Phẫu thuật nội soi hoặc nút mạch giúp điều trị phì đại tuyến tiền liệt với mức xâm lấn ít, cải thiện triệu chứng và bảo tồn sinh lý nam.

Lúc 20h ngày 02/01, chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề “Tuyến tiền liệt tuổi trung niên: Phẫu thuật hay không cần phẫu thuật?” do BVĐK Tâm Anh phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đã diễn ra với nhiều thông tin hữu ích. Các chuyên gia hệ thống BVĐK Tâm Anh tham gia tư vấn trong chương trình gồm: TTƯT.PGS.TS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc TT Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TPHCM; PGS.TS.BSCKII Trần Văn Hinh, Trưởng khoa Tiết niệu – Nam học, BVĐK Tâm Anh Hà Nội; TTƯT.PGS.TS Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc TT Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.

PGS Vũ Lê Chuyên tư vấn về phì đại tuyến tiền liệt ở tuổi trung niên

Theo PGS Vũ Lê Chuyên, độ tuổi mắc phì đại tuyến tiền liệt ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa. Trước đây bệnh thường xuất hiện ở người trên 60 tuổi, nhưng hiện nay người dưới 60, thậm chí ở tuổi 45 đã mắc phì đại tuyến tiền liệt.

Có một số yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Về gen, một số chủng tộc có tỷ lệ mắc phì đại tuyến tiền liệt hơn, chẳng hạn người da vàng ít mắc hơn da trắng. Ngoài ra nếu trong gia đình đã có người bị thì khả năng thành viên nam giới cũng có khả năng bị cao hơn người khác. Về dinh dưỡng, dường như những người dùng thực phẩm thịt đỏ thì dễ mắc phì đại tuyến tiền liệt hơn những người dùng thực phẩm chay. Ngoài ra người bị viêm nhiễm đường tiết niệu nhiều lần cũng có khả năng bị phì đại tuyến tiền liệt nhiều hơn người khác.

Về chẩn đoán, siêu âm có thể giúp khảo sát tuyến tiền liệt, đo kích thước 3 chiều, kiểm tra hình dáng và cấu trúc tuyến tiền liệt. Phương pháp thứ hai là đo PSA – một kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt. Chỉ số PSA càng cao, tuyến tiền liệt càng lớn, đặc biệt cao vọt trong trường hợp ung thư tuyến tiền liệt. Phương pháp thứ ba là kiểm tra chức năng thận, nhằm xác định xem tuyến tiền liệt đã gây tác hại trên thận chưa để xử lý phù hợp. Một phương pháp khác cần làm là tổng phân tích nước tiểu. Ngoài ra, tùy tình trạng người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán phù hợp.

PGS Trần Văn Hinh cho biết nhiều phương pháp can thiệp giúp điều trị phì đại tuyến tiền liệt hiệu quả, ít xâm lấn

Nhiều khán giả đặt câu hỏi về các phương pháp điều trị phì đại tuyến tiền liệt, PGS Trần Văn Hinh cho biết, theo hướng dẫn của Hiệp hội Niệu khoa Hoa Kỳ, ở giai đoạn đầu chỉ cần theo dõi và chờ đợi, bác sĩ có vai trò tư vấn, giúp đỡ, hướng dẫn người bệnh tuân thủ lịch hẹn và có chế độ ăn uống, luyện tập để bệnh không tiến triển. Hiện 90% trường hợp phì đại tuyến tiền liệt có thể điều trị bằng nội khoa. Các phương pháp điều trị khác là điều trị nội khoa, phẫu thuật nội soi hoặc can thiệp xâm lấn tối thiểu..

Hiện nay Hệ thống BVĐK Tâm Anh đã thực hiện được tất cả các phương pháp điều trị phì đại tuyến tiền liệt như nội soi qua niệu đạo bằng dao lưỡng cực, laser, hoặc phương pháp ít xâm lấn hơn như nút mạch để giảm kích thước tuyến tiền liệt, giúp cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

PGS Nguyễn Xuân Hiền khẳng định nút mạch giúp thu nhỏ tuyến tiền liệt mà không làm ảnh hưởng sinh lý nam.

Về phương pháp nút mạch điều trị phì đại tuyến tiền liệt, PGS Hiền cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện được phương pháp này khá sớm, Ngày 27/02/2014, PGS Hiền cùng các cộng sự đã thực hiện thành công ca nút mạch điều trị phì đại tuyến tiền liệt đầu tiên. Nút mạch giúp làm tắc các nhánh mạch nuôi khối phì đại, thu nhỏ kích thước tuyến tiền liệt. Ưu điểm của phương pháp này là xâm lấn tối thiểu, người bệnh chỉ cần nằm viện 1 đêm, hôm sau có thể xuất viện, bảo tồn tối đa phần tuyến tiền liệt lành, đảm bảo chức năng sinh lý cho nam giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *