ĐBSCL là một vùng kinh tế có đến 77% dân số sống ở nông thôn. Do vậy, 40% tỷ trọng trong nền kinh tế khu vực này có sự đóng góp từ nông nghiệp. Là một vùng trọng điểm nông sản nên lượng hàng hóa từ vùng ĐBSCL xuất khẩu hàng năm đang ở mức 9 tỷ đôla Mỹ. Những năm gần đây ĐBSCL được đánh giá cao về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh . Thế nhưng, thu hút vốn đầu tư , đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài vào ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế.

 

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 cho thấy Đồng Tháp và An Giang nằm trong nhóm đứng đầu bảng xếp hạng; 9 tỉnh nằm trong nhóm tốt . Đây là cảm nhận tích cực của các doanh nghiệp đã đầu tư và đang sản xuất kinh doanh trong khu vực này, xét trên 9 tiêu chí gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Trong số 9 tiêu chí này, có 4 tiêu chí mà tỉnh dẫn đầu cả nước thuộc về ĐBSCL. Trong đó Kiên Giang được xếp hạng cao nhất trong việc tiếp cận đất đai; Bạc Liêu dẫn đầu chi phí về thời gian; Đồng Tháp xếp hạng nhất về tính năng động và Tiền Giang được đánh giá cao nhất so cả nước về thiết chế pháp lý.

 4 tiêu chí ĐBSCL dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI 2012

Kiên Giang: Tiếp cận đất đai

Bạc Liêu: Chi phí về thời gian

Đồng Tháp: Tính năng động và tiên phong

Tiền Giang: Thiết chế pháp lý. 

Tuy chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL được đánh giá cao trong năm 2012 , nhưng làm gì để chuyển thế mạnh này thành yếu tố tích cực để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cho cả vùng, vẫn là bài toán khó.

Lâu nay, thông điệp được phát đi từ ĐBSCL thường đề cập đến hạn chế về hạ tầng, dân trí. Song, những năm gần đây ĐBSCL đang có sự đổi mới tích cực trên nhiều mặt. Do vậy, ĐBSCL cần chủ động truyền một thông điệp mới hơn để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Đây cũng là nội dung mà các đại biểu tham gia hội thảo phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 khu vực ĐBSCL tại Bạc Liêu quan tâm. 

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của ĐBSCL được cộng đồng doanh nghiệp đã và đang đầu tư nơi đây đánh giá cao. Tuy nhiên, chỉ số này chưa có sự tương đồng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Toàn vùng mới có gần 43 ngàn doanh nghiệp, chỉ chiếm 8,5% tổng số doanh nghiệp cả nước. Trong đó, chỉ có hơn 500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chưa bằng 5% so cả nước.

 Kết quả khảo sát PCI cho thấy chất lượng hạ tầng chưa cao là trở ngại trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, những năm gần đây chỉ số này được cải thiện đáng kể, nhất là tỷ lệ đường trải nhựa ngày càng cao hơn. Cho đến nay, Long An là tỉnh có vốn đầu tư nước ngoài có tỷ trọng cao nhất trong vùng với 37%, nhờ tiếp giáp TP.HCM; Kiên Giang chiếm 30% nhờ có đảo du lịch Phú Quốc. 

Hai năm gần đây, vốn đầu tư nước ngoài tập trung nhiều vào các tỉnh gần TP.HCM. Tuy nhiên, khảo sát từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho thấy các tỉnh thành phố vùng trung tâm ĐBSCL như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang là những địa phương sẽ được doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ưu tiên nếu có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh. Như tại khu công nghiệp Hòa Phú, Vĩnh Long, một doanh nghiệp đến từ Hà Lan đã chuyển nhượng lại nhà máy trong nước trị giá 3 triệu đôla Mỹ vào tháng 9/ 2011, thì quí 2 năm 2012 đầu tư mở rộng 8 triệu đôla. Chỉ trong năm qua, doanh thu từ các sản phẩm thức ăn thủy sản của doanh nghiệp này bằng xấp xỉ 2 lần vốn đầu tư mở rộng. 

Vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và thu nhập người lao động. Một báo cáo cho biết, thu nhập bình quân đầu người trong vùng ĐBSCL đã tăng 2,5 lần so với năm 2001 cho dù mới bằng 95% thu nhập bình quân của cả nước. Còn nếu tính chung tổng vốn đầu tư xã hội vào ĐBSCL đến nay chỉ mới chiếm 14% cả nước và lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn còn đến hơn 50%. Trong khi đó có mối liên quan giữa những tỉnh có mức đầu tư thấp và sự di cư thuần tăng ở những tỉnh có số lượng ít doanh nghiệp, thu nhập bình quân đầu người thấp và tỉ lệ đô thị hóa còn chậm. 

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo, thủy hải sản, trái cây trọng điểm của quốc gia. Đây là những mặt hàng xuất khẩu đem ngoại tệ về cho đất nước. Năm 2012 vừa qua, ĐBSCL xuất khẩu 9 tỷ 800 triệu đôla Mỹ , trong đó chủ yếu là gạo và thủy sản, trong khi nhập khẩu chỉ 5 tỷ 800 triệu đôla Mỹ. Thực tế cho thấy, tuy nông nghiệp đóng vai trò quan trọng vào việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế của ĐBSCL, nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế này vào GDP của vùng ngày một giảm. Nếu như năm 2005, nông nghiệp đóng góp 33% vào tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL thì 5 năm sau đó chỉ còn 17%. Hiện nay, nông nghiệp thủy sản vẫn còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của vùng với 40%. 

 

Cấu trúc kinh tế và lao động còn nghiêng nhiều về nông nghiệp có tác động lớn đến năng suất, thu nhập và tăng trưởng kinh tế chung cả vùng. Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2011 chỉ ra rằng nguồn nhân lực ở ĐBSCL thấp hơn tất cả các vùng trong cả nước là một trở ngại đáng kể trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong số 13 tỉnh thành phố vùng ĐBSCL, năm 2012 Vĩnh Long được đánh giá cao nhất khu vực về chỉ số đào tạo lao động. Toàn tỉnh hiện có 23 cơ sở dạy nghề, duy trì có hiệu quả sàn giao dịch việc làm vào hai ngày mỗi tháng. Nhiều huyện còn liên kết doanh nghiệp đào tạo nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp và các ngành nghề đào tạo cũng bám sát hơn nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Vĩnh Long đạt 26%. 

Kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 cho thấy ĐBSCL được đánh giá cao qua tính năng động của chính quyền trong việc giải quyết những trở ngại với cộng đồng doanh nghiệp. Những cuộc đối thoại giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp cũng được tổ chức thường xuyên hơn. Như tại Vĩnh Long, năm qua có ít nhất 5 cuộc đối thoại với doanh nghiệp được tổ chức về các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến thuế, tín dụng, v.v… Ngoài ra, UBND tỉnh còn dành 5 ngày làm việc đầu tháng để giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp. Nhờ vậy, năm qua Vĩnh Long là một trong 7 tỉnh được nhận bằng khen về chất lượng điều hành tốt nhất trong cả nước. 

Có thể thấy cải thiện môi trường kinh doanh đang được nhiều tỉnh ĐBSCL xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút đầu tư. Năm 2012, ĐBSCL có đến 9 trong số 3 tỉnh được xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh ở nhóm tốt là một kết quả khả quan để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, kết quả  này cần chuyển lên một bước cao hơn, đó là thể chế nhằm hướng đến sự tin tưởng của doanh nghiệp khi đầu tư vào khu vực nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, mỗi tỉnh cần xây dựng được một hình ảnh đặc trưng riêng mình trong sự phối hợp và mối liên kết thống nhất chung của cả vùng.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *