Làm màng ngăn nylon để hạn chế chuột phá lúa |
Ngoài đồng, chuột thường sống trong hang, dưới đất, nhất là ở những bờ ruộng. Khi lúa chín, chuột rời hang vào sống và làm tổ ngay trong ruộng lúa. Chuột sống thành tập đoàn. Trong hang có nhiều ngách để di chuyển. Đặc biệt, chúng còn bố trí những cửa bí mật để chạy thoát. Chuột có khả năng di cư tìm địa bàn mới để sinh sống khi mật số quá cao, hoặc nguồn thức ăn cạn kiệt. Chúng thích môi trường khô ráo hơn ngập nước, nên những năm hạn hán, chuột có xu hướng phát triển nhiều hơn. Thời gian sống trung bình của chuột khoảng 1 năm. Thông thường, chuột cái sống lâu hơn chuột đực.
Chuột cái có thể sinh sản quanh năm, nhưng tập trung mang thai nhiều nhất vào giai đoạn lúa đòng trổ. Chuột đẻ con non và nuôi con bằng sữa của con mẹ trong 1-2 tuần đầu. Trung bình, một năm chuột đẻ 3-4 lứa, nếu thức ăn dồi dào có thể tăng lên 5-6 lứa, mỗi lứa trung bình từ 5-12 con. Theo tính toán trên lý thuyết, mỗi năm, một cặp chuột có thể sinh sản ra hàng ngàn cặp chuột mới. Nhưng trên thực tế, vẫn có rất nhiều yếu tố kìm hãm sự gia tăng số lượng cá thể của chuột trên đồng.
Chuột là một loài ăn tạp. Ngoài cây lúa và thức ăn xanh, chúng còn ăn cả cá, cua, ốc. Đối với cây lúa, chúng gây hại ở bất cứ giai đoạn sinh trưởng nào, mà nặng nhất là vào giai đoạn đòng trổ. Trong nhiều trường hợp, chúng cắn phá nhiều hơn ăn. Ở giai đoạn lúa trổ đòng đòng, chuột cắn thủng bẹ để ăn đòng. Khi lúa sắp chín, chúng cắn từng tép lúa để ăn hạt. Vết cắn của chúng nằm sát ngay gốc lúa. Qua ghi nhận thực tế, trong vài năm trở lại đây, tình hình gây hại của chuột có xu hướng gia tăng. Chuột thường tích lũy mật số trong vụ Đông Xuân và gây hại nhiều nhất vào vụ Hè Thu và Thu Đông. Diện tích bị thiệt hại không tập trung mà xuất hiện rãi rác trên khắp các cánh đồng. Đặc biệt, những vùng đất gò cao, hoặc những miếng ruộng xen kẻ với các vườn cây, gần khu dân cư thường bị chuột cắn phá mạnh hơn. Trên một thửa ruộng, chuột cũng tập trung cắn phá trong phạm vi nhất định, mỗi chỗ khoảng chừng 1 – 2 mét vuông.
Theo các nhà chuyên môn, có rất nhiều nguyên nhân để chuột tích lũy mật số, gia tăng số lượng, gây hại ở mỗi vụ lúa. Trong đó, nguồn thức ăn dồi dào và nơi trú ngụ thuận lợi được xem là những nguyên nhân chính. Mặt khác, những kẻ thù trong tự nhiên của chuột như mèo, rắn, chim săn chuột đã bị con người tận diệt, nên chúng có điều kiện sinh sôi, nảy nở mạnh. Có thể thấy, hiện nay, bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc đối phó với chuột. Một khi lúa đã lớn, hầu như chưa có biện pháp riêng lẽ nào để ngăn chặn chuột cắn phá hiệu quả. Giải pháp tình thế được rất nhiều bà con nông dân áp dụng là treo bọc nylon để khi gió mạnh phát ra âm thanh, tiếng động xua đuổi chuột. Những hình ảnh này rất dễ bắt gặp trên khắp các cánh đồng, nhưng kết quả mang lại xem ra cũng không khả quan lắm.
Xuất phát từ điều kiện phát sinh, phát triển của chuột, để quản lý chúng cần phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, với sự hợp tác của cộng đồng. Các biện pháp này phải được tiến hành ngay từ đầu vụ, đồng loạt, liên tục và rộng khắp. Ngay từ đầu vụ, nên áp dụng những biện pháp phòng trừ để giảm thiểu mật số chuột trên đồng. Nếu trong vụ trước, chuột đã gây hại nhiều, thì ngay cuối vụ cần có kế hoạch phòng trừ chuột cho vụ sau. Tức là, sau mỗi đợt thu hoạch cần phát quang bụi rậm, các bờ đê, bờ kênh, không để ruộng hoang hóa, làm nơi trú ẩn lý tưởng cho chuột. Bờ ruộng không nên làm quá lớn để chuột dễ đào hang trú ngụ. Trong giai đoạn này, cần tập trung tìm và phá các ổ chuột sẽ có hiệu quả rất cao, vì chúng sống tập trung, dễ tìm bắt. Ở những nơi bị chuột gây thiệt hại nặng, có thể áp dụng biện pháp dùng bẫy cây trồng trước khi xuống giống trên diện rộng.
Trong trường hợp đã xuống giống, lúa bị chuột cắn phá nhiều, có thể áp dụng nhiều biện pháp khác để diệt chuột. Có thể áp dụng các biện pháp cơ học như chất chà, đặt bẩy, dùng chó săn chuột, đào hang, đưa nước lên để gom chuột vào các gò cao, tổ chức săn bắt, hoặc dùng các loại thuốc chuột để làm giảm mật số của chúng trên đồng… Cũng như những loại dịch hại khác trên ruộng lúa, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế được sự thiệt hại đến mức thấp nhất nếu áp dụng đầy đủ các biện pháp quản lý chúng theo hướng bền vững. Bên cạnh những giải pháp mang tính cộng đồng, mỗi nhà có thể góp phần vào công tác phòng trừ chuột theo nhiều cách khác nhau. Cần tránh sử dụng những loại thuốc quá nguy hiểm cho con người và môi trường, cũng như những biện pháp không an toàn, như dùng điện chẳng hạn.
Phòng trừ chuột là một vấn đề lâu dài, hiệu quả mang lại không phải trong một thời gian ngắn, mà phải là cả một quá trình dài và mang tính cộng đồng cao. Cũng cần phải chú ý vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, nên giữ cho mật số chuột ở mức thấp có ý nghĩa hơn là tìm cách tận diệt chúng. Là một lo
ại vật khá tinh khôn và có khả năng nhân mật số cao, một khi chuột đã bộc phát mật số sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ cho bà con nông dân. Tuy chỉ mới xuất hiện rãi rác trên đồng ruộng và chưa ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa, nhưng tình hình phát triển của chuột trong vụ Đông Xuân năm nay cho thấy đã có dấu hiệu về xu hướng phát triển của chúng, trước mắt là trong vụ Hè Thu tới đây. Bà con nông dân và các địa phương cần có kế hoạch và phương án đối phó với loại dịch hại này trước khi chúng gây hại nặng nề hơn.
Trung Hiếu