Những năm qua, nhờ thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà đời sống nhiều nông dân đã khấm khá. Hiệu quả kinh tế từ những mảnh vườn, ruộng rẫy là “nền móng” của nhiều nhà tường, nhà ngói đã và đang thi nhau mọc lên…

Chuyển đổi cây trồng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. 

 

Màu thay lúa

Mặc dù những cơn mưa đầu mùa rả rích liên tục những ngày qua, nhưng trên cánh đồng màu ở huyện Bình Tân vẫn nhộn nhịp. Anh Phan Minh Châu, nông dân xã Tân Quới, đầu trần chân đất, cười hớn hở: “Lúc nắng lúc mưa nhưng ra ruộng chẳng biết mệt là gì, bởi trúng mùa, trúng giá nên suốt ngày bám miết ngoài đồng”. Vụ này, anh Châu chỉ trồng 1 công bắp cải, nhờ ít sâu bệnh, cộng với chăm sóc tốt nên năng suất đạt trên 3 tấn. Nhìn ruộng bắp cải xanh mượt mà thương lái đặt cọc mua 4.000 đ/kg, anh Châu phấn khởi. Với giá này, tổng thu đạt mức 15 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư 3 triệu đồng, lời trọn 12 triệu đồng.

Tại xã Tân Bình, chú Năm Mực cho biết, sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân sớm, ông không sạ vụ Hè Thu mà chuyển sang trồng hành lá. Chỉ sau hơn 2 tháng chăm sóc, năng suất hành đạt bình quân 3 tấn/công, bán được khoảng 25 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư gần 8 triệu đồng, bỏ túi hơn 26 triệu đồng, lời tương đương 10 công lúa.

Thạc sĩ Võ Văn Theo- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Tân, khẳng định: Rau màu là thế mạnh kinh tế được huyện rất quan tâm đầu tư phát triển. Với lợi thế đất đai màu mỡ, chuyển dịch cây trồng ở Bình Tân đã mang lại nhiều kết quả rõ rệt. “Nhiều năm qua, đời sống những hộ chuyển đổi trồng màu đã khấm khá hơn, nếu so với làm vườn, trồng lúa, nuôi cá cây màu ở đây hơn hẳn.”- Thạc sĩ Võ Văn Theo bộc bạch.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, những năm qua trung tâm đã phối hợp ngành liên quan thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả. Riêng năm 2010, đã vận động nông dân gieo trồng hơn 34.000ha rau màu các loại, tăng gần 2.500ha so với năm 2009. Trong đó, diện tích trồng màu trên đất ruộng chiếm hơn 14.000ha, tăng gần 27%. Một số vùng đất gò trồng lúa cho năng suất thấp ở các huyện như Trà Ôn, Tam Bình, Long Hồ, Vũng Liêm, diện tích trồng màu cũng dần tăng lên hàng năm.

Khắc phục khó khăn, nâng cao lợi nhuận

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng nên thu nhập người dân tăng đáng kể, từ 45 triệu đồng/ha năm 2005 lên 86 triệu đồng/ha năm 2009 và năm 2010 là trên 92 triệu đồng/ha. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nông nghiệp bình quân giai đoạn 2006- 2010 là 5,2%/năm. Chuyển đổi cây trồng đã đi đúng hướng theo Nghị quyết tỉnh Đảng bộ đề ra là, giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi thủy sản, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Qua đó, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình luân canh khoai lang, đậu nành, rau màu trên ruộng (Bình Tân); trồng mè, dưa hấu (Long Hồ), tạo ra nhiều giống rau màu mới chuyển giao cho nông dân. Riêng từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã trình diễn 4 mô hình trồng màu gồm: đậu nành, mè, dưa hấu và khoai lang trên nền ruộng tại các huyện: Mang Thít, Bình Tân, Trà Ôn và Bình Minh, tổng diện tích trên 21,5ha. Kết quả, năng suất đậu nành ước đạt 1,84 tấn/ha, sau khi trừ chi phí nông dân còn lời khoảng 16 triệu đồng/ha- cao hơn nhiều so trồng lúa.

Nông dân xã Tân Bình (Bình Tân) trồng rau màu trên nền ruộng. 

 

Mặc dù đạt nhiều kết quả, song theo nhận định của ngành nông nghiệp, tốc độ chuyển dịch sản xuất nông nghiệp thời gian qua còn chậm, một số chỉ tiêu như diện tích cây lâu năm, diện tích rau màu luân canh trên đất lúa chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Bên cạnh, chất lượng các mặt hàng nông sản còn thấp, dịch bệnh còn nhiều gây tổn thất nặng nề cho nông dân.

Để tăng diện tích trồng rau màu lên trên 46.000ha, đạt sản lượng khoảng 840.000 tấn đến năm 2015 theo kế hoạch. Đồng thời, chuyển dịch cây trồng, hình thành vùng nguyên liệu chuyên canh quy mô lớn gắn chế biến và tiêu thụ, ngành nông nghiệp đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển bền vững. Theo đó, sẽ thực hiện tốt khâu quy hoạch và quản lý quy hoạch về nông nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn nông sản; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; cải tiến, đổi mới hình thức sản xuất, xây dựng kết cấu và nội dung của một nền nông nghiệp hiện đại.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Liêm cho rằng, không nhất thiết phải chuyển đổi tràn lan mà cần tập trung chuyển đổi tại những vùng đất sản xuất kém hiệu quả- nhất là những nơi sản xuất lúa đạt năng suất thấp. Việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi phải phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng từng vùng. Và, “khi chuyển đổi thì yếu tố thị trường tiêu thụ là quan trọng, không chuyển đổi ồ ạt gây mất cân đối giữa cung và cầu, gây tình trạng ế hàng, dội chợ”- Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm cho biết. 

Theo Nguyễn Hoàng (VLO)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *