có thể mang thai khỏe mạnh, kể cả sàng lọc phôi để sinh con.
Chia sẻ nỗi đau cùng người mẹ, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa cho biết, tật đầu nhỏ có thể do di truyền, bất thường cấu trúc, bất thường nhiễm sắc thể trong thai kỳ, hoặc khi phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng điển hình như nhiễm virus Zika có thể sinh con có tật đầu nhỏ. Trường hợp của chị không may phát hiện trễ khi thai 35 tuần, bé chào đời không có cuộc sống khỏe mạnh, đem đến nỗi đau lớn cho gia đình.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, người mẹ chưa cần dùng tới biện pháp thụ tinh ống nghiệm sàng lọc phôi. Bác sĩ khuyên nên đi khám tiền sản tại BVĐK Tâm Anh và mang theo kết quả thăm khám thai kỳ trước để bác sĩ tư vấn, chuẩn bị sức khỏe thật tốt trước mang thai, tiêm ngừa đầy đủ, có thể bổ sung axit folic liều cao. Bệnh viện có ê kíp bác sĩ tiền sản, chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ tìm nguyên nhân thai bất thường, tiên lượng khả năng lặp lại ở thai kỳ tiếp theo hay không, từ đó có biện pháp ứng phó phù hợp.
Lo lắng ngày sinh cận kề nhưng sức khỏe thai nhi không tốt, chị Ngọc Trang chia sẻ đang mang thai 43 tuần, thoát vị hoành, ruột chui lên ngực, hình ảnh ghi âm phổi có xẹp. Bệnh viện sản nơi chị khám thai thông báo sau sinh bé tách mẹ, chuyển đến một bệnh nhi để phẫu thuật. Chị Trang lo lắng mất ngủ.
Bác sĩ Mỹ Nhi cho biết, trường hợp con chị Trang bị thoát vị hoành nặng, tiên lượng nguy hiểm cần phẫu thuật ngay sau sinh, nếu chào đời tại BVĐK Tâm Anh sẽ được hồi sức ngay tại phòng sinh, sau đó bé được nuôi dưỡng tại NICU, có thời gian vàng để bác sĩ có thời điểm vàng để can thiệp cho em bé.
Dị tật bẩm sinh vốn đa dạng, được chia thành 2 loại, kiểu gen và kiểu hình, một trẻ có thể có một bất thường đơn lẻ hoặc có nhiều bất thường kèm theo. Có dị tật có thể sửa chữa can thiệp trong bào thai hoặc sau sinh, song cũng có nhiều trường hợp hoàn toàn không phù hợp với cuộc sống. Ở thập kỷ trước, những bất thường bào thai sẽ được phát hiện rất muộn, thậm chí là gần tới giai đoạn gần sinh, không thể can thiệp. Trẻ chào đời không thể sống được hoặc có cuộc sống không chất lượng.
Khoảng 10 năm nay, sự phát triển của MRI bào thai được ứng dụng tại Việt Nam đã giúp phát hiện chính xác các bất thường thai nhi. “Phương tiện tầm soát cao cấp này sẽ hỗ trợ thêm thông tin mà siêu âm chưa đưa lại kết quả chính xác. Từ đó giúp gia đình và bác sĩ lên kế hoạch điều trị, can thiệp kịp thời, giúp các bé chào đời khỏe mạnh”, ThS.BS La Hồng Châu, Trưởng đơn vị Hình ảnh học Sản Phụ khoa, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp chia sẻ.
ThS.BS La Hồng Châu, Trưởng đơn vị Hình ảnh học Sản Phụ khoa tư vấn biện pháp chụp MRI bào thai.
Trong những năm qua, BVĐK Tâm Anh đã đưa vào sử dụng hệ thống chụp cộng hưởng từ hiện đại, kịp thời phát hiện, điều trị nhiều trường hợp có bất thường nặng, từng có chỉ định chấm dứt thai kỳ ở cơ sở y tế khác. Tuy nhiên, người bệnh được bác sĩ đánh giá lại đây là tổn thương có khả năng điều trị và can thiệp sau sinh, tiến hành hội chẩn nhiều khoa để chăm sóc thai và chuẩn bị cho em bé chào đời một cách tốt nhất.
Rất nhiều trẻ chào đời có khối u thoát vị rốn khổng lồ, bướu bạch huyết, tim còn ống động mạch, tắc ruột bẩm sinh,… đe dọa tính mạng được phẫu thuật kịp thời.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng tư vấn can thiệp chỉnh sửa dị tật sau sinh giúp bé sống khỏe mạnh.
Theo BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM, thế mạnh phối hợp liên chuyên khoa Sản, Nhi, Sơ sinh, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức… tại BVĐK Tâm Anh đã cứu sống thành công nhiều trẻ có bất thường nặng từ trong thai kỳ.
Tùy theo mức độ ảnh hưởng sức khỏe, một số được phẫu thuật ngay sau sinh như xoắn tắc ruột, tim bẩm sinh nặng, thoát vị hoành, bướu lớn chèn đường thở, không hậu môn…Bên cạnh đó cũng có một số dị tật cần theo dõi, bé lớn mới cần can thiệp như thừa chi, lõm ngực, hẹp van tim mức độ trung bình và nặng,…
Khi nghe bác sĩ Trọng giải đáp, chị Huỳnh Lucy kể có con trai bị lõm ngực bẩm sinh, bé 8 tuổi chưa phẫu thuật. Chị tiếp tục mang thai bé trai thứ 2, lo ngại lặp lại. BS Đỗ Trọng tư vấn đây là bất thường hay gặp ở bé trai, tỉ lệ 4/1, có 40% mắc do yếu tố liên quan gia đình. Tuy vậy, lõm ngực có thể sửa chữa được sau khi trẻ chào đời, tốt nhất can thiệp khi trẻ 7-12 tuổi, đạt hiệu quả điều trị tốt. Bác sĩ khuyên người mẹ nên khám thai định kỳ, chờ bé chào đời, lớn lên mới đánh giá được mức độ ảnh hưởng và thời điểm can thiệp.
Bác sĩ Trọng nhấn mạnh, phụ huynh hoặc mẹ bầu đang mang thai con dị tật không nên quá bi quan, bệnh viện sẽ lên chương trình can thiệp đối với những em bé có thể can thiệp sửa chữa, giúp con có cuộc sống tốt, giảm áp lực, stress cho cha mẹ, cũng như giúp cho em bé nhanh chóng hòa nhập xã hội.
BS.CKI Trần Lâm Khoa lý giải nguyên nhân hình thành dị tật thai và cách phòng tránh.
Theo BS.CKI Trần Lâm Khoa, chuyên gia tiền sản & theo dõi thai kỳ nguy cơ cao, dị tật bẩm sinh do nhiều yếu tố gây ra như do bất thường di truyền, tiếp xúc với hóa chất độc hại, lớn tuổi, nhiễm trùng khi mang thai, thiếu axit folic trước và trong khi mang thai… Một số yếu tố nguy cơ tăng sinh con bất thường như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, sử dụng thuốc điều trị…
Bác sĩ khuyến cáo không phải tất cả bệnh bẩm sinh đều có thể ngăn ngừa được. Thai phụ nên sàng lọc thai kỳ và tuân thủ khám thai định kỳ để tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh.
Tuệ Diễm