Xây dựng Nông thôn mới là một Chương trình lớn của Đảng và Nhà nước ta với mục tiêu phát triển toàn diện về vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Tùy điều kiện và hoàn cảnh cụ thể mà mỗi nơi có cách thức riêng trong việc thực hiện các tiêu chí cho địa phương mình. Đối với các địa phương mà phần lớn người dân sống nhờ vào sản xuất lúa thì việc tập trung “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn” cũng được xem là một trong những biện pháp tốt để làm điều đó.

 

Đây là mùa vụ thứ 4 nhóm nông dân ở xã Mỹ Lộc huyện Tam Bình tỉnh Vĩnh Long tham gia chương trình cánh đồng mẫu lớn tại địa phương mình, và là vụ thứ 6 cùng với Công ty Cổ phần BVTV An Giang thực hiện mô hình. Ban đầu mô hình chỉ vài chục ha, nay đã lên 300 ha, và được biết sắp tới sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa tại xã điểm Nông thôn mới này.

Có được hiệu ứng tốt như vậy là nhờ hiệu quả thiết thực mà cánh đồng mẫu lớn đã mang lại cho bà con thời gian qua.

Hộ của ông Dương Văn Thành, gia đình có hơn 6 công ruộng, nhiều năm trước, tuy mỗi năm sản xuất 3 vụ ăn chắc, nhưng lợi nhuận không nhiều, đôi khi gia đình muốn chuyển sang mô hình khác. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua, từ khi ông tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, niềm vui của nghề trồng lúa đã trở lại với ông. Ngoài niềm vui về chất lượng và năng suất lúa đều tăng, tiết kiệm các khoản chi phí, nâng cao lợi nhuận, ông cũng như nhiều bà con trong mô hình rất phấn khởi vì đã tiếp cận được cách thức làm ăn mang tính tập thể, tính cộng đồng một cách hiệu quả. Và hơn hết là đồng ruộng quê nhà đã trở nên đẹp hơn, bằng phẳng hơn, rộng lớn hơn.

Nhưng có lẽ, điều mà khiến nhiều bà con cũng như lãnh đạo địa phương hài lòng nhất chính là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của những bà con có đất đai chung trong cánh đồng.  Mọi người ngày càng thân thiết nhau hơn. Trước nay, một số bà con làm ruộng cạnh nhau, đôi khi có những mâu thuẫn lợi ích cục bộ như về đường nước, bờ ranh, cỏ dại…. nhưng bây giờ tất cả những điều đó đã chấm dứt, cái còn lại là tình nghĩa xóm giềng ngày càng được củng cố, và sự tương trợ nhau trong sản xuất.

Năm 2010, Mỹ Lộc được chọn là 1 trong 22 xã điểm Xây dựng Nông thôn mới của tỉnh Vĩnh Long, nên hiện nay, mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được ngành nông nghiệp các cấp tích cực hỗ trợ cho địa phương này với mục tiêu nhằm mở rộng phạm vi trên địa bàn toàn xã đến năm 2015.

Hiện nay, tại một số xã điểm khác trong tỉnh, mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng được các địa phương triển khai thực hiện để góp phần vào các nội dung trong tiến trình xây dựng nông thôn mới như tiêu chí nâng cao thu nhập, tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, tiêu chí hộ nghèo,…

Giống như vậy, tại một số quận, huyện chuyên sản xuất lúa ở TP Cần Thơ như Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ,…ngành nông nghiệp cũng đã vào cuộc và đẩy mạnh phong trào Xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại các xã điểm xây dựng Nông thôn mới của họ.

Cụ thể tại Cờ Đỏ, một trong những huyện sản xuất lúa trọng điểm của TP Cần Thơ, đặt ra mục tiêu đến hết năm 2013, trên địa bàn 9 xã điểm Nông thôn mới của huyện sẽ có ít nhất 01 mô hình điểm về cánh đồng mẫu lớn quy mô tối thiểu 30 ha, vậy là ngay từ vụ đông xuân 2011 – 2012, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã triển khai thực hiện thí điểm trên địa bàn xã Thới Xuân, quy mô của mô hình là 428 ha, với trên 200 hộ tham gia. Kết quả đạt được từ mô hình điểm rất khả quan.

Nhưng có lẽ điều mà khiến nhiều người tâm đắc nhất là tập quán sản xuất lúa của bà con ở đây đã thay đổi rất nhiều, tình nghĩa xóm giềng cũng ngày càng khắng khít, việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất của bà con cũng được cởi mở hơn.

Với nhiều hộ dân, mỗi ha ruộng, sau khi tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, lợi nhuận tăng thêm từ 5 đến 6 triệu đồng, con số này đối với họ rất có ý nghĩa. Và còn có ý nghĩa hơn đối với cộng đồng, đối với chính địa phương đó khi muốn vận động người dân đóng góp để cùng chung tay Xây dựng nông thôn mới. Như gia đình của Chị Phạm Thị Cúc, chị có 9 ha ruộng, sau khi tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, mỗi vụ chị có lợi nhuận tăng thêm gần 50 triệu đồng, vì vậy, việc đóng góp lại cho địa phương đối với gia đình chị là điều không mấy khó khăn. 

 

Sau hơn 1 năm thực hiện, cho đến hiện nay, toàn huyện Cở Đỏ có 06 điểm tại 6 xã thực hiện mô hình cánh đồng mẫu, với tổng diện tích lên đến 1.427 ha. Sự phát triển có nhiều, nhưng mới chiếm khoảng 10% diện tích trồng lúa cả huyện. Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh và nhân rộng mô hình sẽ được ngành Nông nghiệp huyện Cờ Đỏ quan tâm trong thời gian tới, đặc biệt là đối với các xã điểm xây dựng Nông thôn mới.

Cách nay gần 5 năm, lần đầu tiên, khái niệm “cánh đồng mẫu lớn” xuất hiện ở tỉnh An Giang và thực hiện thành công ở đó. Từ đó đến nay, mô hình nhanh chóng được nhiều tỉnh thành trong cả nước ứng dụng. Riêng khu vực ĐBSCL đã có gần 8.000 ha được nhân rộng với trên 6.400 hộ nông dân tham gia.

Giới chuyên môn đã nhận định “cánh đồng mẫu lớn” là hình thức tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tập hợp những nông dân nhỏ lẻ lại hình thành một diện tích chung rộng lớn, tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật và công nghệ mới, giải quyết đầu ra ổn định cho bà con nông dân.

Vì vậy, đây được khẳng định là hướng tổ chức sản xuất phù hợp trong công cuộc Xây dựng Nông thôn mới theo định hướng của Đảng và Nhà nước đề ra. Nên việc tập trung xây dựng và nhân rộng những cánh đồng mẫu lớn cũng là cách để các địa phương và bà con thực hiện những nội dung có liên quan trong tiến trình Xây dựng nông thôn mới của địa phương mình. Có cánh đồng mẫu lớn tất sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để nông thôn phát triển tốt hơn, tươi đẹp hơn cả về diện mạo lẫn quan hệ tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng ./.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *