Dịp Tết với thời tiết thay đổi thất thường cùng các yếu tố khác có thể khiến nguy cơ đột quỵ tăng 30%, mỗi người cần chủ động tầm soát sớm và kịp thời cấp cứu khi có dấu hiệu bất thường.
Thông tin trên được PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu, Giám đốc Trung tâm Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ trong chương trình tư vấn trực tuyến: “Đột quỵ mùa cuối năm – Tầm soát, cấp cứu ở đâu?” do Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp tổ chức, diễn ra vào tối 17/01/2024.
Chương trình thu hút hơn 60 ngàn lượt xem trực tiếp và xem lại trên các nền tảng số. Đồng thời, có hàng trăm câu hỏi của khán giả từ khắp nơi gửi về được các chuyên gia giải đáp kịp thời.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu cập nhật thông tin, vào cuối năm, tỷ lệ người bị đột quỵ nhập viện thường tăng cao. Cơ thể con người thường xuất hiện những phản ứng để tự vệ, thích nghi với sự thay đổi của thời tiết. Ví dụ, khi trời lạnh, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều hormone catecholamine hơn, làm co mạch ngoại biên và dễ gây vỡ mạch máu.
Vào mùa đông lạnh, các thành phần của máu như hồng cầu và tiểu cầu tăng, làm độ quánh và độ đông đặc của máu cao hơn bình thường, dễ dẫn đến nguy cơ tắc mạch ở những người có sẵn các yếu tố bất thường.
Dịp cuối năm công việc nhiều còn dẫn đến áp lực, căng thẳng, mất ngủ, thiếu ngủ. Đây cũng là thời điểm của tiệc tùng, bia rượu nhiều. Những người đang có sẵn bệnh nền, ăn nhiều thức ăn giàu mỡ, chất béo, ít vận động cũng dễ có nguy cơ đột quỵ vào mùa cuối năm.
TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức – Trưởng khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, khuyến cáo người dân nên chủ động kiểm soát bệnh nền và tầm soát đột quỵ từ sớm.
Giải đáp cho câu hỏi: “Tầm soát đột quỵ có giúp phát hiện được các yếu tố nguy cơ nhỏ nhất không?”, Bác sĩ Minh Đức cho biết, có những yếu tố nguy cơ đột quỵ không biểu lộ ra bên ngoài. Người bệnh không thể tự phát hiện được, chỉ khi thăm khám, thực hiện các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng, chụp X-quang phổi, đo điện tim, chụp CT hoặc MRI toàn thân… mới có thể phát hiện được các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn này.
Người bệnh được chỉ định tầm soát yếu tố nào sẽ dựa trên thăm khám lâm sàng, đánh giá tình trạng sức khỏe, hỏi về tiền sử bệnh và dựa vào yếu tố nguy cơ để thực hiện các xét nghiệm phù hợp.
Với những trường hợp không may xảy ra đột quỵ, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ – Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Việc đầu tiên phải làm là nhận diện dấu hiệu đột quỵ và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán nguyên nhân đột quỵ do nhồi máu não hay do xuất huyết não. Tùy theo từng nguyên nhân mà người bệnh sẽ được can thiệp cấp cứu phù hợp.
Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết thêm, chìa khóa trong cấp cứu đột quỵ chính là mổ càng sớm càng tốt. Thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ nhồi máu não là 3-4,5 giờ đầu tiên bằng thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp nội mạch lấy cục máu đông, có thể mở rộng lên sau 6 giờ tùy trường hợp.
Với đột quỵ xuất huyết não, thời gian vàng cấp cứu là trong 8 giờ đầu, có thể mở rộng lên 24 giờ tùy trường hợp. Tuy nhiên, người bệnh cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Các kỹ thuật hiện đại như Robot mổ não trí tuệ nhân tạo Modus V Synaptive tại Bệnh viện Tâm Anh đang triển khai có thể hỗ trợ cấp cứu đột quỵ xuất huyết não hiệu quả, người bệnh hồi phục nhanh hơn.
“Người bệnh đột quỵ khi đến Bệnh viện Tâm Anh sẽ được chụp MRI kết hợp chụp bó sợi thần kinh DTI để bác sĩ đánh giá toàn diện các vùng chức năng của não. Sau đó bác sĩ thực hiện mổ mô phỏng, chọn lựa hướng tiếp cận tối ưu nhất nhằm loại bỏ khối máu tụ hiệu quả mà vẫn bảo tồn tối đa các chức năng thần kinh cho người bệnh”, bác sĩ Tấn Sĩ cho biết.
Bác sĩ Tấn Sĩ cùng ê-kíp thực hiện phẫu thuật thần kinh bằng robot trí tuệ nhân tạo tại bệnh viện Tâm Anh.
Với câu hỏi: “Cấp cứu đột quỵ khác gì với cấp cứu thông thường?”, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu cho biết không phải bệnh viện nào cũng có chuyên môn cấp cứu được đột quỵ. Bệnh viện cấp cứu đột quỵ cần có đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực thần kinh đột quỵ, dùng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp mạch và phẫu thuật thần kinh.
Bệnh viện có chuyên môn cấp cứu đột quỵ cần có sự phối hợp giữa các chuyên khoa, Hồi sức Cấp cứu, Thần kinh, Chẩn đoán Hình ảnh…, đồng thời trang bị đầy đủ các hệ thống máy móc chuyên dụng hiện đại cho chuyên ngành thần kinh.
Đúc kết cuối chương trình, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu chia sẻ, không chỉ vào cuối năm mà bất cứ thời điểm nào nguy cơ đột quỵ cũng có thể xảy ra. Đặc biệt, những người bị tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì, ít tập thể dục, căng thẳng nhiều,… càng phải lưu ý, chủ động thăm khám, tầm soát đột quỵ định kỳ. Người đã từng bị đột quỵ cũng cần tầm soát để dự phòng đột quỵ tái phát, bên cạnh duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi phù hợp.
Dung Nguyễn