Theo thông lệ hàng năm, việc huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 thường được tiến hành vào khoảng giữa tháng 7, nhằm chuẩn bị chu đáo cho ngày tựu trường. Đặc biệt năm nay là năm “ heo vàng vào lớp 1”, dự đoán số trẻ 6 tuổi sẽ nhiều hơn mọi năm. Tình hình chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 ở các nơi tuy có rộn rịp nhưng nhìn chung khá thuận lợi và suôn sẻ.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Bên dòng Cổ Chiên đỏ nặng phù sa của tỉnh Vĩnh Long, từ lâu đã tồn tại một vùng làng nghề làm gốm độc đáo mang tên gốm Cổ Chiên, từngtạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong vùng. Gắn bó với làng nghề làm gốm, người dân các xã Mỹ An, Mỹ Phước , An Phước , nhiều năm qua hết sức quan tâm đến chuyện ăn học của con cái mình. Chuyện làm ăn hiện đang khó khăn, vẫn không làm thay đổi nhận thức lo cho trẻ thơ đến lớp đến trường.
Ông Đặng Hoàng Minh ở ấp Phú An, xã An Phước, năm nay có con là Đặng Thị Ngọc Mẫn đến tuổi vào lớp 1. Ông rất băn khoăn không biết cần chuẩn bị những gì cho con. Thậm chí, hồ sơ thủ tục vào trường thề nào, vợ chồng ông cũng chưa có kinh nghiệm. Không chỉ ông Minh mà nhiều phụ huynh khác cũng rất lo lắng. Họ đang tìm hiểu thông tin để nộp hồ sơ cho con vào lớp 1.
Nhờ nhiều năm làm tốt công tác huy động trẻ 4 tuổi, 5 tuổi đi học mẫu giáo, nên An Phước chuẩn bị khá chu đáo cho công tác huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Ngay từ đầu năm 2013, An Phước đã tiến hành công tác điều tra trữ lượng trẻ trong độ tuổi để có thể huy động trẻ ra lớp đúng hạn định, đúng tiến độ, thông qua giấy gọi trẻ nhập học do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý, giám sát. Thực tế những năm qua cho thấy hầu hết các hộ gia đình có con đến tuổi vào lớp 1 đều sốt sắng chuẩn bị cho con đến trường trong năm học mới.
Theo đánh giá của các giáo viên trực tiếp phụ trách công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở thì việc huy động trẻ ở tiểu học dễ dàng hơn rất nhiều so với trẻ đang học trung học cơ sở. Thường thì các em học sinh trung học cơ sở ở độ tuổi khoảng 14, 15 , nếu phải bỏ học nửa chừng để đi làm thêm kiếm tiền, thì việc vận động trở lại trường khá gian nan.Còn trẻ 5-6 tuổi chưa thể làm được việc gì thì bao giờ gia đình cũng ủng hộ chuyện cho cháu đi học để biết đọc, biết viết, biết làm toán…, nói chung cho dù gia đình có khó khăn đến mấy cũng muốn cho con mình tới trường trong những năm đầu học tiểu học.
Từ khi hình thành Khu Công nghiệp Hòa Phú, nhiều nhà máy xí nghiệp lần lượt mọc lên , số lượng công nhân cũng ngày càng thêm đông, sự gia tăng dân số chủ yếu do người từ nơi khác chuyển đến nhập cư. Tiến độ đô thị hóa nơi đây diễn ra khá nhanh chóng, nhưng đồng thời cũng kéo theo nhiều hệ lụy về an sinh xã hội.
Có chồng làm tài xế xe ben, xe cuốc , thường hay rày đây mai đó, bà Nguyễn Thị Hồng Cúc từ phường 2, thành phố Vĩnh Long về khu công nghiệp Hòa Phú để mở tiệm buôn bán tạp hóa ở chợ Phú Yên. Năm ngoái, đứa con lớn của gia đình đã chuyển trường từ phường 2 về Phú Quới học, theo diện tạm trú dài hạn. Năm nay hai vợ chồng quyết định chuyển hộ khẩu về đây lập nghiệp lâu dài, nên đứa con nhỏ là Nguyễn Thế Anh vừa tròn 6 tuổi cũng sẽ theo học lớp 1 ở trường tiểu học Phú Quới A trong thời gian tới.
Vợ chồng bà Thạch Thị Huệ có hộ khẩu ở thành phố Cần Thơ. Qua Vĩnh Long, đến Phú Quới phụ người cô chồng trông coi một nhà trọ công nhân, bà Huệ đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương . Hai vợ chồng có hai đứa con sinh đôi là Nguyễn Thạch Gia Hân và Nguyễn Thạch Gia Mỹ đều sinh năm 2007, và đều đến tuổi vào lớp 1. Nguyện vọng của vợ chồng bà Huệ là muốn gởi con học ở trường tiểu học Phú Quới cho tiện việc đưa rước, phù hợp với điều kiện sinh hoạt của gia đình. Những trường hợp tương tự như bà Thạch Thị Huệ cũng không ít, và nhà trường sở tại cũng có kế hoạch tiếp nhận các cháu vào trường, để những trường hợp tạm trú khỏi chịu thiệt thòi.
Trong việc đưa trẻ đến trường, ngay tại thành phố Vĩnh Long thường lại chịu nhiều áp lực, nhất là ở phường 1, trung tâm nội ô thành phố . Phường 1 hiện có 2 trường tiểu học. Trường tiểu học Hùng Vương thu nhận học sinh của 2 khóm: Hùng Vương và Hưng Đạo Vương, với bình quân mỗi năm khoảng 3 lớp 1. Còn trẻ trên địa bàn 3 khóm: Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học, Lê Văn Tám thì vào học trường tiểu học Nguyễn Du, với chỉ tiêu khoảng 6 lớp 1 mỗi năm. Áp lực tuyển sinh với 2 trường Nguyễn Du và Hùng Vương là do thường phải giải quyết yêu cầu của phụ huynh học sinh gởi con học trái tuyến, trái địa bàn, nên trong tình trạng quá tải thường xuyên.
Bà Phạm Kim Xuyến có hộ khẩu gia đình ở khóm Nguyễn Du phường 1. Cháu nội của bà là bé Nguyễn Ngọc Phương Vy, năm nay vừa đến tuổi vào lớp 1. Do cha mẹ cháu Vy luôn tất bật chuyện làm ăn, bà Xuyến vừa lo chuyện cơm nước trong nhà, vừa lo đưa đón cháu đi học mẫu giáo mấy năm rồi, nay lại tiếp tục đưa đón cháu đi học trường tiểu học Nguyễn Du, tính ra cũng khá gần nhà. Từ lúc còn học mẫu giáo, Phương Vy luôn được nhận danh hiệu bé ngoan. Tính ham học của bé Vy sẽ giúp cháu mau thích nghi với môi trường tiểu học và có thể học tốt ngay từ những ngày đầu đến trường .
Còn bà Nguyễn Thị Hết, tuy cũng có hộ khẩu ở khóm Nguyễn Du phường 1, nhưng cháu nội của bà – cháu Chiêm Thị Ngọc Trang lại ở đây theo diện tạm trú. Mấy ngày nay, cả gia đình bà luôn thấp thỏm lo âu về chuyện các trường tiểu học ở phường 1 không thu nhận trẻ tạm trú ở phường 1; hoặc trẻ có hộ khẩu thường trú tại phường 1 sau ngày 1/1/2013, cũng sẽ không tiếp nhận .
Từ nhiều năm nay, cả hai trường tiểu học Nguyễn Du và Hùng Vương được coi là 2 trường trọng điểm của thị xã Vĩnh Long và nay là thành phố Vĩnh Long. Vì thế không riêng gì người dân phường 1, mà người dân ở các phường xã khác trong nội ô và cả ngoại ô thành phố Vĩnh Long đều có mong muốn được gởi con vào học tại các ngôi trường này. Khả năng thu nhận học sinh của các trường chỉ có hạn, không thể cùng một lúc đáp ứng được yêu cầu đông đảo của các bậc phụ huynh học sinh, cả trường Hùng Vương lẫn trường Nguyễn Du đều từ chối những trường hợp trái tuyến hoặc chỉ tạm trú mà không có hộ khẩu gia đình tại phường 1.
Thật ra, trong thời gian gần đây, ngành Giáo dục – Đào tạo được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp, đã có một bước đầu tư đáng kể cho việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở các trường vùng ven. Chỉ trong vòng mấy năm, thành phố Vĩnh Long có thêm hàng loạt trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia. Chẳng hạn như phường 8 có trường Chu Văn An; phường 9 có trường Phạm Hùng, phường 5 có trường Thiềng Đức và trường Trương Định; phường 4 có 3 trường tiểu học thì cả 3 trường đều đạt chuẩn Quốc gia. Đó là trường Trần Quốc Tuấn, trường Trần Quốc Toản và trường Trần Đại Nghĩa. Môi trường dạy và học ở các trường chuẩn Quốc gia khá thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ và là một sự lựa chọn khá lý tưởng cho các bậc phụ huynh có con sắp bước vào lớp 1.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Đến hẹn lại lên, cứ vào khoảng đầu tháng 7, các trường tiểu học lại tổ chức đón nhận các cháu 6 tuổi vào lớp 1 để ổn định biên chế lớp trong tháng 8, tích cực chuẩn bị cho tháng 9 khai trường. Hành trang cần thiết cho trẻ vào lớp 1 chính là sự chuẩn bị của các bậc cha mẹ, trong đó không thể thiếu việc giúp trẻ chuẩn bị quần áo, giữ gìn vệ sinh thân thể. Còn chuyện cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1, theo các nhà giáo dục học và các cán bộ quản lý giáo dục , đều khuyến cáo là điều không nên làm.
Đưa trẻ 6 tuổi vào lớp 1 ngày càng có nhiều thuận lợi. Chính quyền địa phương và các trường sở tại đều chung tay tạo cơ hội đón nhận trẻ ngay tại hộ gia đình. Cha mẹ các cháu cũng luôn quan tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con mình được đến trường. Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường năm nào cũng thành công mỹ mãn, thực sự trở thành ngày hội lớn vào mỗi dịp tựu trường./.
An Khánh