Thực hiện sản xuất nông nghiệp theo quy trình sạch GAP là hướng đi đúng đắn và là mục tiêu hướng đến của ngành Nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Các tỉnh ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực để đưa những sản phẩm đặc sản trong vùng tiến vào thị trường. Trong những nỗ lực ấy phải kể đến quá trình vươn lên của thương hiệu khóm Tân Lập thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Được sự hỗ trợ của nhà nước, bà con xã viên Hợp tác xã (HTX) khóm Quyết Thắng đã thực hiện thành công quy trình sản xuất khóm theo tiêu chuẩn Viet Gap và được cấp chứng nhận vào tháng 8 năm 2009 vừa qua. Đây là sản phảm nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận này.
HTX trồng khóm Quyết Thắng được thành lập vào năm 1999, do ông Bùi Công Thành làm chủ nhiệm với 66 xã viên ban đầu. Như nhiều HTX trồng khóm khác của địa phương, thời gian đầu, HTX Quyết Thắng cũng gặp phải khó khăn do thiếu vốn sản xuất và trình độ Ban quản trị còn hạn chế, chỉ hoạt động cầm chừng. Là vùng trũng thuộc Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước bị nước ngập tràn đồng vào những tháng có lũ, do đó, việc canh tác cây khóm gặp nhiều khó khăn. Sự ra đời của các HTX nhằm tập hợp sức dân để chống lũ, bảo vệ mùa màng là hết sức có ý nghĩa. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, chỉ còn HTX Quyết Thắng có khả năng tồn tại đến hôm nay.
Trồng khóm theo tiêu chuẩn GAP là hướng đi mới của bà con xã viên HTX Quyết Thắng, xã Tân Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang |
Chủ nhiệm Bùi Công Thành là một trong những nông dân đầu tiên đến vùng đất Tân Lập này trồng khóm lập nghiệp. Ông hiểu rõ cây khóm có ý nghĩa đến sự phát triển kinh tế của mỗi gia đình ở đây. Do đó, mọi việc làm của ông bao giờ cũng hướng đến mục tiêu bảo vệ cho cây khóm phát triển bền vững. Ông được bà con xã viên tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX.
Năm 2008, HTX kết hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Sở Khoa học – Công nghệ Tiền Giang và Chi cục HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang triển khai thực hiện quy trình sản xuất khóm theo hướng an toàn (Việt Gap). Đến tháng 8 năm 2009, 22 hộ xã viên với 30 ha khóm của HTX đã được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cấp chứng nhận. Đây mới chỉ là bước hội nhập ban đầu nhưng đã cho thấy sự nỗ lực của các bên để từng bước đưa trái khóm Tân Lập vào thị trường.
Mặc dù số lượng xã viên nhiều nhưng khi triển khai quy trình trồng khóm theo tiêu chuẩn Viet GAP thì không có nhiều hộ tham gia (22 hộ) và diện tích cũng không nhiều. Lý do nông dân không mặn mà với quy trình GAP thì có rất nhiều, nhưng mấu chốt vẫn là vấn đề đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, những ai tâm huyết với cây khóm trên vùng đất nhiễm phèn này cũng mong muốn làm một việc gì đó để góp phần nâng cao giá trị của trái khóm. Anh Nguyễn Văn Huệ là một trong những nông dân như vậy. Là xã viên của HTX trong nhiều năm qua, gia đình anh có 2 ha khóm. Năm 2008, anh đăng ký tham gia chương trình Viet GAP 1 ha. Theo anh Huệ, trồng khóm theo quy trình Viet GAP tuy có nhiều cái khó nhưng có nhiều lợi ích.
Sự khắt khe của quy trình Viet GAP không khác nhiều so với các chương trình GAP khác. Do đó, khi triển khai cho bà con nông dân thực hiện cũng cần rất sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và nhà khoa học địa phương. Thời gian qua, HTX Quyết Thắng đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng tỉnh Tiền Giang trong quá trình tổ chức lại sản xuất của đơn vị mình. Với diện tích trên 11.700 ha, sản lượng trên 200.000 tấn mỗi năm, Tân Phước được xem là một trong những vùng chuyên canh khóm lớn trong cả nước. Tuy vậy, việc sản xuất khóm trong thời gian qua chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế của loại cây này, tình hình sản xuất của bà con trồng khóm còn nhiều bấp bênh. Do đó, từ năm 2007, chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện cây khóm trên vùng đất phèn Tân Phước ra đời, do Sở Khoa học – Công nghệ làm chủ đầu tư. Sự ra đời của chương trình này đã giúp bà con nông dân, đặc biệt là bà con xã viên HTX Quyết Thắng, giải quyết được nhiều vấn đề mà trước hết là việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất để rút ngắn thời gian lưu vụ.
Nhờ được hỗ trợ máy móc, thiết bị, HTX Quyết Thắng có thêm dịch vụ làm đất trồng khóm cho bà con, thu nhập cũng tăng lên, HTX có dư tích lũy. Được sự đồng thuận của nhiều xã viên, năm 2008, Sở Khoc học – Công nghệ kết hợp với Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam và Sở Nông nghiệp Tiền Giang mà đại diện là Chi cục HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ cho HTX sản xuất khóm theo quy trình an toàn. Đây là bước hỗ trợ tiếp theo nhằm giúp cho bà con từng bước quen dần với quy trình trồng khóm theo yêu cầu của thị trường.
Hiểu rõ sự khó khăn và tâm lý e ngại của bà con khi tham gia chương trình canh tác mới, dự án đã hỗ trợ toàn bộ chi phí cho nông dân tham gia tập huấn, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận với ngân hàng để vay vốn sản xuất, hỗ trợ chi phí thuê chứng nhận Viet GAP. Năm 2010, dự án đi vào giai đoạn kết thúc và đã được đánh giá là thành công. Sự thành công này không chỉ thể hiện ở việc các bên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, mà còn thể hiện ở việc giúp cho nông dân ý thức được rằng sản xuất khóm theo quy trình an toàn là chuyện tất yếu phải làm.
Với những tín hiệu vui từ sự hợp tác của các doanh nghiệp, sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của nhà nước, sự đồng tình ủng hộ của bà con xã viên, không bao lâu nữa, trái khóm theo tiêu chuẩn GAP trên vùng quê Tân Lập sẽ trở thành thương hiệu đáng tin cậy của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từ sự thành công ban đầu của HTX Quyết Thắng, chúng ta thấy rằng việc “sản xuất cái mà thị trường cần” – tức sản phẩn sạch, sản phẩm an toàn – sẽ có ý nghĩa quyết định thành công trong xu thế hội nhập hiện nay. Một khi chưa có được sản phẩm sạch thì thị trường bền vững sẽ không đến với người nông dân. Việc sản xuất theo hướng GAP là điều kiện cần thiết để nhà nông đạt mục tiêu đó.
Thúy Hằng